09:52 12/06/2007

Nhà đầu tư không mặn mà với khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL

Khôi Nguyên

Khi nói về các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL, một quan chức ở đây đã nói: "Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai mà chạy"

Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), một trong số ít những khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả ở ĐBSCL.
Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), một trong số ít những khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả ở ĐBSCL.
Khi nói về các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL, một quan chức ở đây đã nói: "Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai mà chạy".

Tính tới thời điểm này, các tỉnh khu vực ĐBSCL có tất cả là 120 khu, cụm công nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 4 khu, cụm công nghiệp được lấp đầy. Điều này đã cho thấy câu nói ấy quả không ngoa!

Vướng mắc lớn nhất của khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL là không theo quy hoạch tổng thể của toàn vùng, mỗi địa phương phát triển theo một cách. Từ đó dẫn đến sự lãng phí về đất đai và tiền của. Và quan trọng hơn hết là rất nạn ô nhiễm môi trương ở các khu, cụm công nghiệp đã đến hồi báo động!

Đất đai ở ĐBSCL vốn được sử dụng để trồng trọt là chính, các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài đã từng khẳng định, nơi đây là vùng đất tuyệt vời để Việt Nam sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay hầu hết đất nông nghiệp có vị trí đẹp đang trồng lúa và vườn cây ăn trái rất tốt đã trở thành nơi quy hoạch khu, cụm công nghiệp.

Các nhà quy hoạch ở ĐBSCL suy nghĩ khá đơn giản: những khu đất có đường giao thông thuỷ, bộ thuận lợi, nằm gần khu dân cư, đổi việc trồng lúa, trồng cây ăn trái bằng việc xây dựng nhà máy sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương nhanh chóng, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Chính áp lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chạy theo tăng trưởng GDP đã khiến cho các địa phương ở ĐBSCL bằng mọi giá phải có ngay các khu, cụm công nghiệp dù chưa chuẩn bị tốt. Các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL ra đời trong sự nóng vội, thiếu tính toán, quy hoạch mang tính ngẫu hứng, th y địa phương khác làm thì cũng làm theo nên kết quả không như mong đợi. Và việc triển khai hàng loạt khu, cụm công nghiệp tại ĐBSCL đồng nghĩa với việc hàng loạt hộ nông dân ở đây bị mất đất do bị giải toả.

Hiện tại, phần lớn các khu, cụm công nghiệp chỉ mới sử dụng khoảng 36 - 40% diện tích đất, có những nơi chỉ mới sử dụng khoảng 5% diện tích đất trong các khu, cụm công nghiệp. Sở dĩ có tình trạng này là do các địa phương khi đi vào thành lập các khu, cụm công nghiệp đã thiếu nghiên cứu đầy đủ về mặt chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn, từ đó mỗi địa phương phát triển theo một cách mà không có sự liên kết phát triển chung trong toàn vùng, để đưa đến việc cạnh tranh không cần thiết, ngay cả giải pháp về cơ sở, hạ tầng kỹ thuật..., mỗi tỉnh làm một cách, đôi khi không thực hiện được, và lãnh đạo các địa phương ở khu vực ĐBSCL cũng chưa ngồi lại với nhau để cùng bàn cụ thể.

Một điều rất quan trọng là khi hình thành các khu, cụm công nghiệp các ngành chức năng ở ĐBSCL đã không quan tâm đến các nghiên cứu dự báo về thị trường, môi trường đầu tư... Sắp tới đây, cần nghiên cứu đầy đủ hơn về các rất đề: các nhà đầu tư cần gì? Phát triển kinh tế của chúng ta như thế nào để đầu tư vào công nghiệp? Và dài hạn chúng ta phải làm gì? Có như vậy chúng ta mới đưa ra chính sách thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài một cách hợp lý.

Do không có quy hoạch cụ thể nên hiện nay có một thực trạng là các khu, cụm công nghiệp ở khu vực ĐBSCL mời gọi các nhà đầu tư không có một kế hoạch cụ thể, nên có những nhà đầu tư, những dự án chưa phải là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương cũng được mời vào.

Thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông khó khăn ở ĐBSCL chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà mặc dù chính quyền địa phương nơi đây đã "trải thảm đỏ" mời gọi. Khu công nghiệp Trà Nóc ở Cần Thơ được xem là Khu công nghiệp lớn nhất khu vực nhưng chỉ quy tụ những doanh nghiệp loại vừa và nhỏ.

Vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng đang là một rất đề rất bức xúc hiện nay. Tại ĐBSCL việc phát triển các khu, cụm công nghiệp đa phần là nằm ven các con sông lớn, và địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý đồng bộ các sự cố ở các khu, cụm công nghiệp. Ví như sự cố xảy ra ở nhà máy hoá chất của Trung Quốc là một ví dụ điển hình, sự cố này đã làm ô nhiễm nguồn nước và làm ảnh hưởng cả một khu vực rộng lớn vùng dân cư sinh sống.

Hiện khu, cụm công nghiệp của chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ xử lý môi trường các chât thải chứ chưa có chiến lược về môi trường cho các khu, cụm công nghiệp. Giả sử, nếu có một nhà máy nào đó gặp sự cố thải tất cả hoá chất xuống sông Tiền hay sông Hậu thì địa phương sẽ xử lý ra sao? Đây là bài toán khó đối với các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL hiện nay!

Như vậy trong 3 trục phát triển gồm: Khu công nghiệp, kinh tế-xã hội và môi trường, ĐBSCL vẫn chưa làm được nhiều. Nếu các cơ quan chức năng của khu vực chỉ dừng lại ở đây thì sự phát triển công nghiệp ở ĐBSCL không thể gọi là bền vững. Thiết nghĩ, các tỉnh, thành ở ĐBSCL cần quy hoạch cẩn thận, cụ thể trước khi đưa ra chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp, và kịp thời chấn chỉnh đối với các khu, cụm công nghiệp còn yếu kém.