09:35 02/04/2008

Ngân hàng nội đang tiến ra nước ngoài

Nguyễn Hoài

Hai ngân hàng thương mại lớn là BIDV và Vietinbank đang xúc tiến đẩy mạnh các hoạt động ra nước ngoài

BIDV Europe nhắm đến nhóm khách hàng doanh nghiệp Việt Nam và các cá nhân có tài sản đảm bảo ở châu Âu hoặc Việt Nam.
BIDV Europe nhắm đến nhóm khách hàng doanh nghiệp Việt Nam và các cá nhân có tài sản đảm bảo ở châu Âu hoặc Việt Nam.
Hai ngân hàng thương mại lớn là BIDV và Vietinbank đang xúc tiến đẩy mạnh các hoạt động ra nước ngoài.

Mới đây, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã ký biên bản hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered (SCB) quy mô hợp tác lên tới 600 triệu USD, bao gồm các nội dung như: dịch vụ thanh toán, huy động vốn, sản phẩm đầu tư... Đặc biệt, Vietinbank cũng kỳ vọng SCB tư vấn để ngân hàng này mở rộng mạng lưới và trước mắt là mở văn phòng đại diện ở nước ngoài.

Khác với Vietinbank, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có bước đi khá táo bạo trong việc xúc tiến thành lập hiện diện thương mại BIDV Europe tại Cộng hòa Séc.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV nói: “Chúng tôi lựa chọn Séc để mở hiện diện thương mại là nhằm mở rộng, phát huy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, tạo cơ hội tham gia vào thị trường tài chính ngân hàng của một nước phát triển trong khối EU, nâng cao vị thế của BIDV trên trường quốc tế”.

Ông Hà cho biết: vị trí lựa chọn đặt đơn vị hiện diện sẽ là Praha - thủ đô của Cộng hòa Séc - với ý đồ có thể dễ dàng làm bàn đạp mở rộng thị trường sang các nước Đông Âu cũ.

Mặt khác, việc lựa chọn này còn xuất phát từ cộng đồng người Việt khá đông đúc tại đây. Tại Séc hiện có khoảng 50 nghìn người Việt; Ba Lan: 50 nghìn người; Đức: 100 nghìn người; Slovakia và Hungari: khoảng 8 nghìn người.

Giám đốc Ban nguồn vốn BIDV, ông Nguyễn Mạnh, cho biết thêm: dự kiến tên gọi đơn vị hiện diện thương mại sẽ là Công ty cổ phần Đầu tư tài chính BIDV châu Âu (BIDV Europe Finance & Investment, gọi tắt là BIDV Europe).

BIDV Europe sẽ có vốn điều lệ là 10 triệu USD, trong đó vốn đóng góp của các cổ đông như sau: BIDV góp 51%, Công ty Epiag Folida Porcelan Cz - nhà sản xuất gốm sứ cao cấp với thương hiệu từ năm 1804 nắm giữ 29%; và Công ty Sportisimo - nhà phân phối hàng thể thao và thời trang thể thao số 1 trên thị trường Séc, góp 20%.

Các nghiệp vụ kinh doanh của BIDV Europe bao gồm: cho vay tín dụng phi ngân hàng; mua bán bất động sản; cho thuê bất động sản, môi giới mua, bán và cho thuê bất động sản; quản lí bất động sản; tư vấn trong các lĩnh vực tài chính và đầu tư; thuê tài chính (leasing).

Trong lĩnh vực tín dụng phi ngân hàng, BIDV Europe nhắm đến nhóm khách hàng doanh nghiệp Việt Nam và các cá nhân có tài sản đảm bảo ở châu Âu hoặc Việt Nam, có nhu cầu vay vốn kinh doanh, đầu tư và mua bất động sản.

Còn với kinh doanh bất động sản, BIDV Europe sẽ nghiên cứu khả năng đầu tư vào những dự án địa ốc có tiềm năng với lợi nhuận hấp dẫn như trung tâm thương mại, khu kho, nhà ở cho cộng đồng kinh doanh người Việt ở châu Âu.

Trong ngắn hạn (2008 - 2009), BIDV Europe tập trung triển khai các hoạt động kinh doanh với dịch vụ cho vay ngắn và trung hạn, thuê tài chính đối với cộng đồng người Việt; lên kế hoạch mở rộng mạng lưới chi nhánh; kinh doanh, tư vấn, môi giới và quản lý bất động sản.

Đồng thời, đối với các đối tác ngoài nước có nhu cầu thâm nhập thị trường Việt Nam, BIDV Europe sẽ chủ động tìm kiếm và sàng lọc các đối tác, xây dựng chỗ đứng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư; xây dựng dự án...

Ông Trần Bắc Hà cho biết thêm: trong 3 năm đầu, BIDV sẽ hỗ trợ về nguồn vốn hoạt động của công ty thông qua 2 phương thức: cho vay trực tiếp và bảo lãnh cho BIDV Europe vay vốn các ngân hàng tại Séc.

Dự kiến đến hết tháng 5/2008, BIDV sẽ hoàn tất các thủ tục xin phép thành lập tại Việt Nam; tháng 6/2008, hoàn tất thủ tục tại Cộng hòa Séc và trong tháng 7/2008, cơ sở mới sẽ khai trương hoạt động.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận xét: việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài của Vietinbank và BIDV là ban đầu của mô hình ngân hàng toàn cầu, thể hiện hướng đi đúng đắn của các ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam - điều mà Tập đoàn Citigroup đã làm từ năm 1976.