15:10 03/11/2008

Ngân hàng Nhà nước mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước đồng loạt ban hành các chính sách mới, mạnh tay hơn trong nới lỏng chính sách tiền tệ

Các tổ chức tín dụng được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới...
Các tổ chức tín dụng được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới...
Sáng nay (3/11), Ngân hàng Nhà nước đồng loạt ban hành các chính sách mới, mạnh tay hơn trong nới lỏng chính sách tiền tệ.

Nhà điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục giảm lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và thực hiện một số biện pháp về hoạt động tín dụng. Những chính sách này bắt đầu áp dụng từ ngày 5/11.

Loạt chính sách đồng bộ

Theo Quyết định số 2559/QĐ-NHNN ban hành sáng nay, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam được giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm; theo đó lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng giảm từ 19,5%/năm xuống 18%/năm.

Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2561/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 12%/năm xuống 11%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm.

Đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước cũng có Quyết định số 2560/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Theo đó, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam 1% và bằng ngoại tệ 2% đối với các loại tiền gửi so với các tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND và ngoại tệ quy định tại Quyết định số 187/QĐ-NHNN ngày 16/1/2008.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng VND đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính giảm từ 11% xuống 10% đối với loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, giảm từ 5% xuống 4% đối với loại tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng VND giảm từ 8% xuống 7% đối với loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, giảm từ 4% xuống 3% đối với loại tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng đồng VND của ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn và Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác giảm từ 4% xuống 3% đối với loại tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 12 tháng và từ 12 tháng trở lên.

Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính giảm từ 11% xuống 9% đối với loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, giảm từ 5% xuống 3% đối với loại tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn và Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác giảm từ 10% xuống 8% đối với loại tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, giảm từ 4% xuống 2% đối với loại tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Như vậy, qua loạt quyết định trên, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ một cách đồng bộ sau một thời gian thắt chặt từ đầu năm 2008. Đây cũng là yêu cầu đặt ra từ nhiều hiệp hội, ngành nghề và doanh nghiệp trong thời gian gian qua.

Cung thêm tiền, lãi suất cho vay giảm

Các lãi suất điều hành chủ chốt giảm, gián tiếp hỗ trợ lãi suất cho vay ra trên thị trường. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, giảm bớt lượng tiền cất kho của các ngân hàng thương mại… Sau những chính sách này, dự báo lãi suất trên thị trường sẽ có những phản ứng tích cực; vốn và cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp có thể được cải thiện.

Đáng chú ý là đi cùng với loạt chính sách trên, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số biện pháp mới trong hoạt động, đặc biệt là về tín dụng.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất kinh doanh bằng VND phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đảm bảo khả năng huy động vốn, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng các thành viên tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và nông thôn, nhất là các hộ nông dân sản xuất lúa vụ mùa Đông xuân, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và kể cả các dự án đầu tư bất động sản khả thi, có hiệu quả và có khả năng trả nợ đúng hạn.

Các tổ chức tín dụng cũng được thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/5/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hoá như gạo, xi măng, sắt...

Theo nhà điều hành chính sách tiền tệ, mục đích của việc thực hiện các giải pháp nêu trên là nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng huy động vốn và thanh toán, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển.

Trưa hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo việc điều chỉnh lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Các ngân hàng này đã triển khai và có báo cáo bước đầu là thực hiện điều chỉnh giảm từ 1 - 1,5% lãi suất cho vay bằng VND.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  áp dụng lãi suất cho vay bằng VND các đối tượng ưu tiên theo chính sách khách hàng của mình từ 15% - 16%/năm, đặc biệt cho vay hộ sản xuất ở địa bàn nông thôn là 15,5%/năm, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa 15,9%/năm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam áp dụng lãi suất cho vay bằng VND các đối tượng ưu tiên theo chính sách khách hàng của mình (lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu...) từ 15% - 16%/năm.