11:53 01/02/2010

Ngành ong khai mở thị trường mới

Chu Khôi

Trong năm 2010, ngành ong sẽ khai mở thị trường EU cho sản phẩm ong mật Việt Nam

Công ty cổ phần ong mật Đăk Lăk đã có nhiều chính sách hợp lý hỗ trợ cho người nuôi ong về vốn đầu tư, hỗ trợ về giá và có chính sách thanh toán phù hợp cho người nuôi ong.
Công ty cổ phần ong mật Đăk Lăk đã có nhiều chính sách hợp lý hỗ trợ cho người nuôi ong về vốn đầu tư, hỗ trợ về giá và có chính sách thanh toán phù hợp cho người nuôi ong.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm 2009 cả nước sản xuất được khoảng 18,6 nghìn tấn mật ong, xuất khẩu được hơn 14 nghìn tấn, thu về khoảng 23 triệu USD.

So với năm trước, xuất khẩu mật ong giảm tới gần 30%, một phần vì giá đường tăng cao khiến sản lượng thu hoạch mật giảm, đồng thời nhiều lô hàng bị trả về do không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay nước ta xuất khẩu 80-85% tổng sản lượng mật ong, và 80% trong số  này là vào thị trường Mỹ. Những năm gần đây, ảnh hưởng của bệnh suy giảm thế đàn đã làm cho tổng đàn ong mật của một số nước châu Âu và Nam Mỹ giảm mạnh, dẫn đến sản lượng mật ong toàn cầu giảm.

Năm 2008 là năm thành công nhất của nước ta từ trước đến nay trong việc xuất khẩu mật ong vào thị trường Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2008, nước này nhập khẩu 19.387 tấn mật ong của Việt Nam, tăng 23% so với năm 2007. Thị phần mật ong Việt Nam tiêu thụ tại Mỹ chiếm khoảng 17% nhập khẩu mật ong của Mỹ, trở thành nước xuất khẩu mật ong lớn nhất vào Mỹ.

Theo ông Nicholas Sargeantson, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sunland Trading, Inc., công ty chuyên nhập khẩu, đóng gói mật ong của Mỹ, so với mật ong của các nước khác ở châu Á, mật ong của Việt Nam được thị trường Mỹ rất ưa chuộng do có màu sắc và mùi vị gần giống với loại mật Yucatan của Mêhicô đang được tiêu thụ mạnh ở châu Âu.

Công ty cổ phần ong mật Đăk Lăk hiện đang là đơn vị chủ lực về chăn nuôi và xuất khẩu ong của Việt Nam. Trong năm 2009, Công ty đã khai thác được 6.350 tấn mật ong, với tổng kim ngạch xuất khẩu 10 triệu USD, chiếm gần 45% tổng lượng mật ong xuất khẩu của cả nước. Sản phẩm mật ong của Đăk Lăk đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Tuy nhiên, trong thời gian qua, do giá đường tăng mạnh nên ngành nuôi ong của Đăk Lăk đã gặp không ít khó khăn.

Để giảm bớt khó khăn cho người nuôi ong, Công ty cổ phần ong mật Đăk Lăk đã có nhiều chính sách hợp lý hỗ trợ cho người nuôi ong về vốn đầu tư, hỗ trợ về giá và có chính sách thanh toán phù hợp cho người nuôi ong. Nhờ đó người nuôi ong luôn gắn bó với công ty và cùng công ty vượt qua những thời điểm khó khăn. Nhiều người nuôi ong ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đã tự nguyện gắn bó với công ty, bán sản phẩm mật ong cho công ty... Công ty cổ phần ong mật Đăk Lăk hiện có tới khoảng 1.550 hộ nuôi ong trên cả nước đặt quan hệ làm ăn.

Để có được sản lượng mật ong trên trong khi thời tiết ở Đăk Lăk bị  ảnh hưởng của mưa bão không thuận lợi để khai thác mật thì công ty đã triển khai di chuyển các đàn ong đến nhiều địa phương khác có thời tiết thuận lợi để khai thác. Năm vừa qua, Công ty đã di chuyển hơn 40.000 đàn ong đến các tỉnh Gia Lai và Bình Phước khai thác mật hoa cây cao su; hơn 40.000 đàn ong khác đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ để khai thác mùa mật hoa nhãn, hoa tràm và 20.000 đàn ong ra huyện Lục Ngạn, Bắc Giang để khai thác mật hoa vải thiều. Đến nay, các đàn ong tại miền Tây Nam Bộ đã khai thác được 2.000 tấn mật, còn tại tỉnh Bắc Giang cũng đã khai thác được 300 tấn mật hoa vải thiều...

Tuy nhiên tính trong phạm vi cả nước, năm 2009, sản lượng mật ong xuất khẩu của nước ta vào thị trường Mỹ nói riêng, thế giới nói chung đã sụt giảm, chỉ còn 14 nghìn tấn. Lý giải nguyên nhân sụt giảm, ông Đinh Quyết Tâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ong Trung ương cho biết, do giá đường tăng cao, thời tiết mưa nhiều ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, còn là vì khâu vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo.

Năm vừa qua, có đến gần 10 lô hàng xuất khẩu đi nước ngoài bị trả về do nhiễm Chloramphenicol, Tetracycline, Streptomycine, Norfloxacin. Những người nuôi ong giải thích, trong quá trình nuôi ong, thời tiết thay đổi khiến ong thường mắc phải bệnh tiêu chảy. Để cứu đàn ong, người nuôi thường phải sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho chúng. Tuy nhiên, sau khi ong hết bệnh thì kháng sinh vẫn còn lưu lại trong mật ong. Với những lô hàng xuất khẩu, nếu mật nhiễm kháng sinh thì sẽ bị trả lại, doanh nghiệp chỉ còn cách bán rẻ mật cho các cơ sở trong nước hoặc đổ bỏ.

Mỹ và EU ngày càng kiểm tra gắt gao chất lượng mật ong với những hàng rào kỹ  thuật chặt chẽ các chỉ tiêu chất lượng, không có tồn dư hóa chất kháng sinh cấm. Sản phẩm mật ong dù đã qua kiểm tra tại Việt Nam vẫn phải gửi mẫu cho khách hàng thẩm định lại (nếu không đạt yêu cầu thì người xuất khẩu phải chịu mọi chi phí).

Để tháo gỡ vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mật ong, năm 2010, cơ quan thú y vùng 6 Tp.HCM sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu ong trung ương để thực hiện các đề án truy xuất nguồn gốc ong nuôi và kiểm soát chặt chẽ tồn dư hóa chất kháng sinh trong phòng trị bệnh cho ong.

Nhằm làm giảm sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ, ngành ong đang đặt ra kế hoạch trong năm 2010 sẽ khai mở thị trường EU cho sản phẩm ong mật Việt Nam, đồng thời từng bước chinh phục thị trường Nhật Bản. Sau khi đạt được Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA), cuối năm 2009, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư quy định xác nhận hạn ngạch thuế quan đối với mật ong tự nhiên nhập khẩu vào Nhật và điều chỉnh việc xác nhận Giấy chứng nhận hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng mật ong tự nhiên xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo đó, trong vòng 10 năm tới, hạn ngạch xuất khẩu mật ong vào Nhật Bản sẽ tăng thêm mỗi năm là 5 tấn. Thông tư cũng quy định, cơ quan xác nhận Giấy chứng nhận hạn ngạch thuế quan theo yêu cầu của người xuất khẩu là Vụ Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương.