09:29 11/10/2010

Nghe địa phương nói chuyện đầu tư

Anh Quân

Mỗi lần về họp ở trung ương, lãnh đạo các sở kế hoạch và đầu tư lại được dịp “than thở” với lãnh đạo bộ chủ quản của mình

Việc thực hiện phân cấp đầu tư theo các nghị định về đấu thầu và xây dựng hiện nay có nhiều bất cập.
Việc thực hiện phân cấp đầu tư theo các nghị định về đấu thầu và xây dựng hiện nay có nhiều bất cập.
Mỗi lần về họp ở trung ương, lãnh đạo các sở kế hoạch và đầu tư lại được dịp “than thở” với lãnh đạo bộ chủ quản của mình. Vấn đề thu hút đầu tư khó khăn, thất thoát trong đầu tư là những bức xúc thường trực, nhưng nguyện vọng được hỗ trợ thêm vốn cũng nhân lúc này được bày tỏ lên trên.

Có nhiều tiếng nói khá thẳng thắn được bày tỏ, chỉ vì mong muốn cho viễn cảnh tốt đẹp chung. Và ở cuộc họp tháng 9 vừa qua, những vấn đề này lại được các địa phương giãi bày với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Hà Nội vướng chuyện nắn dòng vốn

Từ tháng 9 nhìn lại đến đầu năm, Hà Nội vẫn là “cái rốn” hút vốn đầu tư nói chung. Trong năm nay đánh dấu Thủ đô nghìn năm tuổi, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Hà Nội tăng đột biến.

Nếu như các năm 2007-2009, một năm bình quân có ngót nghét 10.000 doanh nghiệp ra đăng ký thì mới 9 tháng đầu năm nay, con số đã đạt hơn 13.000 doanh nghiệp. Con số vốn đăng ký cũng đạt mức kỷ lục trên 485 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng gấp khoảng 5 lần.

Tất nhiên, đây chỉ là con số trên giấy, thực tế độ ảo đến đâu và vốn đưa vào thế nào còn cần lý giải thêm của cơ quan chức năng. Điểm này không phải Hà Nội không biết. “Những con số này thì cũng chỉ là niềm vui nửa chừng như thế thôi”, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thẳng thắn nhìn nhận.

Nhìn ở góc độ kém tích cực hơn, thu hút đầu tư nước ngoài ở Thủ đô vẫn chưa “thoát đáy” suy giảm. Dù 9 tháng qua, vẫn có 229 dự án đăng ký nhưng số vốn chỉ đạt 329,2 triệu USD, tức là số vốn bình quân chưa đầy 1,5 triệu USD/dự án. “Đây là con số thấp so với chính Hà Nội thời kỳ chưa mở rộng”, ông Tứ so sánh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng lo lắng với số vốn FDI bất bình thường của Hà Nội. “Tôi thấy Thủ đô mà thu hút FDI chỉ có 330 triệu USD thì quá thấp so với tương quan cả nước. Từ đó cũng thấy không thể nào là 1 trong 2 đầu tầu phát triển của đất nước được”, ông nói.

Giải thích cho con số có phần khác biệt so với các địa phương khác, ông Tứ cho rằng, vấn đề là Hà Nội chưa có quy hoạch chung xây dựng và kể cả chưa có những quy hoạch lớn như chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội...

Sau hơn hai năm Hà Tây và một phần Hòa Bình về với Hà Nội, nếu kể cả thời gian trình phương án và phê duyệt thì còn dài hơn thế nhiều, nhưng Thủ đô vẫn thiếu bản quy hoạch phát triển chung, ảnh hưởng đến quá trình phát triển là một thiếu sót đáng kể.

“Đó là những ngáng trở chính, chứ còn rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn quan tâm muốn đầu tư. Không có quy hoạch thì không ai dám nhận”, ông Tứ giải thích.

Nhưng cũng còn những lo lắng khác, liên quan đến dòng vốn đầu tư vào Hà Nội. Theo ông Tứ, nếu phân tích thật kỹ toàn bộ vốn đầu tư xã hội thì thấy có vấn đề là phần vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản quá lớn, trong khi số vốn cần thiết đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực văn hóa… theo hướng xã hội hóa còn thấp.

“Thế thì, chúng ta vẫn thấy đầu năm học 2010, có tình trạng nhiều khu đô thị hiện đại nhưng thiếu cơ sở hạ tầng tối thiểu như trường học mầm non… Cảnh 2-3 giờ sáng xếp hàng xin học cho con vẫn còn”. Ông Tứ hạ giọng: “Nhìn lại thì đó là vấn đề, chứ không phải tất cả đều mầu sáng cả”.

Lại chuyện lợi ích nhóm

Ở về phía Đông của Hà Nội, thành phố Hải Phòng cũng có “nỗi niềm riêng” về đầu tư. “Nhiệt kế” của hoạt động xuất nhập khẩu, như Thứ trưởng Đông nói, cho thấy trong 9 tháng đầu năm, lượng hàng thông qua cảng của Hải Phòng đạt 26 triệu tấn, thu hải quan đạt khoảng 24 nghìn tỷ đồng, một kết quả vượt trội so với năm ngoái.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng Lê Thanh Sơn phấn khởi cho hay, cả năm 2010 ước đạt khoảng 36-37 triệu tấn hàng thông qua cảng và đi theo là thu hải quan dự kiến cả năm đạt 32-33 nghìn tỷ đồng.

Nhưng đi theo là hậu cần cảng. Theo quy hoạch, lượng hàng qua cảng vào năm 2010 mới là 10 triệu tấn mà năm ngoái, các cảng tại Hải Phòng đã thông qua 33 triệu tấn và năm nay ước còn tăng hơn. “Như thế là quá cao”, ông Sơn chốt lại sau khi đặt mức so sánh cho hai con số quá chênh lệch.

“Báo cáo là hậu cần sau cảng cực kỳ bức xúc. Hiện Hải Phòng mỗi ngày lượng xe thông qua cảng là 12 nghìn lượt xe container, thế thì nó phá nát toàn bộ đường. Chỗ này, Hải Phòng vẫn kiên trì đề nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ liên quan là chúng tôi xin bổ sung số tăng thu hàng năm để sửa chữa đường thông qua cảng”, ông Sơn gửi gắm đến lãnh đạo Bộ.

Cũng theo ông Sơn, vào năm ngoái, Chính phủ cũng đã bổ sung cho Hải Phòng 300 tỷ đồng, nhưng địa phương này đã đưa hết vào một nửa con đường đến cảng Đình Vũ. Với phần đường còn lại cần đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, Hải Phòng tiếp tục đề nghị Chính phủ cho đầu tư thêm để sửa nốt con đường này.

Việc cơ sở hạ tầng kìm hãm phát triển vốn là chuyện lâu nay nói nhiều, nhưng có phải các địa phương đã hết giải pháp tối ưu?

Thứ trưởng Đông chia sẻ, cách đây ít tuần có nhận được một thông tin khác, từ một kênh khác, cho biết có một dự án đường sắt được trình lên lãnh đạo Hải Phòng để không sử dụng ôtô chở container nữa, để đỡ phá đường, nhưng vì Hải Phòng có một hiệp hội các doanh nghiệp vận tải tác động nên dự bán bị hủy.

“Thế thì ở đây có mâu thuẫn về lợi ích, mà ai cũng thấy vận tải đường sắt thì hết sức lợi về giá cước và hiệu quả vận tải, thế nhưng mà dự án đó chính từ Hải Phòng đề xuất lên là hủy đi”, Thứ trưởng Đông nói.

Ông phân tích thêm: “Như vậy là dù anh có làm đường thêm, sửa bao nhiêu đi nữa thì lượng xe container tăng lên với 37 triệu tấn hàng hóa thì không thể nào chịu nổi. Mà 3-4 trăm tỷ chỉ để sửa đường thôi, trong khi ấy dự án đường sắt của người ta đâu cũng chỉ khoảng nghìn tỷ, vài nghìn tỷ để nối thêm khoảng 10 km ra Đình Vũ, thế mà lại không nhận được sự đồng tình của chính chúng ta”.

Không đồng tình chỉ định thầu tràn lan

Nhưng có thể nói việc lãnh đạo ngành đầu tư địa phương nói về chuyện lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh mình đúng là “của hiếm”, trong bối cảnh “xin nữa, thêm nữa” luôn là những kiến nghị chiếm đa số trong các cuộc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với địa phương.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban nói trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang Trịnh Hữu Thắng cho biết, việc thực hiện phân cấp đầu tư theo các nghị định về đấu thầu và xây dựng hiện nay có nhiều bất cập.

Cụ thể là theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì việc phân cấp cho chủ đầu tư rất lớn. Chủ đầu tư được phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công, tổng dự toán và được điều chỉnh trong nội bộ dự án nếu không điều chỉnh tổng dự toán.

“Tuy nhiên, qua theo dõi tại các địa phương thì phân cấp như trên đã dẫn tới buông lỏng quản lý, một số chủ đầu tư cấp xã, cấp huyện đã không đủ cán bộ để nắm được tiêu chuẩn, định mức, đơn giá nên gần như khoán cho nhà thầu, các anh ấy bảo ký gì thì ký ấy”, ông Thắng cho hay.

Việc vốn của nhà nước trao cho chủ đầu tư cùng với quyền quyết định rất lớn, trong khi chủ đầu tư không có đủ năng lực và không phải tiền của họ, theo ông Thắng, làm nảy sinh tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu đứng cùng một phía. “Cho nên việc quản lý vốn đầu tư rất lãng phí”, ông nói.

“Trước đây, đấu thầu thì giảm bình quân 5-6% trong giá đấu thầu bình quân của tỉnh, nhưng từ khi bắt đầu có thực hiện Nghị định 85 (Nghị định 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng - PV) chỉ định thầu thì chỉ giảm dưới 1%. Hầu như có những huyện chúng tôi đi kiểm tra là 100% chỉ định thầu, không có giảm giá”, ông Thắng bức xúc.

Về chuyện này, Thứ trưởng Đông (nguyên là Vụ trưởng Vụ Đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhớ lại, trước đây trong quá trình làm Nghị định 85 ông từng bị áp lực rất lớn. “Chính tất cả các địa phương viết lên, đề nghị nới ra cho chúng tôi 5 tỷ đồng, mà trước đây chỉ có 1-2 tỷ đồng thôi. Mà chúng tôi biết trước là năng lực không có”, ông nhắc lại chuyện cũ.

“Nhưng chỉ định thầu không thôi mà làm đúng theo chuẩn mức thì cũng chưa đến nỗi tệ hại, nhưng cái nguy hiểm hơn là nó được cộng hưởng với Nghị định 12 cho phép rất thông thoáng về quản lý, tự điều chỉnh suất đầu tư, thay đổi đơn giá… thì đó là lỗ hổng cực kỳ lớn, chúng tôi thấy được”, ông nhấn mạnh điểm này.

Và Thứ trưởng Đông giãi bày: “Chúng tôi hình dung thấy ở tất cả các cấp huyện, cấp xã, có tới 5-6 trăm đơn vị cấp huyện, hàng vạn đơn vị cấp xã, tiền ở địa phương đối với dân rất là quan trọng, 1 tỷ đồng với 1 xã nghèo là quá lớn, thế mà 5 tỷ đồng rơi vào tay một ông quan chức dưới đó, mà ông ấy quyết thì với dân ở đó, với xã hội là không ổn”.

Chia sẻ cái khó của bản thân, cũng như lý giải vì sao biết không ổn mà vẫn trình lên, ông Đông nói: “Là đơn vị soạn thảo, chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía”.