07:12 01/06/2007

Ngổn ngang thực hiện cam kết WTO

Thùy Linh

Các nhà đầu tư nước ngoài đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam

Sẽ sớm có thông tư hướng dẫn về nhập khẩu và phân phối theo cam kết WTO - Ảnh: Việt Tuấn.
Sẽ sớm có thông tư hướng dẫn về nhập khẩu và phân phối theo cam kết WTO - Ảnh: Việt Tuấn.
Chưa có một hội thảo nào mà các nhà đầu tư nước ngoài lại nêu nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam đến thế như ở Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2007.

Cũng dễ hiểu, vì đây là diễn đàn đầu tiên được tổ chức bàn về vấn đề này sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.

Phần lớn các vấn đề được các đại biểu tham dự Diễn đàn đặt ra nằm trong nội dung của các quy định pháp lý liên quan đến việc thi hành một số cam kết WTO của Việt Nam. Những quy định quan trọng này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của các nhà đầu tư khi đầu tư vào khu vực sản xuất và dịch vụ của Việt Nam.

Nhiều bất cập

Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là nội dung lớn được quan tâm tại Diễn đàn. Theo ý kiến của nhóm công tác sản xuất và phân phối thì các yêu cầu mới về cấp phép các hoạt động thương mại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đặt ra những trở ngại mới.

Đó là việc quy định các doanh nghiệp FDI phải xin thêm nhiều giấy phép con bổ sung để thực hiện các hoạt động thương mại thông thường như nhập khẩu các hàng hoá có liên quan, quảng bá, tiếp thị sản phẩm, nhượng quyền thương mại, phân phối sản phẩm trong phạm vi bán buôn, đại lí hoa hồng và bán lẻ...

Đáng chú ý hơn cả việc bùng nổ của các loại giấy phép con nêu trên được ông Fred Burke - Trưởng nhóm - nêu ra là việc nhiều cơ quan nhà nước vẫn còn ngần ngại trong việc thực hiện các yêu cầu cấp phép theo hướng tuân thủ các cam kết WTO của Việt Nam.

Vấn đề cũng gây ngạc nhiên không kém cho cộng đồng các doanh nghiệp là các cơ quan cấp phép, cấp giấy chứng nhận đầu tư của Việt Nam đã được chỉ thị ngừng xem xét cấp phép và thậm chí họ còn viện một lí do rất đơn giản là chờ thông tư hướng dẫn thi hành.

“Nếu chúng ta buộc phải chờ đợi các quy định hướng dẫn thi hành của Luật Thương mại sửa đổi và Nghị định 23 trước khi thực hiện các quyết định này thì khi nào thông tư hướng dẫn Nghị định 23 được ban hành?”, ông Fred Burke thẳng thắn đặt câu hỏi.

Tương tự như vậy, nhiều thắc mắc đã được đặt ra với Nghị định 72/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh thương mại. Mặc dù Nghị định này đã tạo sự phấn khởi sau khi được ban hành trong một thời gian ngắn, trước khi Việt Nam gia nhập WTO nhưng dường như những quy định trong Nghị định này không được áp dụng.

Ông Fred Burke dẫn những điều ông quan sát: “Nhiều trong số 6.000 văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam muốn trở thành chi nhánh thương mại có thu nhập chịu thuế mang lại lợi ích rõ ràng cho Nhà nước về mặt thu thuế, nhưng cho đến nay vẫn chưa có chi nhánh tư nhân nào được cấp phép”.

Ông trưởng nhóm công tác thúc giục: “Vậy thì khi nào các công ty nước ngoài có thể lập chi nhánh thương mại, phạm vi kinh doanh của các chi nhánh được phép như thế nào, họ có thể tiến hành các hoạt động lưu nhận, lưu kho cho các sản phẩm của chính họ tại các nước khác không?”.

Tiếp theo là “kiểm tra nhu cầu kinh tế” cho các cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, hình thức kiểm tra nhu cầu kinh tế này đã được Cam kết chung về thương mại dịch vụ (GATS) bãi bỏ do nó bị cho là lạm dụng như một công cụ để bảo hộ, trừ trường hợp Việt Nam có một ngoại lệ đặc biệt là cam kết trong lĩnh vực dịch vụ cụ thể đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Vì thế, quy định này đã gây nhiều thất vọng cho các nhà đầu tư nhưng thực tế nó đã bao hàm như vậy. Do đó thách thức hiện nay là làm thế nào để công bằng và minh bạch. Hơn nữa, quan niệm về nhu cầu kinh tế là chủ quan và không một cơ quan Chính phủ nào có thẩm quyền tối cao, nhóm công tác khuyến nghị việc tìm hiểu “nhu cầu kinh tế” nhằm mục đích kiểm tra có thể do bất kỳ một bộ hoặc một cơ quan ngang bộ nào thích hợp với loại hình bán lẻ của doanh nghiệp đang trình hồ sơ thực hiện.

Ví dụ, tuỳ thuộc vào hình thức doanh nghiệp bán lẻ, Bộ Thương mại hoặc Sở Thương mại địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ... có thể thực hiện việc tìm hiểu “nhu cầu kinh tế” này.

Về phân biệt giữa công ty Việt Nam và nước ngoài cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp thử thách không mong đợi trong cam kết WTO. Ông Fred Burke cho biết một phương án sai lầm sẽ gây hậu quả tai hại cho kế hoạch triển khai của các doanh nghiệp Việt Nam đang huy động vốn nước ngoài phải phụ thuộc vào các giới hạn về tỉ lệ vốn nước ngoài.

Ví dụ được ông nêu ra là một chuỗi cửa hàng bánh Việt Nam bán ít hơn 30% số cổ phần của mình cho người nước ngoài nhằm mục đích mở rộng kinh doanh không nên bị áp dụng các quy định hạn chế về bán lẻ đối với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Nhóm công tác nhìn nhận điều 29 của Luật Đầu tư hướng dẫn hợp lí, rõ ràng, nhất quán với thông lệ quốc tế. Nếu một công ty do nhà đầu tư Việt Nam sở hữu 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên thì là một công ty Việt Nam và do đó không chịu hạn chế áp dụng với công ty nước ngoài trong mở cửa thị trường các ngành dịch vụ.

Người trong cuộc với ý kiến phản hồi

Trên thực tế, một số lĩnh vực Việt Nam đã thực hiện mở cửa trong nhiều năm qua nhưng quá trình hấp thụ nền kinh tế đòi hỏi Việt Nam phải sẵn sàng mở cửa hơn nữa. Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện các cam kết WTO đã nêu một số những lĩnh vực cần mở cửa sớm nhằm đảm bảo thu hút các luồng vốn đầu tư.

Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: những gì mà luật pháp Việt Nam hiện hành và đang có hiệu lực quy định ưu đãi hơn so với cam kết trong WTO. Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật chứ không hoàn toàn áp dụng liên quan đến quy định của WTO.

Những vấn đề cam kết trong WTO chủ yếu là liên quan đến mảng dịch vụ, do đó ông Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là những gì Việt Nam cam kết trong 108 phân ngành sẽ thực hiện theo cam kết WTO, còn lĩnh vực dịch vụ nào Việt Nam không cam kết thì trong Nghị định sẽ quy định không có nghĩa là không cho phép nhà đầu tư mà tuỳ thuộc vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Từ phía Bộ Thương mại, ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Đa biên khẳng định trước đông đảo các đại diện doanh nghiệp tham dự Diễn đàn là Việt Nam có ý định thực hiện nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO của mình.

Về Nghị định 23 điều chỉnh hoạt động thương mại cụ thể hoạt động xuất nhập khẩu và phân phối của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, ông Khánh cho rằng có sự hiểu nhầm từ các nhà đầu tư. Ông đính chính Nghị định này không đẻ ra giấy phép con. Nếu một doanh nghiệp FDI chỉ xin làm xuất nhập khẩu hoặc chỉ đăng ký bổ sung quyền xuất nhập khẩu như cam kết của Việt Nam gia nhập WTO thì không cần ý kiến của Bộ Thương mại mà doanh nghiệp chỉ cần quay lại cơ quan quản lý đầu tư để bổ sung vào đăng ký kinh doanh của mình. Trong trường hợp doanh nghiệp đầu tư mới vào Việt Nam thì cơ quan quản lý đầu tư có trách nhiệm hỏi ý kiến của Bộ Thương mại.

Và theo ông Khánh, đó là một quy trình hỏi ý kiến nội bộ thông thường trong các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Đối với yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế, ông Khánh cho biết đây là việc phổ cập trong đàm phán Urugoay, các đối tác đàm phán của Việt Nam đã hiểu vấn đề này nên đã chấp nhận cho Việt Nam được duy trì kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Ông Khánh giải thích rằng đây là cách để hài hoà giữa việc mở cửa thị trường phân phối của Việt Nam đồng thời bảo vệ quyền lợi các nhà bán lẻ còn rất nhỏ bé của Việt Nam. Theo hướng đó Bộ Thương mại đã thận trọng tham khảo ý kiến của nhiều bên liên quan khi xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 23.