15:07 12/04/2007

Ngân hàng Nhà nước: Thận trọng khi cho phép ngân hàng tăng vốn

Lan Ngọc

Ngân hàng Nhà nước vừa có quy định chi tiết việc xem xét chấp thuận tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cổ phần

Giao dịch tại ACB - Ảnh: Việt Tuấn.
Giao dịch tại ACB - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngân hàng Nhà nước vừa có quy định chi tiết việc xem xét chấp thuận tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cổ phần.

Tinh thần chính của văn bản này là nhằm tăng cường sự chặt chẽ, thận trọng trong việc xem xét kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo văn bản trên, các phương án tăng vốn của ngân hàng cổ phần phảm đảm bảo những nội dung liên quan đến nhu cầu quyết định mức vốn tăng thêm, trong đó phải nêu rõ việc sử dụng vốn đối với mỗi nhu cầu tương ứng.

Các ngân hàng tăng vốn phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh trên cơ sở vốn điều lệ mới. Căn cứ tốc độ tăng trưởng và kết quả hoạt động của ngân hàng trong 3 năm trước, đặc biệt là năm liền kề để xây dựng kế hoạch tăng vốn phù hợp với quy mô tăng trưởng của ngân hàng để đảm bảo tính khả thi của hiệu quả kinh doanh trên cơ sở vốn điều lệ sau khi tăng.

Ngân hàng cũng phải đưa ra mức lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu dự kiến sau khi tăng vốn, tác động dự kiến đến kết quả xếp loại và dự kiến cổ tức của năm gần nhất sau khi tăng vốn; dự kiến về các tỷ lệ an toàn vốn, lợi nhuận trên vốn (ROE), lợi nhuận trên tổng tài sản có (ROA), mức tăng trưởng tín dụng, mức tăng trưởng tài sản có, mức tăng tiền gửi…

Đi cùng với mức vốn mới, các yêu cầu về khả năng quản trị, năng lực quản lý, giám sát của ngân hàng đối với quy mô vốn và quy mô hoạt động cũng phải tăng lên tương ứng. Phương án tăng vốn đó phải chứng minh được ngân hàng có đủ trình độ, năng lực, số lượng nhân sự cần thiết để quản trị, điều hành và kiểm soát được quy mô hoạt động tăng lên, đảm bảo các quy định về an toàn hoạt động.

Về phía các ngân hàng cổ phần, sau đại hội cổ đông diễn ra tập trung trong thời gian qua, hầu hết các kế hoạch tăng vốn đã được thông qua. Đây cũng là yêu cầu thực tế trước chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh, mặt khác là để dần đáp ứng yêu cầu mức vốn pháp định mà Chính phủ đề ra từ năm 2008.

Còn theo một quan chức của Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành văn bản trên là theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ nhằm bảo đảm việc tăng vốn điều lệ phù hợp với kế hoạch mở rộng kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn và năng lực quản trị, khả năng quản lý của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Ngoài ra, trong bối cảnh phát triển của thị trường chứng khoán hiện nay, việc xem xét thận trọng nói trên là để hạn chế tình trạng tăng vốn ồ ạt, quá nóng gây ảnh hưởng đến thị trường nói chung.