00:22 17/05/2007

Nhà đầu tư “bỏ chạy”, nhiều cổ phiếu điện phải đấu giá lại

Khối lượng cổ phiếu đã trúng thầu bị bỏ lại thường chiếm trên 35% tổng khối lượng cổ phiếu phát hành

Theo đề án được trình Chính phủ đầu năm nay, EVN dự định việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành sẽ hoàn thành trước năm 2008.
Theo đề án được trình Chính phủ đầu năm nay, EVN dự định việc cổ phần hóa các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành sẽ hoàn thành trước năm 2008.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các phiên đấu giá cổ phiếu lần đầu của các đơn vị thuộc EVN trong các tháng 3 và 4 vừa qua đã không thành công do gặp phải tình trạng nhiều nhà đầu tư đã trúng thầu từ chối nộp tiền.

Khối lượng cổ phiếu đã trúng thầu bị bỏ lại thường chiếm trên 35% tổng khối lượng cổ phiếu phát hành. Trong đó, đáng chú ý là: cổ phiếu của Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa (giá trúng thầu thấp nhất 62.500 đồng/cổ phiếu) bị bỏ 35% và Thủy điện Thác Mơ (giá trúng thầu thấp nhất là 58.500 đồng/cổ phiếu) bị bỏ 38%.

Thậm chí, cổ phiếu của Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 - công ty được đánh giá là đứng đầu bảng trong số các công ty tư vấn xây dựng điện hiện nay (giá trúng thầu thấp nhất 64.500 đồng/cổ phần) có khối lượng cổ phiếu bị bỏ đạt mức kỷ lục trên 70%.

Theo một số nhà đầu tư chuyên nghiệp, bên cạnh nguyên nhân chính, các nhà đầu tư ngắn hạn không thể kiếm lời nhanh từ các phiên đấu giá như trước đây. Một nguyên nhân quan trọng là giá trúng thầu quá cao so với giá trị thực của cổ phiếu trong khi thị trường chứng khoán đang có xu hướng điều chỉnh giảm.

Một số nhà đầu tư còn cho rằng, lịch đấu giá lần đầu các cổ phiếu ngành điện quá gần nhau khiến nhiều nhà đầu tư "trở tay" không kịp. Loại trừ những nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể "đẩy" ngay quyền mua cổ phiếu để kiếm chênh lệch giá thì ngay cả những nhà đầu tư có ý định đầu tư dài hạn cũng khó lòng lo đủ một lúc nhiều khoản tiền lớn để mua.

Tiền đặt cọc cổ phiếu này gối đầu lên tiền nộp mua cổ phiếu khác đã trúng thầu. Chính vì vậy, các nhà đầu tư sẽ phải lựa chọn giữa việc bỏ những cổ phiếu giá trúng quá cao hoặc cổ phiếu khó thanh khoản.

Thực tế cũng cho thấy, cùng trong thời điểm đấu giá, chỉ có cổ phiếu của Nhiệt điện Ninh Bình (với giá trúng thầu thấp nhất 21.000 đồng/cổ phiếu) là còn được các nhà đầu tư trúng thầu "chiếu cố" nộp tiền.

Ban Cổ phần hóa và Chứng khoán của EVN cũng cho biết, hiện nay vẫn chưa xác định được thời gian cụ thể để tổ chức đấu giá lại cổ phiếu của Nhiệt điện Bà Rịa, Thủy điện Thác Mơ và Tư vấn điện 1 bởi đến thời điểm này, Ban chỉ đạo cổ phần hóa của EVN vẫn chưa nhận được báo cáo chi tiết và khoản tiền đã thu được qua lần đấu giá thứ nhất từ các công ty chứng khoán làm nhiệm vụ nhận lệnh.

Đây chính là khó khăn hiện nay khiến cho EVN chưa thể lập phương án đấu giá lại. Tuy nhiên, một đại diện của Ban Cổ phần hóa khẳng định, chậm nhất là cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8, EVN sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá lại.