08:00 30/05/2007

Nhà đầu tư EU muốn gì ở thị trường Việt Nam?

Thùy Trang

Những phân tích về môi trường đầu tư, thương mại và kinh tế Việt Nam do Nhóm các tham tán thương mại EU thực hiện

Các chuyên gia EU đã đưa ra những gợi ý, chỉ ra những cơ hội, cũng như những trở ngại mà các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là nhà đầu tư châu Âu đang gặp phải - Ảnh: VT.
Các chuyên gia EU đã đưa ra những gợi ý, chỉ ra những cơ hội, cũng như những trở ngại mà các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là nhà đầu tư châu Âu đang gặp phải - Ảnh: VT.
EU là thị trường xuất khẩu thứ hai của các mặt hàng Việt Nam (sau Mỹ) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam. EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai trên phương diện nguồn vốn triển khai.

Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có những nguy cơ tiềm tàng đối với tính phát triển bền vững. Nhận định này được trích từ “Sách xanh” do Phái đoàn Uỷ ban châu Âu tại Việt Nam công bố ngày 29/5. 

Đây là bản báo cáo do Nhóm các tham tán thương mại EU thực hiện. Báo cáo phân tích về môi trường đầu tư, thương mại và kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua. Theo báo cáo, các nhà đầu tư Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đầu tư mạnh mẽ nguồn vốn cũng như công nghệ mới nhất vào Việt Nam.

Xét về nguồn vốn FDI được triển khai tại Việt Nam, EU hiện đang đứng thứ hai. Báo cáo cho thấy EU là thị trường lớn thứ hai đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa Việt Nam đang bán lượng hàng lớn hơn rất nhiều so với lượng hàng nhập khẩu từ châu Âu. Các công ty châu Âu tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Việt Nam.

Bản báo cáo còn đưa ra những phân tích ngắn gọn nhưng hiệu quả về những ngành nghề khu vực quan trọng của Việt Nam. Các chuyên gia EU cũng đưa ra những gợi ý, chỉ ra những cơ hội, cũng như những trở ngại mà các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là nhà đầu tư châu Âu đang gặp phải.

Báo cáo đã đưa ra những cảnh báo về tính thiếu đa dạng trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường EU, mà chủ yếu tập trung vào một nhóm ngành như dệt may và may mặc, giày da, hải sản, cà phê và đồ gỗ. Điều này làm cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU “khó được bảo vệ”.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Uỷ ban châu Âu Markus Cornaro tại Việt Nam đưa ra những ví dụ cụ thể về những thách thức trong việc phải đa dạng hoá những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chẳng hạn, ngành dệt may - một ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam - vẫn đang còn phụ thuộc rất nhiều không chỉ vào thị trường xuất khẩu mà còn vào việc nhập khẩu những nguyên liệu thô.

Một tình hình tương tự cũng được báo cáo chỉ ra trong ngành giày dép của Việt Nam. Tỉ lệ phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài vào trong ngành da giày của Việt Nam lên đến 85%. Điều này cũng thể hiện sự dễ tổn thương của ngành công nghiệp này khi xuất khẩu sang thị trường khác. Bằng chứng cụ thể nhất là vụ kiện chống phá giá từ EU áp đặt trong năm ngoái.

Để giảm bớt sự phụ thuộc và dễ thay đổi của môi trường bên ngoài, báo cáo gợi ý cho các nhà sản xuất của Việt Nam cần thực hiện hai bước: một là, dịch chuyển lên thang giá trị cao hơn trong quá trình sản xuất (bao hàm cả việc lưu ý bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ); và hai là, cần có thương hiệu mạnh ở nước ngoài.

Ngành thuỷ sản cũng được báo cáo nhìn nhận có tiềm năng xuất khẩu, riêng trong năm ngoái xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường châu Âu tăng 7%. Tuy nhiên, Đại sứ Markus Cornaro cho rằng vấn đề đang đặt ra là tính bền vững của ngành này, xét tới năng lực sản xuất, năng lực xác định và loại trừ những tồn dư hoá chất có hại cho sức khoẻ và xét đến thương hiệu của chính ngành này của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tương tự, một thách thức không nhỏ đối với ngành nông sản của Việt Nam cũng đang diễn ra. Tỉ lệ cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường trong những năm qua tăng trưởng 9% và kim ngạch đạt 610 triệu Euro. Tuy nhiên ngành này đang phải đối mặt với năng lực hạn chế về chế biến với lượng sản phẩm bị mất lên 20% trong tất cả các giai đoạn sau khi thu hoạch cũng như khả năng truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm. Đại sứ Markus Cornaro nhấn mạnh khả năng truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm là rất có ý nghĩa khi Việt Nam tiếp cận đến các thị trường khó tính.

Một lĩnh vực nữa cũng được báo cáo đề cập và được EU rất quan tâm là viễn thông. Mỗi năm, trung bình ngành viễn thông Việt Nam đã tăng trưởng 20% với số lượng thuê bao tính tới thời điểm hiện nay là 27 triệu thuê bao. Báo cáo chỉ ra: ngành viễn thông Việt Nam mặc dù phát triển rất nhanh nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề phải giải quyết như thiếu ý tưởng cải tiến hiện đại, mức giá thành cao, lượng băng thông truy cập còn tắc nghẽn. Vấn đề này cần được giải quyết khi tới đây Chính phủ triển khai quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp viễn thông.

Lĩnh vực tiếp theo được nhấn mạnh là năng lượng của Việt Nam. Các nước EU, đặc biệt là Thụy Điển, Đức, Hà Lan tỏ ra rất quan tâm đến lĩnh vực này. Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần phải có khung hợp tác pháp lý đơn giản hơn trong lĩnh vực này.

Một điểm yếu khác nữa Việt Nam đang gặp phải là đảm bảo tuân thủ quyền SHTT cũng như những vấn đề liên quan đến hệ thống thuế của Việt Nam. Báo cáo cũng dành 2 chương đề cập đến hệ thống thuế và ngành rượu, chất giải khát có cồn. Đại sứ Markus Cornaro dẫn một câu thành ngữ của Pháp, dịch nguyên nghĩa: “Thuế quá cao sẽ tiêu diệt lợi nhuận”. Theo Đại sứ, mặt hàng rượu và đồ uống có cồn của Việt Nam hiện mức thuế quá cao, khoảng 200%. Chính điều đó dẫn đến hệ quả 25% sản phẩm rượu, đồ uống có cồn bán tại Việt Nam là hàng giả.

Về lĩnh vực tài chính, báo cáo cho biết các nhà đầu tư EU rất quan tâm bởi họ có khả năng chuyên môn cao để giúp Việt Nam trong lĩnh vực này. Và họ đặt nhiều hy vọng vào kế hoạch cải cách ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của báo chí: liệu những đánh giá nhận xét về môi trường kinh doanh của Việt Nam được công bố trong báo cáo có tác động đến việc EU xem xét quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam hay không, Đại sứ Markus Cornaro cho rằng nền kinh tế thị trường là một khái niệm chung và không bị gắn quá chặt với việc có được cấp quy chế đó hay không.

Đại sứ giải thích: khi chúng ta gắn với điều đó thì chúng ta lại nghĩ tới những biện pháp bảo hộ. “Chúng tôi xem Việt Nam như nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Cục Cạnh tranh-Bộ Thương mại Việt Nam để xét những diễn biến liên quan đến 5 tiêu chí mà EU sử dụng để trao quy chế kinh tế thị trường. Mục đích tham vọng của hai phía đó là làm sao để Việt Nam đáp ứng được quy chế này sớm hơn theo lịch trình WTO là 12 năm”, Đại sứ nói.