11:51 04/09/2007

Nguyên nhân khiến FDI ít vào nông nghiệp

Trần Đức Tụng

Có 3 nhóm nguyên nhân chính khiến vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn FDI vào Việt Nam

Vốn FDI thực hiện trong nông nghiệp, nông thôn hiện mới chỉ là 1,9 tỷ.
Vốn FDI thực hiện trong nông nghiệp, nông thôn hiện mới chỉ là 1,9 tỷ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2007 tổng số dự án thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn hiệu lực 7.490 dự án với 67,3 tỷ USD, vốn thực hiện gần 30 tỷ.

Trong đó đầu tư vào nông nghiệp chỉ là 758 dự án với 3,78 tỷ, chiếm 10% về tổng số dự án và 5,6% về tổng giá trị vốn. Vốn FDI thực hiện trong nông nghiệp, nông thôn chỉ là 1,9 tỷ.

Đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu cho chế biến nông sản, thực phẩm 53,7% tổng số vốn, trồng rừng và chế biến lâm sản 24,7%, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc 12,7%, trồng trọt 8,9%. Tỷ trọng đầu tư cho ngành thấp và có xu hướng giảm, hiệu quả hoạt động của các dự án chưa cao, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của đất nước. Phân bổ không đồng đều giữa các vùng miền. Các quốc gia lớn chưa thực sự đầu tư vào nông nghiệp, thiếu tính đa dạng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều này có 3 nhóm nguyên nhân chính.

Thứ nhất, chưa có chiến lược thu hút và quy hoạch sử dụng FDI cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chưa có cơ chế chọn lựa đề xuất các dự án FDI ưu tiên trong ngành, mong muốn của ngành chưa thể hiện thành chính sách ưu đãi. Chưa có cơ quan của ngành theo dõi và giúp đỡ giải quyết vướng mắc trong quá trình xúc tiến và thực hiện các dự án FDI. Chưa có cơ chế phối hợp ngành - địa phương.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng và tay nghề ở khu vực nông thôn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp và khu vực nông thôn cao. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn chưa đủ năng lực để chủ động kêu gọi FDI theo ý đồ phát triển sản phẩm và thị trường của riêng mình.

Thứ ba, những nguyên nhân bắt nguồn từ thủ tục hành chính, chính sách chung của Nhà nước. Chưa thực sự ưu đãi cho đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào khu vực nông nghiệp và nông thôn. Chính sách đất đai, thuế và các chế độ ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và các vùng nông thôn chưa rõ và chưa thống nhất.

Tuy nhiên quá trình thu hút và sử dụng FDI đã đạt được những thành tựu nhất định: đã bổ sung vốn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, góp phần cải thiện công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo việc làm cho ngành.

Quan điểm, phương hướng thu hút và sử dụng FDI vào nông nghiệp và nông thôn đến năm 2010 và tầm nhìn xa hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất: cần thu hút cho mục tiêu tạo dựng một nền nông nghiệp hàng hoá mạnh, hiệu quả. Nông nghiệp là lĩnh vực cần ưu đãi đầu tư, có kế hoạch chung cho nghành và cụ thể cho từng ngành hàng chủ yếu.

Danh mục, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư là: Trồng và chăm sóc rừng, nuôi trồng cây con trên đất hoang hoá, vùng chưa khai thác. Đánh bắt hải sản ở vùng xa bờ. Nhân giống mới có hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất tinh chế muối.

Danh mục, lĩnh vực ưu đãi: sản xuất thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng vật nuôi. Sản xuất máy, thiết bị, phụ tùng máy cho sản xuất, chế biến nông, lâm, ngư nghiệp, lương thực , thực phẩm. Trồng cây dược liệu. Bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản thự phẩm. Sản xuất nước hoa quả đóng chai, hộp. Tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Dịch vụ kỹ thuật nông, lâm, thuỷ sản, xây dựng và phát triển ngành nghề truyền thống. Sản xuất giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Vậy, đâu là giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu qủa FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn?

Một là, cần sớm khắc phục những nguyên nhân hạn chế vừa qua. Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, nâng cao tính tiên liệu, minh bạch, đơn giản hoá thủ tục cấp phép, quản lý hoạt động đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghịêp, nông thôn. Sử dụng hợp lý các nguồn vốn khác để khuyến khích dòng chảy FDI.

Hai là, nhóm giải pháp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: xây dựng chiến lược thu hút, sử dụng FDI trong nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích về ưu đãi hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường, chính sách đất đai, phát triển vùng nguyên liệu, phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, sử dụng FDI.

Ba là, nhóm giải pháp của các hiệp hội ngành hàng: tham mưu cho Bộ, địa phương về xây dựng quy hoạch vùng và cơ cấu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực hoạt động, tăng cường vai trò trong giải quyết tranh chấp thương mại.

Bốn là, nhóm giải pháp của các doanh nghiệp: nâng cao năng lực hoạt động của doanh nghiệp, tích cực tham gia chương trình xúc tiến đầu tư của ngành, chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu.