Ngân hàng nói gì về hạ lãi suất cho vay?
Lãi suất cho vay sẽ hạ dần theo định hướng của Chính phủ, nhưng không cào bằng, cần có thời gian nhất định và căn theo lạm phát
Lãi suất cho vay sẽ hạ dần theo định hướng của Chính phủ, nhưng không cào bằng, cần có một khoảng thời gian nhất định và căn theo lạm phát.
Đó là những thông tin cơ bản từ tổng giám đốc một số ngân hàng thương mại lớn khi trao đổi với VnEconomy về khả năng thực hiện định hướng giảm dần lãi suất cho vay VND mà Chính phủ đưa ra, cũng như Ngân hàng Nhà nước đang vận động.
Cụ thể, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét để tạo điều kiện giảm dần mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Cơ quan này cũng vừa ban hành chỉ thị tới các ngân hàng thương mại, trong đó một nội dung chính đề cập đến yêu cầu thực hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Định hướng trên được đưa ra sau khi dữ liệu báo cáo cho thấy tín dụng trong quý 1/2010 tăng trưởng chậm, đặc biệt là tín dụng bằng VND. Mặt khác, sau một tháng triển khai cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, lãi suất trên thị trường quá cao, có từ 16% - 18%, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Để thực hiện định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu có động thái nới lỏng dần chính sách tiền tệ, qua hỗ trợ vốn cho hệ thống bằng việc tăng cường hoạt động của thị trường mở.
Cuối tuần qua, một số nguồn tin đã đề cập đến việc các ngân hàng thương mại đang tìm tiếng nói chung để thống nhất hạ lãi suất cho vay VND. Nhưng qua trao đổi với lãnh đạo một số ngân hàng lớn, điều này không dễ triển khai nhanh và không có chuyện cào bằng.
Trả lời VnEconomy, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết, hiện nay hoạt động cho vay tại Vietcombank đang được đẩy mạnh với lãi suất bình quân ở khoảng 14% - 14,5%/năm.
“Thực hiện chủ trương của Chính phủ, lãi suất cho vay bằng VND đối với khách hàng doanh nghiệp tại Vietcombank mức tối đa sẽ chỉ khoảng 14,5%/năm. Với những dự án hiệu quả, với những khách hàng, dự án thuộc diện ưu đãi, chúng tôi có thể áp lãi suất thấp hơn mức tối đa đó”, ông Thanh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), đưa ra quan điểm rằng khó có thể áp một mức tối đa chung cho các khoản vay, các đối tượng vay vốn.
Hiện Techcombank đang xem xét lại hệ thống khách hàng, cơ cấu các sản phẩm tín dụng để cân nhắc chính sách lãi suất. Sự cân nhắc này sẽ dựa trên cơ sở uy tín của khách hàng vay vốn, sự hiệu quả của các dự án vay vốn và theo các loại hình tín dụng cụ thể.
“Chúng tôi sẽ áp dụng lãi suất cho vay theo từng loại hình sau khi xem xét những nội dung đó. Sẽ có những khoản vay lãi suất thấp, nhưng cũng có những khoản cao theo mức độ rủi ro. Tôi cho rằng hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 15%/năm cũng là hợp lý, để bù đắp chi phí hoạt động, cân đối lãi suất huy động vốn của ngân hàng”, ông Vinh nói.
Ngoài ra, ông Vinh cũng cho rằng việc giảm mạnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn cũng khó triển khai ngay, bởi nguồn vốn tập trung cho vay loại này hiện đang hạn chế.
Còn theo nhận định của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), xu hướng giảm lãi suất sau khi thực hiện cơ chế thỏa thuận đang định hình.
Thực tế, thời gian qua lãi suất cho vay trung và dài hạn có từ 16% - 18%/năm. Theo ông Phước, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận những mức lãi suất cao này do yêu cầu phải triển khai các dự án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, doanh nghiệp bắt đầu “ngán ngại” những mức chi phí cao đó.
Ông Phước phân tích: “Lãi suất cho vay 17% - 18% về lâu dài thì rất khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Ngân hàng cũng cần doanh nghiệp. Hai bên cùng cộng sinh. Và khi lâu dài họ không chấp nhận lãi suất cao đó, họ có quyền không vay mà, thì nhu cầu vay vốn sẽ thấp và lãi suất sẽ dần giảm xuống”.
Nhưng sẽ xuống đến mức nào? Tổng giám đốc Eximbank cho rằng khó có thể xuống nhanh ngay, bởi thực tế chi phí huy động đầu vào của các ngân hàng vẫn còn khá cao. Mặt khác, một yếu tố quan trọng là cần căn cứ theo tình hình lạm phát trong thời gian tới. Và nếu lạm phát ổn định, khoảng 7% trong năm nay, thì lãi suất cho vay trong thời gian tới chỉ khoảng 14%/năm.
Bên cạnh lạm phát, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng phục thuộc vào diễn biến cung – cầu vốn của thị trường, theo ảnh hưởng của chính sách tiền tệ, cụ thể là cung vốn cho thị trường, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
“Điều quan trọng là Chính phủ đã có chủ trương, cơ chế lãi suất thỏa thuận đã được triển khai, và tới đây là cho cả các khoản vay ngắn hạn. Theo đó, trong một vài tháng tới, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể dao động từ 14% - 14,5%/năm, trung và dài hạn có thể từ 15% - 15,5%/năm nếu lạm phát thuận lợi. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào các khối ngân hàng, bởi có sự khác nhau giữa khối quốc doanh và cổ phần”, ông Phước dự tính.
Sự khác nhau đó có thể thấy ở điển hình áp lực lợi nhuận đối với các ngân hàng cổ phần. Một số ý kiến cho rằng, ngân hàng cổ phần sẵn sàng đồng thuận hạ lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vay vốn. Nhưng, ngược lại, họ cũng chịu ràng buộc lợi nhuận và lợi ích của cổ đông. Một tính toán tương đối cho thấy, chỉ khi đảm bảo tỷ lệ lãi biên từ 2,5% - 3% thì ngân hàng cổ phần mới đáp ứng được tỷ lệ cổ tức gần với lãi suất tiết kiệm hiện nay.
Tất nhiên, xu hướng đang thể hiện là nhiều ngân hàng đang tăng cường nguồn thu từ dịch vụ thay vì lệ thuộc từ tín dụng. Thực tế, kết quả kinh doanh quý 1/2010 một số ngân hàng vừa công bố cho thấy tỷ trọng thu từ tín dụng rất thấp, quanh 20%. Và năm nay, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chỉ dự kiến từ 20% - 25%, thay vì phổ biến trên 30%, thậm chí tới 50% như từng đặt ra trong năm 2009.
Đó là những thông tin cơ bản từ tổng giám đốc một số ngân hàng thương mại lớn khi trao đổi với VnEconomy về khả năng thực hiện định hướng giảm dần lãi suất cho vay VND mà Chính phủ đưa ra, cũng như Ngân hàng Nhà nước đang vận động.
Cụ thể, tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét để tạo điều kiện giảm dần mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Cơ quan này cũng vừa ban hành chỉ thị tới các ngân hàng thương mại, trong đó một nội dung chính đề cập đến yêu cầu thực hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ.
Định hướng trên được đưa ra sau khi dữ liệu báo cáo cho thấy tín dụng trong quý 1/2010 tăng trưởng chậm, đặc biệt là tín dụng bằng VND. Mặt khác, sau một tháng triển khai cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, lãi suất trên thị trường quá cao, có từ 16% - 18%, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp…
Để thực hiện định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu có động thái nới lỏng dần chính sách tiền tệ, qua hỗ trợ vốn cho hệ thống bằng việc tăng cường hoạt động của thị trường mở.
Cuối tuần qua, một số nguồn tin đã đề cập đến việc các ngân hàng thương mại đang tìm tiếng nói chung để thống nhất hạ lãi suất cho vay VND. Nhưng qua trao đổi với lãnh đạo một số ngân hàng lớn, điều này không dễ triển khai nhanh và không có chuyện cào bằng.
Trả lời VnEconomy, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết, hiện nay hoạt động cho vay tại Vietcombank đang được đẩy mạnh với lãi suất bình quân ở khoảng 14% - 14,5%/năm.
“Thực hiện chủ trương của Chính phủ, lãi suất cho vay bằng VND đối với khách hàng doanh nghiệp tại Vietcombank mức tối đa sẽ chỉ khoảng 14,5%/năm. Với những dự án hiệu quả, với những khách hàng, dự án thuộc diện ưu đãi, chúng tôi có thể áp lãi suất thấp hơn mức tối đa đó”, ông Thanh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), đưa ra quan điểm rằng khó có thể áp một mức tối đa chung cho các khoản vay, các đối tượng vay vốn.
Hiện Techcombank đang xem xét lại hệ thống khách hàng, cơ cấu các sản phẩm tín dụng để cân nhắc chính sách lãi suất. Sự cân nhắc này sẽ dựa trên cơ sở uy tín của khách hàng vay vốn, sự hiệu quả của các dự án vay vốn và theo các loại hình tín dụng cụ thể.
“Chúng tôi sẽ áp dụng lãi suất cho vay theo từng loại hình sau khi xem xét những nội dung đó. Sẽ có những khoản vay lãi suất thấp, nhưng cũng có những khoản cao theo mức độ rủi ro. Tôi cho rằng hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 15%/năm cũng là hợp lý, để bù đắp chi phí hoạt động, cân đối lãi suất huy động vốn của ngân hàng”, ông Vinh nói.
Ngoài ra, ông Vinh cũng cho rằng việc giảm mạnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung và dài hạn cũng khó triển khai ngay, bởi nguồn vốn tập trung cho vay loại này hiện đang hạn chế.
Còn theo nhận định của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), xu hướng giảm lãi suất sau khi thực hiện cơ chế thỏa thuận đang định hình.
Thực tế, thời gian qua lãi suất cho vay trung và dài hạn có từ 16% - 18%/năm. Theo ông Phước, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận những mức lãi suất cao này do yêu cầu phải triển khai các dự án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, doanh nghiệp bắt đầu “ngán ngại” những mức chi phí cao đó.
Ông Phước phân tích: “Lãi suất cho vay 17% - 18% về lâu dài thì rất khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Ngân hàng cũng cần doanh nghiệp. Hai bên cùng cộng sinh. Và khi lâu dài họ không chấp nhận lãi suất cao đó, họ có quyền không vay mà, thì nhu cầu vay vốn sẽ thấp và lãi suất sẽ dần giảm xuống”.
Nhưng sẽ xuống đến mức nào? Tổng giám đốc Eximbank cho rằng khó có thể xuống nhanh ngay, bởi thực tế chi phí huy động đầu vào của các ngân hàng vẫn còn khá cao. Mặt khác, một yếu tố quan trọng là cần căn cứ theo tình hình lạm phát trong thời gian tới. Và nếu lạm phát ổn định, khoảng 7% trong năm nay, thì lãi suất cho vay trong thời gian tới chỉ khoảng 14%/năm.
Bên cạnh lạm phát, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng phục thuộc vào diễn biến cung – cầu vốn của thị trường, theo ảnh hưởng của chính sách tiền tệ, cụ thể là cung vốn cho thị trường, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
“Điều quan trọng là Chính phủ đã có chủ trương, cơ chế lãi suất thỏa thuận đã được triển khai, và tới đây là cho cả các khoản vay ngắn hạn. Theo đó, trong một vài tháng tới, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể dao động từ 14% - 14,5%/năm, trung và dài hạn có thể từ 15% - 15,5%/năm nếu lạm phát thuận lợi. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào các khối ngân hàng, bởi có sự khác nhau giữa khối quốc doanh và cổ phần”, ông Phước dự tính.
Sự khác nhau đó có thể thấy ở điển hình áp lực lợi nhuận đối với các ngân hàng cổ phần. Một số ý kiến cho rằng, ngân hàng cổ phần sẵn sàng đồng thuận hạ lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vay vốn. Nhưng, ngược lại, họ cũng chịu ràng buộc lợi nhuận và lợi ích của cổ đông. Một tính toán tương đối cho thấy, chỉ khi đảm bảo tỷ lệ lãi biên từ 2,5% - 3% thì ngân hàng cổ phần mới đáp ứng được tỷ lệ cổ tức gần với lãi suất tiết kiệm hiện nay.
Tất nhiên, xu hướng đang thể hiện là nhiều ngân hàng đang tăng cường nguồn thu từ dịch vụ thay vì lệ thuộc từ tín dụng. Thực tế, kết quả kinh doanh quý 1/2010 một số ngân hàng vừa công bố cho thấy tỷ trọng thu từ tín dụng rất thấp, quanh 20%. Và năm nay, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng chỉ dự kiến từ 20% - 25%, thay vì phổ biến trên 30%, thậm chí tới 50% như từng đặt ra trong năm 2009.