18:11 26/07/2012

Ngân hàng nói “không vô cảm”, doanh nghiệp kêu vẫn thiếu vốn

Tùy Phong

Ngành ngân hàng nói hy sinh các chỉ số tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song doanh nghiệp vẫn kêu đói vốn

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại: "Cần có một chiến dịch giải cứu doanh nghiệp".
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại: "Cần có một chiến dịch giải cứu doanh nghiệp".
Ngành ngân hàng cho rằng đã hy sinh các chỉ số, hệ số tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm lượng hàng tồn kho và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương được Chính phủ giao soạn thảo “Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”.

Trước khi trình Chính phủ, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị góp ý kiến cho đề án này tại Tp.HCM vào ngày 25/7 và sáng 26/7 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị ở Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Viết Mạnh cho hay, từ khi có Nghị quyết 01, tiếp đó là Nghị quyết 13 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hành động cụ thể là Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh lãi suất huy động đầu vào liên tục - từ 14%/năm xuống 9%/năm, giữ ổn định tỷ giá VND/USD, vốn ưu tiên cho sản xuất và đối tượng được vay cũng được tháo gỡ. Hay mới nhất là kêu gọi các tổ chức tín dụng hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm.

Điểm nhấn được Vụ trưởng Vụ Tín dụng nhắc đến là buổi đối thoại giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp được tổ chức tại Hà Nội mới đây và một hội nghị tương tự sẽ được tổ chức vào thứ Bảy tuần này tại Tp.HCM.

“Điều đó thể hiện sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chứ không phải là đánh bóng tên tuổi. Thậm chí, ngân hàng đã phải “hy sinh” chất lượng về các chỉ số, hệ số đánh giá tín dụng sau bao nhiêu năm đi vào quản lý chất lượng”, ông Mạnh nói.

Do đó, ông Nguyễn Viết Mạnh cho rằng, ngành ngân hàng đã làm được nhiều việc phải ghi nhận với những tháo gỡ tích cực chứ không vô cảm như một số ý kiến.

Tuy nhiên, trong dự thảo Đề án của Bộ Công Thương nhận định, hiện lãi suất cho vay cao và khả năng doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Các doanh nghiệp đang thiếu vốn lưu động do hàng tồn kho nhiều, lãi suất tiền vay tương đối cao”, dự thảo của Bộ Công Thương có đoạn.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù lãi suất đã giảm, nhưng việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn, vì vậy không đáp ứng được điều kiện cho vay của ngân hàng hoặc không vay được lãi suất như ngân hàng công bố.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kể, vừa qua, Hội đồng Quản trị Petrolimex phê duyệt hạn mức vay cho 1 thành viên kinh doanh sản xuất nông nghiệp. “Số vốn đi vay không lớn, tuy nhiên khi đơn vị này đi làm việc với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, không chỉ đối với Tập đoàn, các đơn vị của TKV cũng đánh giá hiện nay việc đi vay vốn khó hơn và chi phí vay cũng cao hơn.

Về phía hiệp hội, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi thông tin rằng, một số đơn vị ngành điện như Công ty Cổ phần Cơ khí điện Đông Anh trúng thầu một dự án, với số vốn cần vay 300 tỷ đồng, nhưng không được ngân hàng chấp thuận. Hay, một công ty truyền tải cũng không vay được vốn để thực hiện đường dây Pleiku 220KV.

“Các tập đoàn trực thuộc Hiệp hội không còn vốn để đầu tư các dự án”, ông Ngãi thông tin lại.

Đề xuất về giải pháp, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie) cho rằng, nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp hiện nay là vốn. Vì vậy, ông Mại đề nghị Bộ Công Thương không cần đề nghị nhiều với Ngân hàng Nhà nước mà chỉ cần ngành ngân hàng tư duy theo cách nói của một giám đốc ngân hàng thương mại tại Tp.HCM mà ông dẫn lời: “Cứu doanh nghiệp là cứu ngân hàng”.

Ngoài ra, đại diện Vafie cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần bàn với Ngân hàng Nhà nước để đưa ra giải pháp thành một chiến dịch giải cứu doanh nghiệp để họ tiếp cập được vốn.

“Nếu được như vậy thì tháng Tám, tháng Chín tới vốn sẽ đến với doanh nghiệp và quý 4/2012 doanh nghiệp thực hiện sản xuất được”, ông Mại nói.