09:48 03/09/2008

Nghịch lý chuyện dự báo

Điểm nghịch lý là nhiều người biết rằng các kết quả dự báo thường không chuẩn xác nhưng vẫn đòi có dự báo

Để đảm bảo thành công trong kinh doanh, cần kết hợp giữa dự báo và phòng ngừa rủi ro.
Để đảm bảo thành công trong kinh doanh, cần kết hợp giữa dự báo và phòng ngừa rủi ro.
Bài viết của tác giả Hồ Quốc Tuấn - Thạc sĩ Tài chính Đại học Melbourne.

Kinh tế và thị trường tài chính thường khó dự đoán vì con đường phát triển của nó quá phức tạp và do con người chi phối. Vì vậy, dự báo chính xác là rất khó.


Nhà dự báo thường sai...

Dường như có quá nhiều nghiên cứu, từ công trình của giới học thuật đến bài viết trên báo chí các nước, thậm chí là trong lời bàn luận hàng ngày, về sự thiếu chính xác của các dự báo kinh tế, chứng khoán. Và có hai điều thường được nhắc tới là những nhà kinh tế và nhà phân tích thường quá lạc quan và quá tự tin. Một số thông tin gần đây trong những nghiên cứu về dự báo của các chuyên gia trên thế giới cho thấy điều đó.

Ví dụ, như trong tác phẩm “Behavioural Investing” của James Montier xuất bản năm 2007, ông ta đưa ra một loạt các dẫn chứng thực nghiệm cho thấy các nhà phân tích và nhà kinh tế thường đưa ra những dự báo lầm lạc, và... không khá hơn người không hiểu về chuyên môn là mấy, nhưng lại tự tin hơn những người bình thường không phải là chuyên gia rất nhiều! Ý tưởng này của Montier góp phần củng cố kết quả nghiên cứu của Torngren và Montgomery năm 2004 về việc lựa chọn chứng khoán.

Trong công trình của mình, hai nhà nghiên cứu này đã khảo sát hai nhóm người, một nhóm là các sinh viên ngành tâm lý không chuyên về chứng khoán, và một nhóm là các chuyên gia (gồm giám đốc quản lý quỹ, nhà phân tích và nhà môi giới). Hai nhóm này sẽ lựa chọn trong nhóm các cổ phiếu blue-chip những tên tuổi mà họ cho là sẽ có tỷ suất sinh lợi cao hơn mức bình quân của thị trường và cho biết mức độ tin tưởng vào dự báo của mình.

Kết quả là cả hai nhóm này đều đưa ra những lựa chọn với độ chính xác thấp hơn 50%, tức là họ dự báo sai hơn 50% về những cổ phiếu sẽ “đánh bại thị trường”. Tuy nhiên, quan trọng hơn là có đến hơn 65% các nhà chuyên môn tin vào kết quả dự báo của mình, còn tỷ lệ này ở các sinh viên chỉ hơn 50%. Vậy ra, các nhà chuyên môn không hẳn giỏi hơn, nhưng lại quá tự tin!

Tác giả quyển sách “Undercover Economist”, ông  Tim Harford, gần đây đã tìm kiếm một số số liệu về những nhà dự báo kinh tế Anh và Mỹ trong thời gian 2002-2008. Và điều ông ta tìm được là những nhà dự báo kinh tế đã quá lạc quan hoặc quá bi quan về tình hình kinh tế, chứ gần như chưa bao giờ nói trúng. Chỉ riêng năm 2003 là năm mà có nhiều nhà dự báo nói gần đúng nhất, nhưng năm đó lại là năm có sự khác biệt rất lớn giữa những kết quả dự đoán.

Hóa ra khi có nhiều ý kiến bất đồng nhất lại là lúc có thể có nhiều người dự đoán gần đúng nhất, còn khi mà ai cũng đưa ra dự báo gần giống nhau, thì những dự báo đó hóa ra lại sai!

...nhưng người ta vẫn cần có dự báo

Điểm nghịch lý là nhiều người biết rằng các kết quả dự báo thường không chuẩn xác nhưng vẫn đòi có dự báo. Vì vậy mà các công ty chứng khoán trong nước, ngoài nước vẫn tuyển chuyên gia vào làm dự báo. Và nhiều nhà đầu tư hàng ngày đều theo dõi các số liệu dự báo, các đề xuất mua bán và mục tiêu giá. Vì sao như vậy?

Đó là vì người ta muốn có một cái gì đó làm cơ sở cho các quyết định của mình, dù có thể điều đó chẳng liên quan bao nhiêu đến sự việc cần quyết định (các nhà nghiên cứu tài chính hành vi gọi là “anchoring”). Có lẽ vì thế, nên phân tích kỹ thuật được nhiều người ưa chuộng vì nó đưa ra một “cái phao” cho người ta bám vào mà đầu tư, mà càng nhiều người bám vào thì nó càng đúng.

Đôi điều về cách dùng kết quả dự báo

Như tác giả Tim Harford đã nói, vấn đề của việc chỉ trích dự báo có lẽ là do người ta quá chú trọng đến các kết quả dự báo bằng số mà bỏ qua cái nội dung cốt lõi của dự báo. Như ông điểm ra từ cuối năm 2006, nhiều nhà dự báo đã cảnh báo về việc giá dầu tăng cao, đổ vỡ tín dụng và sự sụt giá đồng đô la Mỹ. Nhưng lúc đó không mấy ai quan tâm vì “biết khi nào nó mới diễn ra”.

Điều này cũng tương tự như cách đây một, hai năm, đã có nhiều học giả trong và ngoài nước của Việt Nam đề cập đến mối nguy của nền kinh tế khi mà tín dụng tăng trưởng nóng, đầu tư dự án nhà nước thiếu hiệu quả và tập đoàn đầu tư dàn trải. Những cảnh báo này có khi còn bị cho là bảo thủ. Nay ai đúng, ai sai, đã rõ.

Một ví dụ khác: người ta ít khi hỏi là trong tình hình kinh tế đi xuống, làm sao đầu tư cho tốt, mà họ chỉ quan tâm chỉ số chứng khoán lên bao nhiêu, giá vàng xuống bao nhiêu, còn lên không, còn xuống không? Đó là những “cái bẫy” đối với nhà dự báo. Tiếc thay, nhiều nhà dự báo làm việc cho các tổ chức, vì sức ép từ khách hàng và thị trường phải đưa ra những con số dự báo mà thực tế là họ không biết nó đúng tới đâu.

Để hỗ trợ cho việc phân tích và dự báo trong lĩnh vực kinh tế và thị trường tài chính, có lẽ phải cần đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro. Ví dụ, thay vì dự báo giá dầu bao nhiêu, có lẽ cũng nên dự phòng tình huống giá dầu biến động bất ngờ bằng các hợp đồng kỳ hạn.

Kết hợp giữa dự báo và phòng ngừa rủi ro vừa giảm chi phí phòng ngừa rủi ro vừa đảm bảo thành công cho kinh doanh. Đó cũng có thể là câu trả lời cho một số tranh luận gần đây rằng phân tích kỹ thuật có đúng cho chứng khoán không. Câu trả lời có thể đơn giản là đừng nên đặt câu hỏi như vậy, mà nên đặt ra là dùng phân tích kỹ thuật để mua bán như thế nào, với số tiền bao nhiêu, có giải pháp dừng lỗ và hiện thực hóa lợi nhuận ra sao.

Đó là lý do vì sao ở nước ngoài, bao giờ chủ đề phân tích kỹ thuật cũng đi kèm với chủ đề về quản trị giao dịch (money management).

(Theo TBKTSG)