11:07 21/12/2020

Người cao tuổi cẩn trọng với nguy cơ đột quỵ do đi tập thể dục sớm

Hoài Phương

Người cao tuổi phần lớn đã có sẵn bệnh nền, cơ thể bị suy giảm sức đề kháng, nên khi nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ không thể thích nghi kịp, dẫn đến nhiễm lạnh và gây bệnh. Đặc biệt, trong những ngày giá rét nhiệt độ thời tiết xuống thấp, những người có sẵn bệnh huyết áp sẽ dễ bị ảnh hưởng nhất. Thời điểm sáng sớm đang có sự chênh lệch khá lớn về nhiệt độ so với khi đang ngủ dễ khiến cơ thể người cao tuổi gặp lạnh đột ngột làm các mạch máu co lại và tăng trương lực quá mức.
Những ngày gần đây, số người cao tuổi nhập viện cấp cứu do viêm phổi, huyết áp, đột quỵ tăng gấp đôi do giá rét. Ths.BS Trần Đình Thắng, khoa Cấp cứu đột quỵ bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: "Trong tuần qua, lượng bệnh nhân được đưa đến khoa Cấp cứu tăng gần gấp đôi so với tuần trước. Nếu như tuần trước, mỗi ngày, khoa chỉ tiếp nhận khoảng 10- 12 bệnh nhân/ngày thì trong mấy ngày rét đậm gần đây đã tăng lên tới hơn 20 bệnh nhân/ngày. Các bệnh nhân chủ yếu phải cấp cứu do bị tai biến mạch máu não, đột quỵ, viêm phổi... với các diễn biến nặng, thậm chí rất nặng".Bác sĩ Thắng khuyến cáo, trong thời tiết rét đậm, người già không nên ra ngoài vào buổi tối, nếu bắt buộc phải đi ngoài thì nên đi bằng phương tiện như ô tô, taxi để không bị lạnh, gió lùa. Đặc biệt, không đi tập thể dục sáng sớm trong những ngày giá rét sẽ dễ nhiễm lạnh rất nguy hiểm. Với những người già yếu đang được chăm sóc tại nhà, nếu hay đi tiểu đêm phải bố trí đi vệ sinh tại phòng, không nên dậy và đi ra khỏi phòng.
Người cao tuổi cẩn trọng với nguy cơ đột quỵ do đi tập thể dục sớm - Ảnh 1.
Cũng trong tình trạng tương tự, Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội) mấy ngày nay mỗi ngày đều tiếp nhận trung bình 2 bệnh nhân đột quỵ não nhập viện cấp cứu. Đặc biệt, hầu hết các cụ đều xảy ra vấn đề ngoài ý muốn khi ra ngoài trời tập thể dục ngay sau khi ngủ dậy và không khởi động trong nhà trước khi đi tập.
Ths.BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: Khoa đang cấp cứu điều trị cho 10 trường hợp người cao tuổi, đa số mắc các bệnh đột quỵ, viêm phổi. Dù được tuyên truyền, nhưng nhiều người vẫn hay chủ quan với thời tiết, nhất là người cao tuổi thường đi tập thể dục sáng, dễ bị tai biến đột ngột.BS. Khiêm khuyến cáo, khi thấy người nhà có các biểu hiện đột quỵ như: Cười méo miệng, tay chân mệt mỏi, khó cử động... người nhà cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện và tiến hành chữa trị đột quỵ sớm trong khoảng 6 giờ ngay sau khi xảy ra đột quỵ, thì sẽ tránh được nguy cơ bị yếu liệt sau đột quỵ. Với bệnh nhân nhồi máu cơ tim, nếu được can thiệp từ 30 phút đến một giờ có thể hồi phục tốt.Đặc biệt, người dân không nên cho người nghi ngờ đột quỵ uống bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ, bởi khi bệnh nhân rơi vào đột quỵ thường rơi vào trạng thái rối loạn nuốt, uống nước còn khó nên việc uống viên thuốc to dễ bị chẹn đường thở. Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để tránh thức ăn, đờm rơi vào mũi, miệng, phổi. Mở cổ áo kiểm tra hô hấp, nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Nếu người bệnh co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân, tránh để người bệnh cắn vào lưỡi.