21:33 10/08/2009

Người dân Singapore thay đổi thói quen chi tiêu vì suy thoái

Mai Phương

Những ngày này, người dân Singapore rất chú trọng chuyện tiêu tiền ở đâu và tiêu như thế nào

Bên trong một trung tâm mua sắm ở đại lộ Orchard, Singapore - Ảnh: Reuters.
Bên trong một trung tâm mua sắm ở đại lộ Orchard, Singapore - Ảnh: Reuters.
GDP quý 2 của Singapore tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhưng bất chấp sự phục hồi kinh tế này, người dân ở đây vẫn giữ thói quen thận trọng trong mua sắm và chi tiêu. Thói quen này được hình thành từ khi suy thoái kinh tế tấn công vào đảo quốc sư tử.

Những ngày này, người dân Singapore rất chú trọng chuyện tiêu tiền ở đâu và tiêu như thế nào. Tháng trước, trên đại lộ Orchard - nơi được mệnh danh là thiên đường mua sắm của Singapore - hai trung tâm mua sắm mới được khai trương, trong đó có ION Orchard. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người tới ION Orchard chỉ là để ngắm nghía hàng hóa.

“Hàng ở đây quá đắt so với ví tiền của tôi. Tôi xem quần áo đắt tiền ở ION, nhưng tới mua ở những chỗ bán rẻ hơn”, cô Rachel, một sinh viên, nói.

Thậm chí cả những người có nghề nghiệp đàng hoàng, được trả lương cao cũng có quan điểm như Rachel. “Tôi rất quan tâm tới giá tiền của các mặt hàng. Tôi thường tìm mua hàng hạ giá và không bị thu hút bởi những món đồ giá cao nữa”, chị Johann, một chuyên gia tư vấn về quan hệ công chúng, cho biết.

Doanh số thị trường bán lẻ tại Singapore thời gian qua liên tục giảm. Để đối phó tình hình, các cửa hàng đưa ra những mức giảm giá cực lớn. Trong mùa giảm giá vào tháng 6 vừa qua, mức giảm giá 90% không phải là hiếm gặp.

Đồ ăn ở Singapore khá rẻ, nhưng đồ uống ở đây thì không hề rẻ chút nào. Suy thoái không khiến người dân ngừng đi chơi bên ngoài, nhưng các chủ quán bar ở Singapore cho biết, thói quen sử dụng đồ uống của khách hàng cũng đã thay đổi. “Những người trước đây hay uống rượu xịn, nay chuyển sang uống bia”, ông JR Wong, chủ quán bar BQ, cho biết.

Hãng nghiên cứu Euromonitor International cho rằng, tiêu thụ rượu ở Singapore năm nay có thể giảm 12%. Để thu hút khách, nhiều tụ điểm giải trí ở Singapore đã phải cho khách sử dụng đồ uống miễn phí trong vài giờ đầu sau khi mở cửa.

Ngoài chuyện mua sắm, ăn uống, người dân Singapore thời gian này còn “đau đầu” với chuyện chi phí học hành cho con cái. Ở Singapore, một số trường công có học phí lên tới 20.000 USD mỗi năm. Nước này là nơi có rất nhiều người nước ngoài đến làm việc nên nhu cầu trường công là rất lớn, nhưng học phí thì ngày càng tăng.

Nhiều bậc cha mẹ là người nước ngoài ở Singapore muốn chuyển con cái từ những trường đặc biệt sang trường có chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, do hệ thống giáo dục của Singapore ưu tiên công dân của nước này, tiếp đó là những người cư trú dài hạn, nên các học sinh người nước ngoài thường nằm ở cuối danh sách được chuyển trường.

“Các con tôi có hộ chiếu Australia và Anh nên chúng có thể đi học miễn phí ở hai nước này. Nhưng ở Singapore, chúng tôi phải trả một khoản học phí rất lớn”, một bậc phụ huynh người Singapore cho biết.

“Suy thoái bắt đầu ảnh hưởng từ tháng 12 năm ngoái. Chúng tôi cho rằng, tổng số học sinh, sinh viên nước ngoài tại Singapore sẽ giảm 5% trong lần suy thoái này”, ông Peter Bond, Hiệu trưởng trường Australian International School, cho biết.

Ngoài việc ít mua sắm hơn, uống ít rượu đi và chuyển trường cho con, người Singapore thời gian này còn thắt chặt chi phí cho chỗ ở, bất chấp giá nhà đất ở đây lao dốc không phanh. “Mọi người đã chuyển từ những khu vực có giá thuê nhà cao sang những khu vực ngoại ô, hoặc sang những căn hộ nhỏ hơn hoặc nhà ở do Chính phủ cung cấp”, ông Chua Chor Hoon, một chuyên gia của công ty tư vấn địa ốc DTZ Singapore, cho biết.

Cách đây chưa đầy 1 năm, khi giá nhà đất leo thang mạnh khiến nhiều người phàn nàn về chi phí sinh hoạt, Singapore còn là thị trường bất động sản mạnh thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, giá nhà thuê ở đây đã giảm mất một nửa, khiến Singapore bị rơi vào hàng những thị trường nhà đất tệ hại nhất ở châu Á trong 3 tháng đầu năm 2009.

Mấy tháng gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tận dụng việc giá nhà đất ở Singapore giảm sâu để mua vào, giúp thị trường phục hồi. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát và Chính phủ nước này vẫn tỏ ra thận trọng về sự phục hồi này vì lo ngại yếu tố đầu cơ.

Một lĩnh vực chi tiêu khác cũng đang bị thắt chặt ở Singapore trong thời gian này là hoạt động du lịch. Ngành du lịch của Singapore hy vọng giá vé máy bay rẻ hơn sẽ giúp thu hút thêm du khách, nhưng cả khách đi công cán và đi du lịch đều muốn thắt lưng buộc bụng. Nghiên cứu cho thấy, trong thời gian suy giảm tăng trưởng này, khách du lịch Singapore thường có xu hướng chọn các đường bay ngắn hơn, như đi du lịch trong châu Á, hoặc du lịch nội địa, thay vì bay tới các châu lục khác.

Vì thế, quý 2 vừa qua đã trở thành quý thua lỗ đầu tiên của Singapore Airlines trong 6 năm qua. Các hãng hàng không và khách sạn của Singapore đều đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để hút khách.

Sự nhìn nhận kinh tế Singapore gần đây đã trở nên lạc quan hơn, đặc biệt với sự phục hồi nhanh chóng từ các nền kinh tế láng giềng tại châu Á, nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ để biết xem liệu sự lạc quan trên có thể nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng mà người dân Singapore đã hình thành trong lần suy thoái này hay không.

(Theo BBC)