14:43 06/01/2020

Nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp do bụi mịn

Hoài Phương

Các nhà nghiên cứu Anh và Mỹ phát hiện ra rằng sống trong một khu vực không khí ô nhiễm nặng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.


ăng nhãn áp (glaucoma) là nguyên nhân chính gây mù không thể đảo ngược trên toàn thế giới. Theo thống kê, căn bệnh này ảnh hưởng đến hơn 60 triệu người trên toàn thế giới. Điều này thường xảy ra nhất là do tăng áp lực nội nhãn, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác, kết nối mắt với não. Hầu hết các yếu tố trong sự phát triển của bệnh này, chẳng hạn như tuổi tác và di truyền, hiện không thể kiểm soát. Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện thêm một nguyên nhân mà con người có thể khống chế được.Các nhà khoa học Đại học College London (UCL) và Bệnh viện Mắt Moorfields đã phân tích dữ liệu từ hơn 111.000 người ở Anh và đi đến kết luận nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp - nguyên nhân hàng đầu gây mù không thể đảo ngược - cao hơn ít nhất 6% trong số những người sống ở khu vực có mức độ cao nhất của ô nhiễm hạt mịn (PM2,5).
Nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp do bụi mịn - Ảnh 1.
Dùng dữ liệu của UK Biobank, họ đã phân tích thông tin về 111.370 bệnh nhân đã kiểm tra mắt tại các cơ sở y tế trên khắp nước Anh từ năm 2006 đến 2010. Những người tham gia được hỏi liệu họ có bị tăng nhãn áp hay không và sau đó kiểm tra nhãn khoa đã được thực hiện để đo áp lực nội nhãn và quét laser võng mạc để đo độ dày của hoàng điểm - vùng trung tâm của võng mạc.Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích tương quan, liên kết 2 chỉ số - sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp và mức độ ô nhiễm không khí ở nơi cư trú của bệnh nhân. Họ đã thấy rằng những người ở 25% khu vực bị ô nhiễm nhất thường thông báo về bệnh tăng nhãn áp nhiều hơn là 6% so với những người ở khu vực ít ô nhiễm.Những người ở các khu vực bị ô nhiễm cũng có nhiều nguy cơ bị mỏng võng mạc, một trong những thay đổi điển hình cho sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp trong tương lai. Như vậy, ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh tăng nhãn áp.
Nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp do bụi mịn - Ảnh 2.
Sharon Y.L. Chua, tác giả chính của công trình nghiên cứu tại Viện nhãn khoa, Đại học College London kết luận ô nhiễm không khí có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh tăng nhãn áp do làm hẹp các mạch máu và vì vậy, không chỉ mắt, mà cả tim cũng có thể bị ảnh hưởng. Một nguy cơ nữa là các hạt rắn trong không khí ô nhiễm có thể gây độc trực tiếp, làm tổn hại cho hệ thần kinh và gây viêm.Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng tỷ lệ tăng nhãn áp ở khu vực thành thị cao hơn 50% so với khu vực nông thôn và phát hiện mới này cho thấy ô nhiễm không khí có thể là một yếu tố tạo nên sự khác biệt này.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra tiếp xúc với khói xe trong thời gian dài làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Bệnh này về lâu dài có thể gây mù lòa, vì nó ảnh hưởng đến võng mạc của người bệnh. Điều đáng nói là bệnh này hiện tại chưa có cách chữa trị, do đó ta chỉ có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Khi mắc bệnh thoái hóa điểm vàng, trong con ngươi của người bệnh sẽ xuất hiện các đốm làm cho thị lực người bệnh trở nên mờ ảo. Về lâu dài, bệnh này sẽ gây mù lòa hoặc thị lực mờ nhòe ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi).Khói bụi từ xe cộ có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng ở mọi đối tượng. Nghiên cứu cho thấy, người sống ở khu vực ô nhiễm có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi. Hai nhân tố chính gây tổn thương mắt là nitơ đioxit và cacbon monoxit có trong khói xe. Những người sống ở thành phố dễ bị ảnh hưởng hơn bởi mức độ ô nhiễm ở thành thị cao hơn ở nông thôn.
Nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp do bụi mịn - Ảnh 3.
Để bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt của mình, lời khuyên của các chuyên gia y tế là hãy đóng cửa kính ô tô khi đi trên đường. Nếu di chuyển bằng xe 2 bánh, hãy đeo kính bảo hộ, đội mũ bảo hiểm có kính chắn và đeo khẩu trang khi đi trên đường. Không hút thuốc lá, thuốc lào, bởi khói thuốc lá, thuốc lào cũng làm yếu mắt. Ăn các thực phẩm giàu vitamin như rau chân vịt, cà rốt, cá, quả óc chó, rau xanh... Đồng thời, kiểm tra mắt định kỳ hàng năm.

(Theo The Balance)