12:18 24/03/2007

Người hùng chứng khoán sụp đổ

Kể từ lúc bước vào thương trường, Horie luôn làm mọi người ngạc nhiên với những quyết định đầu tư của mình

Horie một thời là thần tượng của giới trẻ Nhật Bản - Ảnh: AFP.
Horie một thời là thần tượng của giới trẻ Nhật Bản - Ảnh: AFP.
Từ một sinh viên Đại học Tokyo, Takafumi Horie gây dựng nên cơ nghiệp trị giá hơn 8 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, nhưng kết cục lại phải đứng trước vành móng ngựa.

Người Nhật từng gọi anh ta là Horiemon vì ví những bước tiến trên thương trường của anh ta như những phép thần của chú mèo máy Doremon.

Horie bước ra khỏi xe với sơmi trắng và áo khoác đen. Ai cũng đeo cà vạt còn Horie thì không. Vẫn ra vẻ ngang tàng và vẫn là tâm điểm chú ý của cả nước Nhật, nhưng hôm nay Horie bị phán tội.

Cú sốc Livedoor

Thời Livedoor chưa lâm vào khủng hoảng và Horie chưa đi tù, mọi người gọi Takafumi Horie (Chủ tịch và cũng là người sáng lập tập đoàn dịch vụ Internet Livedoor) là Horiemon vì anh ta đã biến công ty thiết kế - tư vấn web Livin’ on the Edge nhỏ bé thành tập đoàn đầu tư mạo hiểm công nghệ Livedoor khổng lồ.

Kể từ lúc bước vào thương trường, Horie luôn làm mọi người ngạc nhiên với những quyết định đầu tư của mình. Là sinh viên văn khoa Đại học Tokyo, Horie đã bỏ học giữa chừng để khéo léo gây dựng một công ty thiết kế web.

Với 50.000 USD ban đầu, công ty này biến thành tập đoàn Livedoor trị giá hơn 8,5 tỷ USD với hơn 40 công ty con và có sự hậu thuẫn của ba quỹ đầu tư lớn nước ngoài là Fidelity Investments, American Funds và JP Morgan.

Sự kiện “rơi xuống vực thẳm” của Livedoor cũng hết sức bất ngờ. Ngày 16/1/2006, trụ sở tập đoàn phải tiếp những vị khách bất ngờ. Họ là các công tố viên, nhân viên điều tra của Ủy ban chứng khoán đến khám xét Livedoor vì nghi ngờ tập đoàn này vi phạm luật chứng khoán.

Hôm sau, sự ngạc nhiên của Horie chuyển thành cú sốc khi thị trường chứng khoán Tokyo phải đóng cửa sớm hơn 20 phút so với thường lệ vì máy tính không xử lý nổi số lệnh bán, khả năng xử lý 4,5 triệu giao dịch/ngày của hệ thống máy tính tại thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới không đáp ứng nổi số lệnh bán của 220.000 nhà đầu tư cá nhân tại Livedoor.

Rất nhiều nhà đầu tư đã bị thiệt hại vì giá cổ phiếu Livedoor rớt từ 6 USD xuống còn 0,8 USD. Giá trị thị trường của tập đoàn này lập tức rớt từ 8,5 tỷ USD xuống 6 tỷ. Một tuần sau, con số đó chỉ còn hơn 3 tỷ USD.

Cũng có lúc giá cổ phiếu Livedoor phục hồi, chẳng hạn như khi Livedoor thay ban quản trị mới, nhưng đến tháng 4/2006, Livedoor buộc phải rút khỏi thị trường chứng khoán Tokyo.

Lỗi tại ai?

Một tuần sau ngày Livedoor bị khám xét, Chủ tịch Horie, Giám đốc tài chính Ryoji Miyauchi, Giám đốc điều hành Fumito Kumagai... bị bắt giữ và khởi tố vì tội gian lận sổ sách, phóng đại doanh thu, lợi nhuận trong báo cáo tài chính nhằm thu hút đầu tư và thao túng thị trường chứng khoán. Horie bị buộc tội chủ mưu.

Cụ thể, bảng cáo trạng nói Livedoor đã cộng thêm 5,34 tỷ Yên vào phần doanh thu trong báo cáo tài chính năm 2004 để che giấu khoản lỗ trước thuế 310 triệu Yên và giả tạo khoản lợi nhuận trước thuế hơn 5 tỷ Yên. Số doanh thu này gồm 3,76 tỷ Yên từ bán cổ phiếu và 1,58 tỷ Yên khai khống. Các công tố viên còn phát hiện Livedoor đã thao túng giá cổ phiếu bằng cách liên tục mua lại những công ty khác dưới hình thức trao đổi cổ phiếu.

Chẳng hạn, năm 2003-2004, Livedoor mua sáu công ty, trong đó ba công ty được Livedoor trực tiếp trao đổi một số cổ phiếu của mình lấy một lượng lớn hơn cổ phiếu của công ty kia. Sau đó, Livedoor chia nhỏ số cổ phiếu này rồi nhờ các quĩ đầu tư giữ cho đến khi giá thị trường lên cao mới bán để thu lợi.

Tại tòa, Giám đốc Tài chính Miyauchi thừa nhận bản cáo trạng là đúng và khai đã làm những chuyện đó là do áp lực của Horie: “Horie buộc chúng tôi phải tăng lợi nhuận bằng mọi cách”, liên tục mua lại nhiều công ty nhằm thuyết phục các nhà đầu tư rằng khả năng quản trị của họ “siêu” đến mức có thể điều hành hiệu quả nhiều công ty một lúc.

Ông ta cũng thừa nhận đã “thêm hoa lá” cho hai bản báo cáo tài chính để các nhà đầu tư thấy Livedoor thành công và tiếp tục mua cổ phiếu.

Những bước quá đà

Năm 2005 - thời điểm Livedoor cực thịnh, cổ phiếu tập đoàn này chiếm đến 45% số giao dịch trên thị trường chứng khoán Tokyo và có giá bằng một tờ vé số tại Nhật (7 USD). Tuy nhiên, ngoài những con số đó, vẫn có dấu hiệu cho thấy Livedoor có vấn đề, nhưng nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua.

Trong ba năm kể từ khi chính thức thành lập năm 1997, ban quản trị của Livin’ on the Edge đã dẫn dắt công ty tiền thân của Livedoor này thành một doanh nghiệp tiềm năng trên thị trường chứng khoán Tokyo.

Bằng chứng là việc Livedoor thỏa mãn nhiều điều kiện khắt khe - như hoạt động hiệu quả ít nhất một năm và sẵn sàng thả nổi ít nhất 1 tỷ Yên cổ phiếu (8,5 triệu USD) trong lần đầu giao dịch - để được niêm yết.

Nhưng khi đã lên sàn, Livedoor lại dồn toàn lực vào chứng khoán, ít nhất đó cũng là hoạt động chính của Livedoor mà các nhà đầu tư biết vì báo chí liên tục đưa tin về các vụ mua bán công ty của Livedoor. Livedoor đã mở rộng ra quá nhiều ngành từ địa ốc, chứng khoán đến giải trí, truyền thông trong khi lĩnh vực chuyên môn của họ chỉ là công nghệ thông tin.

Nếu theo dõi tốc độ phát triển của Livedoor, người ta sẽ thấy một điểm bất thường. Từ lúc bắt đầu phát hành cổ phiếu vào năm 2000 đến trước năm 2004, Livedoor sáp nhập hằng năm trung bình bốn, năm công ty; nhưng chỉ trong năm 2004, Livedoor mua lại hơn 20 công ty.

Người ta bắt đầu chú ý đến Livedoor vào tháng 3/2004 khi tập đoàn này đề nghị mua lại Kintetsu Buffaloes để cứu đội bóng chày này khỏi phải sáp nhập với một đội khác. Khi Kintetsu đang lỗ mỗi năm khoảng 36 triệu USD, Livedoor xuất hiện với đề nghị tiếp quản. Vụ việc không thành nhưng Horie đã trở thành người hùng của rất nhiều người hâm mộ môn thể thao vua này ở Nhật.

Một điểm đáng chú ý nữa là tham vọng điên cuồng của Livedoor. Trong vị trí chủ tịch tập đoàn, Horie đã lợi dụng lỗ hổng luật pháp để làm ăn. Chẳng hạn, Livedoor dùng quyền cổ đông chủ chốt ở một công ty để điều khiển một công ty khác.

Một ngày tháng 3/2005, Livedoor ngấm ngầm thông qua các quỹ đầu tư mua gần 1/3 số cổ phiếu của Nippon Broadcasting System và trở thành cổ đông kiểm soát tập đoàn truyền thông này. Một tháng sau, Livedoor đề nghị đài truyền hình Fuji TV (nơi Nippon Broadcasting System là cổ đông lớn nhất với 22,5% cổ phần) trở thành công ty con của Livedoor, để Livedoor có thể mở rộng sang ngành công nghiệp truyền hình và giải trí.

Sau vụ này, các nhà lập pháp Nhật đã phải chỉnh sửa luật để việc “giật dây” kiểu này khó xảy ra trong tương lai.

Horie đã đi một bước quá đà khi anh ta biết chắc chắn bản chất của việc mua bán cổ phiếu là không rõ ràng nên nhiều rủi ro. Các nhà đầu tư cũng đã quá đà khi hoàn toàn tin tưởng vào Livedoor mà không nhìn kỹ trước khi quyết định đầu tư vào Livedoor.