15:26 27/06/2012

Ngân hàng “săn” mối tín dụng

Minh Đức

Vốn dư hàng nghìn tỷ đồng, đích thân tổng giám đốc đi tiếp thị, nhưng không hẳn doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng vay

Đóng bao gạo xuất khẩu tại Gentraco - doanh nghiệp đang có mối quan hệ tín dụng tốt với một số ngân hàng thương mại.
Đóng bao gạo xuất khẩu tại Gentraco - doanh nghiệp đang có mối quan hệ tín dụng tốt với một số ngân hàng thương mại.
Vốn dư hàng nghìn tỷ đồng, đích thân tổng giám đốc đi tiếp thị, nhưng không hẳn doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng vay, hoặc chỉ đón vốn cầm chừng.

Đương nhiên ngân hàng chỉ muốn cho vay doanh nghiệp tốt. Săn đón được họ luôn là áp lực đối với nhân viên tín dụng, điều mà phóng viên nhận thấy khi theo chân nhóm công tác Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ tuần rồi.

Lãi suất 11%/năm, vay không?

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết, suốt thời gian này, ông cùng cán bộ đến tìm hiểu từng doanh nghiệp tiềm năng. Ngoài kết nối các sản phẩm, tư vấn dịch vụ, trực tiếp thẩm định và thúc đẩy tín dụng là yêu cầu đặt ra.

“Hiện vốn khả dụng của chúng tôi đang dư thừa vài nghìn tỷ, nhưng không dễ cho vay mạnh ra. Doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện đã đành, ngay cả những doanh nghiệp tốt cũng hạn chế vay, kể cả lãi suất thấp. Nhiều khả năng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% năm nay khó hoàn thành”, ông Lê cho biết.

Như tại Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, mức lãi suất chào vay đưa ra 11%/năm, thuộc vùng thấp nhất của lãi suất cho vay mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa gật đầu.

Tổng giám đốc SHB nói rằng, với những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, minh bạch, ngân hàng sẵn sàng tiếp vốn với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh tín dụng, hai bên còn thiết lập được các mối quan hệ hợp tác lâu dài, kết nối các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác.

Còn với doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện, hoặc xét thấy có độ rủi ro cao hơn, lãi suất buộc phải áp cao hơn, hoặc không thể cho vay.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, tìm được doanh nghiệp tốt, có nhu cầu vay vốn và lôi kéo về phía mình lúc này không dễ. Bản thân các ngân hàng cũng cạnh tranh gay gắt. Về phía doanh nghiệp, rào cản lớn là sự thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính.

“Hiện ngoài các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, rất nhiều trường hợp không có báo cáo kiểm toán hoặc tình hình tài chính không minh bạch nên ngân hàng khó thẩm định và cho vay. Nợ xấu đã và đang tăng cao, ngân hàng càng thận trọng. Trường hợp có những dự án, kế hoạch vay vốn chúng tôi thẩm định và góp ý, tư vấn về tính khả thi, họ “tự ái” hoặc không chấp thuận rồi chuyển sang vay ngân hàng khác, hoặc không vay nữa. Hay những trường hợp, nhìn qua những con số hàng nghìn tỷ đồng doanh thu khá hấp dẫn, nhưng khi phân tích lại là sự xoay vòng tạo giá trị “ảo” giữa các đơn vị thành viên… Gạn đục khơi trong, muốn tìm doanh nghiệp tốt để cho vay ra thực khó”, ông Lê trao đổi.

Đề cập đến các điều kiện cho vay, như nhiều ý kiến của người trong giới, Tổng giám đốc SHB cho rằng, trong bối cảnh nợ xấu đang tăng cao, các điều kiện cần phải giữ vững và không được nới lỏng. Ông cho rằng đề nghị nới điều kiện cho vay mà một cơ quan tại Tp.HCM đưa ra mới đây nếu thực hiện sẽ dễ tạo thêm những rủi ro trong tương lai.

“Chúng tôi sẽ không hạ điều kiện cho vay. Chỉ có điều, bên cạnh việc tìm kiếm các khách hàng tốt, đáp ứng được các yêu cầu, nếu có những doanh nghiệp khó khăn vốn tạm thời, có phương án khả thi thì sẵn sàng cho vay, cơ cấu lại nợ với điều kiện ngân hàng được theo dõi dòng tiền, trực tiếp triển khai dịch vụ quản lý dòng tiền”, ông Lê cho biết thêm.

“Hoa thơm mỗi người hưởng một ít”

Khó săn khách hàng tốt, thực tế một doanh nghiệp làm ăn hiệu quả lúc này có đến dăm bảy ngân hàng tiếp cận, cùng chia sẻ là bình thường.

Tại Công ty Cổ phần May Meko, Giám đốc Trần Chí Gia cho hay, do chỉ sản xuất gia công các mặt hàng “độc”, không đụng hàng với nhiều doanh nghiệp khác, nên Công ty gần như không chịu ảnh hưởng của bối cảnh khó khăn chung trong và ngoài nước. Sau khi đưa vào xưởng sản xuất thứ ba hồi năm ngoái, đơn hàng sẵn có từ đầu năm, nay Meko chỉ việc “làm tới”. Nguồn hàng xuất ổn định, dòng tiền quay vòng đều nên nhu cầu vay vốn cũng hạn chế.

“Sau bảy năm hoạt động, các ngân hàng đã tiếp sức ở những thời điểm quan trọng. Họ cũng xem dò xem cẳng cả rồi. Nay chúng tôi đã ổn định và làm tới thôi. Nhưng dù có khó khăn, quan điểm của tôi là không bao giờ để nợ quá hạn”, ông Trần Chí Gia nói.

Trên bảng truyền thông nội bộ của Meko, một khẩu hiệu cũng được gạch sẵn: “Phải có uy tín với ngân hàng”. Và thực tế, tại đây đang có ba ngân hàng cùng tiếp sức, nhiều ngân hàng đang tiếp thị dịch vụ. Ông Gia nói rằng, công ty “ưa” dịch vụ của các ngân hàng cổ phần, nhanh gọn và nhiệt tình hơn ngân hàng quốc doanh…

Với sản xuất ổn định, dòng tiền quay vòng tốt, nhu cầu vay khá thấp. Hiện Meko chỉ vay ngắn hạn tại SHB cỡ 8 - 10 tỷ đồng/tháng, chủ yếu để giữ đúng nhịp lương cho cán bộ nhân viên. Lãi suất vay cũng khá mềm, chỉ 12%/năm.

Doanh nghiệp tốt, nhiều ngân hàng tìm đến. Họ có lợi thế đàm phán và lựa chọn. Như tại Công ty Cổ phần Gentraco, quan hệ tín dụng và dịch vụ cùng lúc 5 - 7 ngân hàng là bình thường.

Phó giám đốc Trần Thanh Vân giới thiệu, Gentraco hiện là một trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu, là đầu mối xuất khẩu gạo mạnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhu cầu vốn thu mua nông sản lớn, mỗi năm xuất khoảng 250 - 300 ngàn tấn các loại, riêng dư nợ tại SHB cũng đã khoảng 600 tỷ đồng.

Hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu tương đối thuận lợi nên việc vay vốn không khó. Tuy nhiên, ông Vân cho biết, cuối năm 2011 đầu 2012, mặc dù nhiều ngân hàng cạnh tranh tiếp vốn nhưng lãi suất vẫn quá cao, đến cuối tháng 4 vừa qua vẫn có những mức 18% - 19%/năm. Gentra buộc phải lách qua tín dụng ngoại tệ với lãi suất từ 6% - 7%/năm.

“Thời điểm lãi suất vay VND lên tới 18% - 19%/năm, mình chuyển qua ngoại tệ để có lãi suất tốt hơn. Nếu tỷ giá tiếp tục ổn định như vừa qua, việc vay ngoại tệ giúp chúng tôi giảm được khoảng 40% chi phí vay. Còn lúc này, phải biết sử dụng đồng vốn, thì lãi vay VND ở khoảng 12%/năm là hợp lý”, ông Vân tính toán.

Tại SHB, cán bộ tín dụng nói vui những doanh nghiệp như Gentraco, Dược Hậu Giang… được xếp hạng “kim cương”, khách hàng lớn và quan hệ tín dụng tốt. Săn được những viên kim cương đó đang là áp lực tại mỗi chi nhánh, cũng như áp lực hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay đang đặt ra.

Như nhận định của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê, chỉ tiêu tín dụng năm này khó hoàn thành, lợi nhuận ngân hàng ít nhiều ảnh hưởng. “Tuy nhiên, năm nay hầu hết các ngân hàng đều đặt chỉ tiêu lợi nhuận thận trọng. Tín dụng là một kênh, nhưng còn các kênh dịch vụ, sản phẩm khác. Đặc biệt năm nay kênh trái phiếu đang cho sự bù đắp tốt, khi đầu tư năm ngoái và đầu năm nay được lãi suất khá cao với 12% - 13%/năm…”, ông Lê nói.