14:38 17/02/2007

Người Mỹ nào đây?

Nói người Mỹ “giả dối”, người Mỹ “tự vắt kiệt mình”... có khi lại là vơ đũa cả nắm. Ta đang nói người Mỹ nào đây?

Người Mỹ đón chào năm mới 2007 tại quảng trường Thời Đại, New York.
Người Mỹ đón chào năm mới 2007 tại quảng trường Thời Đại, New York.
Bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái trên tờ Tuổi Trẻ số xuân Đinh Hợi.

Một nghiên cứu sinh châu Á, sống ở Mỹ tương đối lâu, một lần bảo tôi: Người Mỹ giả dối. Câu cửa miệng bao giờ cũng là “Tuyệt vời! Tuyệt vời!” (Great! Great!)...

Nhưng rất nhiều khi sự việc chẳng tuyệt vời mà người nói lại càng không tuyệt vời.

Xin hãy làm một phép thử: bạn đi lạc giữa một sân bay Mỹ, hay giữa một thành phố Mỹ. Bạn sẽ thấy ngay những con người hối hả đi qua đi lại hình như đang cố phớt lờ, cố làm như không nhận thấy vẻ ngác ngơ của bạn. Nhưng thế nào cũng có người đứng lại. Hoặc là bạn chặn một người nào đó lại. Người này sẽ hỏi han cặn kẽ địa chỉ, sẽ chỉ vẽ cho bạn đường ra bến tàu bến xe. Thậm chí người ta còn dẫn bạn đi qua một vài khu phố, đến tận bến xe, đảm bảo rằng bạn không lạc đường lần nữa, rồi mới quay đi.

Gặp được người như vậy, ai kể lại cũng xuýt xoa: Người Mỹ tốt thật. Chu đáo, tận tình.

Một giáo sư người Đức thì bảo: ở châu Âu, nhịp sống đã nhanh, nhưng sang đến Mỹ mới biết nhịp sống quay cuồng chóng mặt, nhiều lúc tôi cảm thấy bị sa lầy ở Mỹ.

Biết là sa lầy mà bao nhiêu tài năng hàng đầu của châu Âu, châu Á vẫn bị hút vào Hollywood. Sự thành công của họ đem lại tính đa dạng cho điện ảnh Mỹ. Rồi những tên tuổi gốc châu Á làm nên chuyện trong văn chương nghệ thuật. Trong những ngành khoa học, kinh tế, thương mại nữa. Dần dần tính đa dạng, muôn màu nghìn sắc đã làm nên đặc điểm tính cách Mỹ. Một cái nồi lẩu thập cẩm quyến rũ.

Vậy nói người Mỹ “giả dối”, người Mỹ “tự vắt kiệt mình”... có khi lại là vơ đũa cả nắm. Ta đang nói người Mỹ nào đây? Gốc gác chủng tộc nào? Miền đông hay miền tây? Trí thức hay người lao động giản đơn? Mọi khái quát vội vã về người Mỹ đều lập tức mang trong nó sự phá sản.

Người châu Á đi thuê nhà, kiểu gì thì ở gần khu phố Tàu phố Nhật vẫn hơn. Thấy phố gốc Phi gốc Mễ là cũng hơi ngại. Càng ngại thập thò vào phố WASP, người Mỹ trắng gốc Anglo - Saxon theo đạo Tin Lành. Phân biệt chủng tộc không có chỗ trong luật, nhưng không phải lúc nào cũng dựa được vào luật.

Trong bữa ăn, người ta không ép bạn theo kiểu anh phải uống rượu với tôi cho vui, mà chỉ hỏi anh muốn uống gì, rượu, bia, nước hoa quả?... Người ta cũng không gắp thức ăn cho anh mà không hỏi trước. Nguyện vọng cá nhân được đề cao hàng đầu. Không ai ép ai làm điều mà người đó không thích. Sự tôn trọng có cả yếu tố nhân quyền.

Nơi công cộng, bến tàu bến xe, văn phòng bảo hiểm, thư viện, bảo tàng... người ta nói năng vừa đủ nghe, thậm chí hơi nhỏ so với tiêu chuẩn âm lượng châu Âu, hơi lí nhí so với châu Á.

Anh bạn giáo sư chung phòng làm việc với tôi ở Seattle có lần tay năm tay mười vừa đánh máy, vừa in bài ra, cùng lúc loay hoay lục tìm cuốn sách để lên lớp. Đúng lúc máy in hết giấy. Tôi ngồi gần tệp giấy trắng, bèn đưa tay lấy, định lắp giúp vào máy in. Anh xua tay: Cảm ơn, không cần, tôi còn đủ cả chân tay mà. Vậy thì, đừng tỏ vẻ sốt sắng giúp đỡ nếu không được yêu cầu.

Cũng ở Seattle, miền tây nước Mỹ, có lần ông hàng xóm sang san sẻ nỗi day dứt. Ông để ý mấy ngày nay bà già hàng xóm không ra khỏi nhà. Cửa đóng im ỉm. Ông đến bấm chuông mấy lần, gõ cả vào cửa kính, không thấy trả lời. Cuối cùng ông gọi điện cho cảnh sát. Người ta đến, đập cửa sổ trèo vào. Bà già nằm thiêm thiếp trên giường, tình trạng nguy kịch. Trong tủ lạnh thực phẩm đã được dọn sạch, không còn lại một chút gì. Như vậy là bà tự nguyện đi vào cái chết. Ông hàng xóm kể lại với tôi, vẻ lo lắng. Mai đây bà được cứu sống, được xuất viện, bà trở về, ông biết nhìn mặt bà thế nào.

Một đêm ở miền đông, bên sông Potomac, những người hàng xóm đổ hết ra bờ sông. Người ta đang đi tìm thi thể ba đứa trẻ chết đuối. Hai đứa bé hơn mười tuổi thi bơi, bị nước cuốn ra xa bờ. Chàng trai mười chín tuổi đi ngang, không nghĩ ngợi gì, lao ngay xuống nước. Cả ba đều bị nước cuốn đi. Tàu xuồng chạy khắp mặt sông, đèn pha sáng loáng. Suốt đêm. Mãi gần sáng, mọi người được yêu cầu giải tán, ai về nhà ấy, có tin tức gì sẽ được thông tin kịp thời. Thị trấn nhỏ, nhà cửa thưa thớt, vài trăm bước chân mới gặp một cái nhà. Tai nạn đã khiến mọi người xích gần lại.

Mãi chiều hôm sau mới tìm thấy ba thi thể. Điện thoại nhà nọ truyền sang nhà kia. Tìm thấy rồi. Mọi người lại đổ ra bờ sông, theo nhau vào bệnh viện, ghé qua nhà người xấu số chia buồn, góp thêm chân thêm tay cho lễ tang. Chàng trai mười chín tuổi là sinh viên trong ngôi trường tôi đến dạy. Mới cách đó dăm ba ngày, anh ta còn hỏi tôi rất lâu về một đất nước từng bị cuốn vào một cuộc chiến tranh với Mỹ.