13:28 14/10/2011

Nghiêm trần lãi suất: “Bỗng nhiên nhà ngự mặt tiền”…

Minh Đức

Sau quy hoạch, những ông lớn có được vị thế nhà mặt tiền hút khách. Nhưng khách hàng sẽ chọn vào ngôi nhà họ có cảm tình hay không

Khách hàng sẽ lựa chọn. Họ có thể không vào ngôi nhà mình thiếu cảm tình, mà đến nơi được thực sự là thượng đế.
Khách hàng sẽ lựa chọn. Họ có thể không vào ngôi nhà mình thiếu cảm tình, mà đến nơi được thực sự là thượng đế.
Sau quy hoạch, những ông lớn có được vị thế nhà mặt tiền để hút khách. Nhưng cũng sẽ có những khách hàng lựa chọn để bước vào ngôi nhà họ có cảm tình hay không.

Sáng 14/10, người viết phải đến một chi nhánh của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) để đổi thẻ do trước đó ngân hàng phát hành bị lỗi.

Nhầm ở điểm thứ nhất, đến điểm thứ hai cạnh đó mới hoàn tất giao dịch. Hai điểm khác nhau nhưng lại có một điểm chung: nhân viên giao dịch lạnh như những "cỗ máy" vậy. Chỗ thì sốt ruột chờ nhân viên “tủm tỉm” điện thoại, chỗ thì lơ ngơ tìm bộ phận dịch vụ thẻ cùng chỉ dẫn gọn lỏn “anh lên trên kia”. Lạ nữa, chỉ cách nhau cỡ trăm mét, phí gửi xe chỗ 2.000 đồng, chỗ 3.000 đồng.

Chợt nhớ, ông bạn vừa được làm sếp phụ trách SeABank Tp.HCM mới đây khoe: “Vừa hoàn thiện cơ ngơi chi nhánh đẹp lắm, nội thất thiết kế thân thiện, khách đến đảm bảo cứ như ở nhà luôn. Nhưng nếu thấy chỗ nào chưa ổn thì vẫn cần thêm góp ý của các bạn”.

Nhìn sang một mô hình mới của VPBank, phòng giao dịch điểm đang được mở rộng. Khách vào cửa đã có người đón, trà nước tận tình, còn có cả tranh, nhạc thư giãn… Hay cách đây vài tháng, Standard Chartered gây chú ý khi mở cơ chế tự phạt, tự trích tiền sung quỹ từ thiện nếu để khách hàng chờ giao dịch quá 8 phút…

Với sự phục vụ đó, khách hàng được thực là thượng đế. Ngẫm lại, nếu mình gửi tiền lúc này thì sẽ chọn đâu?

Bên lề câu hỏi này, khi trò chuyện với một lãnh đạo ngân hàng thương mại, ông nói rằng: “Cơ chế trần lãi suất bây giờ đã được làm nghiêm. Sau quy hoạch, nhà những ngân hàng lớn bỗng nhiên được ngự mặt tiền, lợi thế để thu hút khách”.

Nhận định này đúng, bởi khi lãi suất cào bằng như hiện nay, nhiều người gửi tiền sẽ quyết định chọn ngân hàng lớn để gửi cho an toàn (dù khái niệm này khó rạch ròi trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, người dân chưa quen với sự đổ vỡ nào đó). Thế nên những ngày qua các dòng chảy thông tin đặt ra tình huống luồng tiền gửi đang có dịch chuyển, từ ngân hàng nhỏ đến ngân hàng lớn. Con số hàng chục nghìn tỷ đồng của sự dịch chuyển này được công khai là một minh chứng.

Thế nhưng, lợi thế nhà mặt tiền chưa hẳn đã quyết định. Khách hàng sẽ lựa chọn. Họ có thể không vào ngôi nhà mình thiếu cảm tình, mà đến nơi được thực sự là thượng đế. Cửa cho ngân hàng nhỏ trong cuộc cạnh tranh này là vẫn mở.

Trả lời phóng viên hôm qua (13/10), ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), cũng nói rằng: “Đúng là khi lãi suất được cào bằng, người dân có tâm lý chuyển vốn nhàn rỗi gửi vào các ngân hàng lớn mà họ cảm thấy đáng tin cậy hơn. Tất nhiên các ngân hàng nhỏ hơn sẽ khó khăn vất vả hơn ở giai đoạn này, nhưng họ hoàn toàn có thể giành lại lợi thế nếu tìm ra được biện pháp thích hợp để củng cố niềm tin của khách hàng vì khách hàng luôn tìm hiểu rất kỹ khi lựa chọn, không bao giờ chọn ngẫu nhiên một đơn vị để gửi gắm đồng vốn của mình”.

Ở đây, cơ chế trần lãi suất và sự cào bằng hiện nay đang ít nhiều tạo lợi thế cho các ngân hàng lớn. Nhưng ngược lại, nó cũng có giá trị với chính các ngân hàng nhỏ. Họ sẽ buộc phải tăng cường cạnh tranh hơn nữa theo chiều sâu, chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đó cũng là giá trị cho lâu dài và phía sau đó là lợi ích của khách hàng.

Ngược lại, nếu những ông lớn đã hài lòng với vị thế và thành quả hiện tại, kết quả cạnh tranh trong tương lai là khó nói trước…