09:17 26/03/2007

“Nhà đầu tư đừng bất ngờ khi thị trường điều chỉnh”

"Chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có lẽ là cơ hội cuối cùng đối với nhà đầu tư trên toàn thế giới"

Ông Trần Thanh Tân.
Ông Trần Thanh Tân.
Đó là nhận định của ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) khi trao đổi với báo giới về tình hình thị trường chứng khoán hiện nay.

Có nhiều nhận định cho rằng thị trường chứng khoán đang quá "nóng", quan điểm của ông thế nào?

Khi tôi luộc tôm, tôi cần phải nấu đến 100oC, còn muốn nấu chảy sắt thép thì tôi cần độ nóng hơn 2.500oC. Vậy nóng ở đây là ở nhiệt độ của luộc tôm hay đốt chảy sắt thép?

Tôi chỉ có thể nói rằng các nhà đầu tư cần bình tĩnh trước tình hình thị trường chứng khoán lên hay xuống để đưa ra các nhận định phân tích và phải biết mục tiêu của mình là như thế nào.

Chứ đừng thấy bỏ ra 1 tỉ đồng mua cổ phần, khi có lời liền vay thêm bạn bè, người thân, ngân hàng để đổ tiền vào chơi thì rất nguy hiểm.

Các nhà đầu tư tài chính nước ngoài đang tiếp tục vào Việt Nam, theo ông, họ bị hấp dẫn bởi điều gì?

Hiện nay, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận là ở châu Á, rõ nhất là 2 thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Ở ASEAN, Việt Nam là cơ hội số 1 thể hiện qua nền kinh tế phát triển tốt, nền chính trị ổn định, hệ thống pháp lý đang được hoàn thiện dần.

Việt Nam có dân số đông đứng thứ 2 khu vực (sau Indonesia) và dân số trẻ nên nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận đây là một thị trường phát triển. Thêm vào đó, phát biểu của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc không ngăn chặn, kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) làm cho nhà đầu tư yên tâm hơn.

Đồng thời, chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có lẽ là cơ hội cuối cùng đối với nhà đầu tư trên toàn thế giới. Do đó các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam khiến cầu thị trường được kích thích.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vừa qua các quỹ đầu tư nước ngoài từ thị trường New York, châu Âu, Nhật Bản đã đổ vốn vào thị trường Việt Nam. Gần đây còn có luồng tiền mới từ Đài Loan - nơi có nguồn dự trữ ngoại tệ đứng hàng đầu thế giới.

Như vậy, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Chỉ số VN-Index đang liên tiếp sụt giảm, có phải thị trường chứng khoán đã vào giai đoạn điều chỉnh?

Chỉ số VN-Index tăng đến một mức độ nào đó phải có điểm dừng để mà điều chỉnh. Cần phân tích thêm nguồn cung trên thị trường chứng khoán là các cổ phiếu tiếp tục niêm yết và khả năng tạo ra lợi nhuận, các báo cáo liên quan có làm nhà đầu tư yên tâm?

Quá trình điều hành của Chính phủ liên quan đến chế độ chính sách, phân tích luồng vốn qua lại từ nguồn vốn gián tiếp tác động và ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nói chung?...

Việc điều chỉnh giảm giá đến sớm hay muộn phụ thuộc vào các yếu tố trên. Theo tôi có thể xảy ra vào cuối quý II, đầu quý III. Đầu tháng 12, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trở lại. Khi thị trường có sự điều chỉnh như trên thì các nhà đầu tư không nên quá bất ngờ hay "sốc".

Ông có thể nói rõ hơn về sự ảnh hưởng của nguồn vốn FII (vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp) đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng?

Sau Tết Nguyên đán, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố: "Không sợ thị trường chứng khoán phát triển nóng, không có ý định ngăn chặn và kiểm soát nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FII mà chỉ tìm cách hỗ trợ, kiểm soát về mặt luật để đảm bảo luồng vốn này ngày càng có cơ sở vững chắc và giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng".

Theo tôi, không phải bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào cũng là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đầu tư lâu dài tại Việt Nam. Nếu có nhà đầu tư ngắn hạn, đầu cơ thì cũng rất bình thường. Do đó, Nhà nước cần tạo ra một môi trường mà nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn đều hoạt động đúng luật và bài bản.

Một số quỹ đầu tư nhìn nhận bỏ tiền vào Việt Nam không phải để chờ giá cổ phiếu tăng lên bán ra kiếm lời mà họ nhìn thấy một cơ hội mở rộng trong thời gian tới, đó là chương trình cổ phần hóa của Chính phủ Việt Nam, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2010.

Thông thường, khi nền kinh tế mở cửa, kinh tế tăng trưởng thì lạm phát xảy ra. Nhưng nền kinh tế Việt Nam đi ngược lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 8%/năm nhưng đồng tiền trong nước không mất giá quá nhiều. Nguyên nhân là 2 - 3 tỉ USD trong năm 2006 được các nhà đầu tư gián tiếp chuyển vào Việt Nam và ngay lập tức chuyển sang tiền đồng để đầu tư vào thị trường chứng khoán. Cầu nội tệ tăng lên nên thay vì mất giá theo xu hướng bình thường thì đồng nội tệ lại tăng giá.

Trong những năm qua, FDI (vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp) là "ngôi sao" đang lên ở Việt Nam, biểu hiện qua tỷ lệ xuất khẩu cho đến luồng tiền Việt Nam thu hút trên 10 tỉ USD, năm 2007 dự kiến 15 tỉ USD. Nếu Chính phủ điều hành vĩ mô không khéo về nguồn vốn FII sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI.