10:09 10/05/2011

Ngột ngạt trần lãi suất huy động: Đường còn rộng thì cứ đi!

Nguyễn Hoài

Từ đầu năm đến nay, có hai ngân hàng thương mại nhà nước bị khách hàng rút gần 50 nghìn tỷ đồng

Khi các ngân hàng thương mại cải thiện được thanh khoản thì tự khắc lãi suất sẽ giảm.
Khi các ngân hàng thương mại cải thiện được thanh khoản thì tự khắc lãi suất sẽ giảm.
Từ đầu năm đến nay, có hai ngân hàng thương mại nhà nước bị khách hàng rút gần 50 nghìn tỷ đồng, mà lý do chính là đem gửi ở ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.

Hiện tại, thị trường đang dồn quan tâm về Ngân hàng Nhà nước: mua ngoại tệ, buông trần lãi suất để giúp ngân hàng cải thiện thanh khoản hay cứ kéo dài “đi đêm” khiến nhiều ngân hàng bị “chảy máu” vốn như hiện nay.

Những ngày này, thật khó có ngân hàng nào đứng ngoài cuộc “đi đêm” nâng lãi suất huy động cao hơn trần khống chế 14%/năm để vừa giành giật nguồn vốn, vừa bảo toàn nguồn mình đang có, tránh để “hàng xóm” dâng lãi suất lấy mất.

Chỉ cần khóa hai “van”

Tuy nhiên, những “ông lớn”, đặc biệt là những ngân hàng thương mại nhà nước thường xoay xở chậm hơn các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ vốn rất linh hoạt.

Bởi thế, một lãnh đạo của ngành ngân hàng sau khi tiếp nhận phản ánh từ các ngân hàng thương mại đã cho biết, từ đầu năm đến nay, khách hàng của hai ngân hàng thương mại nhà nước đã rút đi 49 nghìn tỷ đồng, một trong hai ngân hàng nói trên bị rút 29 nghìn tỷ đồng.

Vị này giải thích, hành vi rút tiền của khách hàng không hoàn toàn phục vụ nhu cầu chi trả, thanh toán mà chủ yếu là mang gửi ở các ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.

Trước tình hình này, nhân buổi làm việc xung quanh vấn đề ban hành Nghị định Quản lý cạnh tranh trong ngành ngân hàng giữa các chuyên gia tài chính Ngân hàng Thế giới (WB), Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Ngân hàng diễn ra ngày 6/5 vừa qua, các chuyên gia cho rằng, hành vi nâng lãi suất để giành vốn của nhau được coi là “cạnh tranh không lành mạnh”, đặc biệt là đặt chúng trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập trần lãi suất huy động 14%/năm trước đó.

Vì vậy, để chấn chỉnh sự lộn xộn nói trên, ngoài vai trò của thanh tra Ngân hàng Nhà nước thì rất cần đến sự nhập cuộc của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).

Bà  Laura. A. Ard, chuyên gia tài chính cao cấp của WB cho rằng, mấu chốt vấn đề ở đây chính là các ngân hàng đang muốn giải tỏa căng thẳng thanh khoản, chứ  không hẳn huy động để cho vay, nhất là khi hạn mức tăng trưởng tín dụng cho mỗi ngân hàng được khống chế dưới 20% trong năm nay.

“Nếu quá trình này lặp đi lặp lại, đương nhiên làm trầm trọng thêm tình trạng ngân hàng vay của người sau để trả nợ người trước. Đến một lúc nào đó, không thể kiểm soát được an toàn sẽ rất nguy hiểm. Đó là tín hiệu của sự đổ vỡ ngân hàng”, bà lo ngại.

Trước tình hình này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong lúc này, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại việc khống chế trần lãi suất huy động. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần chốt hai “van”: tăng trưởng tín dụng dưới 20% và hệ số an toàn vốn tối thiểu (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - Capital Adequacy Ratio - CAR) là đủ.

Bởi lẽ, “căn bệnh” hiện nay của các ngân hàng là yếu thanh khoản và trong lúc tiếp cận từ các nguồn trên Ngân hàng Nhà nước (tái cấp vốn, OMO) bị hạn chế, thị trường 2 thì lãi suất còn cao hơn thị trường 1 thì họ chỉ còn cách huy động ở thị trường 1. Khi các ngân hàng thương mại cải thiện được thanh khoản thì tự khắc lãi suất sẽ giảm.

Hơn nữa, khi khống chế tăng trưởng tín dụng thì chẳng ngân hàng nào huy động vốn về để trong kho nếu thanh khoản đã được cải thiện. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm soát chặt hệ số CAR là ổn. Bởi hệ số này sẽ giúp các ngân hàng tạo ra tấm đệm, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ người gửi tiền.

Nên “ung dung” trong hạn mức

Theo một số ý kiến trong giới phân tích tài chính, cùng với đó, chính sách tiền tệ cần xem lại giới hạn của mức cung tiền năm nay để tránh sự thắt chặt quá mức.

Từ đầu năm, các nhà quản lý dự kiến tăng trưởng 7,5%, lạm phát khoảng 7%, hai con số trên cộng lại khoảng 14,5%. Lấy 14,5% đem nhân với tổng phương tiện thanh toán năm 2010, sẽ cho ra kết quả dự kiến mức tăng cung tiền.

Ví dụ, tổng phương tiện thanh toán năm 2010 là 100 nghìn tỷ đồng, nhân với 14,5% thì mức cung tiền năm nay sẽ là 114.500 tỷ đồng.

Hiện tại, mới bước sang đầu quý 2/2011, chỉ tiêu này chắc chắn vẫn còn “room”, trong lúc thanh khoản đang rất khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn điều hành linh hoạt trong giới hạn này mà không phải quá lo lắng vì lạm phát. Hay nói cách khác, đã tăng tiền cung ứng thì sẽ tăng lạm phát nhưng cũng chỉ tăng tương ứng với lạm phát đã được dự kiến 7%.

Những năm đầu thập kỷ 90, khi lạm phát lên tới 60%, những cán bộ lão thành của ngành ngân hàng thời kỳ  đó đã xử lý theo hướng này và lạm phát thực sự ổn định trở lại, mặc dù  trước đó họ gặp không ít ý kiến phản  đối do e ngại “tiền ra giá lên”.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang có một lợi thế rất mạnh để thực hiện ý đồ trên là mua ngoại tệ của các ngân hàng thương mại. Quan sát giá bán USD trên thị trường ngày 7/5, Vietcombank để giá bán là 20.750 VND/USD thì  giá mua của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 20.700 VND/USD, thấp hơn 50 VND/USD.

Bước sang ngày 9/5, giá bán của Vietcombank hạ xuống mức  “thê thảm” 20.680 VND/USD thì giá mua của  “người mua bán cuối cùng” vẫn 20.650 VND/USD.

Một  điều đáng nói là mức giá của kẻ bán và người mua đang thấp xa so với “thành quả tỷ giá” mà Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra ngày 11/2/2011. Ngày đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 74/TB-Ngân hàng Nhà nước, điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.932 VND/USD (biên độ +/- 3%) lên 20.693 VND/USD (biên độ +/-1%), tương đương 20.900 VND/USD. Với cú điều chỉnh này, VND giảm giá trị thêm 9,3% so với USD.

Giải thích lý do, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đó là nhằm “phản ánh sát hơn cung cầu trên thị trường, đảm bảo tăng tính thanh khoản, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ”. Nhưng hiện tại, “thành quả” này đang bị vô nghĩa, vì thế, việc cần làm là hiện nay là Ngân hàng Nhà nước phải bảo vệ mức tỷ giá 20.900 VND/USD, không để VND tăng giá thiếu bền vững như hiện nay.

Hơn nữa, khi Ngân hàng Nhà nước cứ mua ngoại tệ của ngân hàng này, rồi bán cho ngân hàng kia không những làm cho quá trình chu chuyển ngoại tệ trở thành vòng tròn thay vì vòng quay đến Ngân hàng Nhà nước rồi dừng lại mà còn tăng thanh khoản VND cho ngân hàng thương mại trong khi Ngân hàng Nhà nước không phải tốn “mồi” thông qua nghiệp vụ OMO hoặc tái cấp vốn.