09:49 08/07/2009

Ngân hàng Việt "xuất ngoại"

Ngô Hải

Sacombank mới đây đã hoàn tất kế hoạch có mặt chính thức tại các nước Đông Dương

Lễ khai trương Chi nhánh Phnôm Pênh, Campuchia của Sacombank.
Lễ khai trương Chi nhánh Phnôm Pênh, Campuchia của Sacombank.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã hoàn tất kế hoạch có mặt chính thức tại các nước Đông Dương.

Tại Campuchia và Lào, Sacombank nhắm tới đối tượng khách hàng tiềm năng là các doanh nghiệp Việt kiều, nhân viên Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức và những doanh nghiệp vừa và nhỏ,... và các tầng lớp dân cư của hai nước.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank cho biết, theo kế hoạch Sacombank sẽ triển khai nhiều chi nhánh và phòng giao dịch tại nhiều khu vực trọng điểm của hai nước trên.

“Về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng Sacombank - Chi nhánh Phnôm Pênh sẽ sớm trở thành một ngân hàng thương mại thuộc hệ thống Ngân hàng quốc gia Campuchia với 100% vốn của Sacombank”, ông Thành chia sẻ.

Trong khi đó, dù chưa thành lập chi nhánh tại nước ngoài nhưng ngay đầu tháng 4/2009, Ngân hàng Techcombank cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác thanh toán biên mậu với Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC).

Với thỏa thuận này, các giao dịch thanh toán biên mậu giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ được thực hiện nhanh chóng với chi phí hợp lý và tính minh bạch cao.

Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào 5 tỉnh Bắc Lào hồi cuối năm 2008. Đây được coi là bước đi “khôn ngoan” của BIDV tại thị trường đầy tiềm năng này.

Tại hội nghị, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho biết, BIDV sẽ làm đầu mối thanh toán đồng tiền giữa hai nước, hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại của doanh nghiệp Việt Nam khu vực Bắc Lào.

Không mạnh mẽ và ồn ào như các ngân hàng trên nhưng nhiều ngân hàng ngân hàng trong nước cũng đã và đang tính tới việc mở rộng hoạt động của mình tại thị trường quốc tế thông qua thành lập văn phòng đại diện, liên kết với các ngân hàng ngoại, như Vietcombank, Vietinbank, ACB, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga...

Bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, dù đã có văn phòng đại diện tại thị trường Mỹ nhưng để hiện thực hóa chiến lược của Vietcombank tại thị trường này, thời gian tới Vietcombank sẽ thành lập một công ty chuyển tiền tại Mỹ, giúp luân chuyển dòng kiều hối từ Mỹ về Việt Nam một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, bà Hà cũng cho rằng các ngân hàng nên thận trọng với kế hoạch mở rộng của mình tại thị trường quốc tế. Cần lựa chọn, tìm hiểu kỹ thị trường nào sẽ phù hợp với chiến lược và nguồn lực của các ngân hàng.

“Nếu có thành lập chi nhánh tại nước ngoài các ngân hàng Việt nên nhắm đến các thị trường chưa hoàn hảo như Lào, Campuchia... Những thị trường này sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam dễ dàng triển khai các sản phẩm dịch vụ và chiếm lĩnh thị trường hơn”, bà Hà gợi mở.

Dẫu vậy, tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, dù hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh trong những năm qua nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu về: kinh nghiệm, quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ, nhân sự...

“Nếu chưa giải quyết được những yếu điểm trên, khi triển khai hoạt động chính thức tại các thị trường khác ngân hàng Việt Nam sẽ gặp rủi ro lớn”, vị tổng giám đốc này lo ngại.