11:46 14/04/2021

Nguy cơ bại liệt do chấn thương cột sống cổ

Hoài Phương

Cột sống có cấu tạo bởi nhiều đốt sống ghép lại, bên trong có ống sống chứa tủy sống. Cột sống đảm bảo hai chức năng chính: chức năng cơ học – cột sống là điểm tựa, là "trụ cột" chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể và chức năng thần kinh của tủy sống. Tủy sống là một bộ phận của hệ thần kinh trung ương tiếp nối với tiểu não và hành tủy để chi phối toàn bộ các chức năng vận động, cảm giác... của cơ thể từ cổ trở xuống theo phân vùng của các khoanh tủy.
Vì là một xương lớn, phải chịu tải trọng cao nên cột sống rất dễ bị chấn thương và khi đã bị chấn thương thường ảnh hưởng rất lớn đến chức năng chịu tải cơ học cũng như chức năng thần kinh. Khi tủy sống đã bị thương tổn, khả năng bệnh nhân bị tàn phế sẽ rất cao như phải thở máy hoàn toàn, liệt tứ chi trong tổn thương tủy cổ, liệt hai chi dưới phải ngồi xe lăn suốt đời trong tổn thương cột sống ngực, cột sống thắt lưng. Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa thực hiện phẫu thuật ACDF lấy đĩa đệm, ghép xương và cố định cột sống cổ điều trị cho bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ thoát nguy cơ bại liệt. Đây là kỹ thuật cao thuộc lĩnh vực phẫu thuật thần kinh cột sống đòi hỏi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm và trang thiết bị phẫu thuật hiện đại.
Nguy cơ bại liệt do chấn thương cột sống cổ - Ảnh 1.

Hình ảnh MRI tổn thương cột sống cổ của người bệnh

Bệnh nhân Nguyễn M H (65 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị tai nạn giao thông được chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng mất vận động hai chi dưới, gãy xương tay phải, tứ chi tê bì, bí đại, tiểu tiện. Hình ảnh chụp MRI cho thấy phù tủy cổ ngang mức đĩa đệm C5/6; phình thoát vị đĩa đệm C3/4, C5/6 gây chèn ép rễ thần kinh ngang mức, thoái hóa đa tầng đĩa đệm và cột sống cổ. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa Ngoại thần kinh cột sống và chỉ định thực hiện phẫu thuật ACDF cố định cột sống cổ, thay đĩa đệm cột sống cổ, hàn xương lối trước dưới sự hộ trợ của kính vi phẫu thế hệ mới nhằm giải phóng hẹp ống sống, chèn ép rễ thần kinh cột sống cổ, cải thiện chất lượng vận động cho người bệnh. "Phẫu thuật ACDF là phẫu thuật có độ khó cao đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo bài bản, trang thiết bị phòng mổ hiện đại. Đặc biệt, việc ứng dụng kính vi phẫu cho hình ảnh phóng đại rõ nét trong phẫu thuật ACDF giúp các phẫu thuật viên quan sát tốt trường giải phẫu, lấy đĩa đệm bị tổn thương, hàn, ghép xương mào chậu hoặc xương sinh học vào khoảng trống sau khi lấy đĩa đệm để định hình cột sống cổ thuận lợi hơn, kiểm soát tốt các tai biến, nẹp vít cố định chính xác giúp hạn chế hiện tượng lỏng, xô nẹp khi bệnh nhân vận động cổ." – Bác sĩ CKI Lê Triệu Linh (Khoa Ngoại Thần kinh sọ não, cột sống, Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết. Ca phẫu thuật do ekip bác sĩ CKI Lê Triệu Linh, bác sĩ nội trú Khúc Văn Trung thực hiện diễn ra thành công. Sau phẫu thuật 7 ngày, các triệu chứng tê bì tứ chi của bệnh nhân được cải thiện, có thể vận động tay chân khoảng 60% so với trước phẫu thuật, bệnh nhân có thể tự chủ đại tiểu tiện. Bệnh nhân tiếp tục được tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật để cải thiện vận động. Đến nay, bệnh nhân có thể đạp xe, đi lại được tốt hơn.
Nguy cơ bại liệt do chấn thương cột sống cổ - Ảnh 2.

Sau phẫu thuật chức năng vận động của bệnh nhân cải thiện rõ rệt

"Trước khi phẫu thuật tôi không thể leo cầu thang, chân tay tê nhức, không ngồi lâu một tư thế được, chủ yếu phải nằm tại chỗ. Sau phẫu thuật và tập luyện gần 1 tháng nay, tôi cảm thấy khỏe khoắn, vận động nhấc chân tay tốt, đi lại quãng đường dài hơn. Tôi rất cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã tận tâm chăm sóc, điều trị cho tôi" – ông Nguyễn M H vui mừng chia sẻ. Hiện nay, với phẫu thuật ACDF đang được ứng dụng thường quy, những người bệnh bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, liệt thần kinh tiến triển… sẽ được giải thoát khỏi những cơn đau dai dẳng, tránh được nguy cơ bại liệt, cải thiện chất lượng vận động, sinh hoạt. Theo các bác sỹ, xử trí chấn thương cột sống nói chung cũng như cột sống cổ nói riêng quan trọng từ bước sơ cứu đầu tiên. Nguyên tắc hàng đầu của sơ cứu bệnh nhân chấn thương cột sống là bất động, tránh cho đoạn cột sống bị chấn thương di lệch vì sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí đứt ngang tủy sống, gây liệt hoàn toàn.