09:57 05/12/2007

Nhà đầu tư muốn gì ở Việt Nam?

Thùy Linh

Nguồn nhân lực đang được các nhà đầu tư xem như “điểm nóng” mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

Sự mất cân đối trong thị trường lao động chỉ là “chóp” của “tảng băng ngầm”.
Sự mất cân đối trong thị trường lao động chỉ là “chóp” của “tảng băng ngầm”.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 4/12, “câu chuyện” về sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam cùng với môi trường chính trị ổn định, sự thành công trong “xóa đói giảm nghèo” và thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế đã được khẳng định. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ thẳng thắn về những bất cập còn tồn đọng.

Nguồn nhân lực đang được các nhà đầu tư xem như “điểm nóng” mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Các ý kiến tham luận tại diễn đàn cho rằng sự mất cân đối trong thị trường lao động chỉ là “chóp” của “tảng băng ngầm”. Không có dấu hiệu cho thấy nhu cầu trên thị trường lao động được giải quyết, nguồn cung lao động sẽ được tăng cường đầy đủ trong tương lai gần.

Tính hấp dẫn của Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Chủ tịch Phòng Thương mại Australia (AusCham) Paul Fairhead nói thẳng rằng “tính hấp dẫn của Việt Nam như là một điểm đến của đầu tư trong châu Á sẽ ngày càng bị nghi ngờ khi mà chi phí lao động bắt đầu vượt qua năng suất lao động và chi phí tuyển dụng đào tạo tăng cao”.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) lo ngại: nếu những vấn đề này còn tiếp tục tiếp diễn thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam sẽ thấp đi. Điều đó dẫn đến những rủi ro ảnh hưởng xấu đến tính hấp dẫn của Việt Nam. “Các đổi mới về giáo dục là cốt yếu cho tương lai của đất nước, và đây là thời điểm để đảm bảo rằng Việt Nam của ngày mai có thật nhiều đòi hỏi mới và năng động mà chỉ có thể là do trình độ và chất lượng giáo dục và đào tạo quốc tế mang lại”, ông Alain phân tích.

Để nâng cao hiệu quả cả số lượng và chất lượng nhân lực chất lượng cao, Chính phủ Việt Nam nên “mở rộng cửa” hơn cho các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, ông Alain đề xuất. EuroCham cũng cam kết sẽ là “đầu tàu” thu hút vốn từ các quỹ tài chính để tập trung hơn nữa vào vấn đề nhân sự, giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Về phía các thành viên của AusCham, họ cũng đã chủ động đối phó với thách thức của thị trường lao động bằng việc phát triển các chương trình đào tạo tập trung, các chương trình phát triển nghề nghiệp, các chiến lược trong lưu giữ luân chuyển nhân viên...

Tuy nhiên, ông Chủ tịch AusCham cũng kêu gọi Chính phủ ủng hộ việc hình thành các hiệp hội nghề nghiệp độc lập để hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn nghề nghiệp và là cơ chế cho các ngành nghề liên lạc với các cơ sở giáo dục đào tạo về chương trình đào tạo.

Nôn nóng thành lập ngân hàng?

Việc chậm trễ trong cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang là một cản trở rất lớn tới “bước chân đầu tư” - ông Charly Madan, Giám đốc CitiBank VietNam chia sẻ. Đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ thì môi trường quy định có vẻ như không bắt kịp với tốc độ đó.

Vì thế, có sự “cọ xát” giữa ngành ngân hàng đôi khi làm ảnh hưởng đến tiềm năng để duy trì sự tuân thủ của ngân hàng với các quy định luật pháp. Một trong thách thức chủ chốt được ông Charly Madan nhắc đến là việc Việt Nam cam kết mở cửa hơn nữa ngành ngân hàng khi gia nhập WTO, nhưng việc cấp chứng nhận vẫn còn chậm trễ.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phùng Khắc Kế, thì đây không hẳn là sự chậm trễ. Ông giải thích: trong cam kết của Việt Nam, bên cạnh việc tạo hoạt động bình đẳng minh bạch cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng thì cũng có những điều kiện nhất định khác. Thí dụ như để thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam, cơ quan giám sát thanh tra của ngân hàng tại nước nguyên xứ phải có cam kết với Ngân hàng Nhà nước về khả năng giám sát hoạt động, khả năng trao đổi thông tin.

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 5 bộ hồ sơ xin lập ngân hàng mới của 3 quốc gia trong đó chỉ có Ngân hàng Trung ương của Australia là ký thoả thuận trao đổi thông tin, thanh tra giám sát với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang bằng con đường thông qua ngoại giao của các đại sứ và trực tiếp liên hệ với ngân hàng trung ương của nước đó để tiến hành ký kết bản ghi nhớ. Phó thống đốc nhấn mạnh, việc ký kết này là điều kiện tiên quyết để xem xét tiếp cho 4 ngân hàng của hai quốc gia còn lại. Theo Phó thống đốc, việc chậm trễ này thực ra không phải như vậy mà cần có ký kết, trao đổi giữa các cơ quan giám sát.

Tương tự như vậy, ông Phùng Khắc Kế cũng cho biết các ngân hàng của Việt Nam rất muốn đặt văn phòng đại diện và chi nhánh tại Hoa Kỳ. Nhưng có một điều kiện mà Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra là phải có Luật về phòng chống rửa tiền, chống khủng bố. Chính phủ Việt Nam cách đây 3 năm đã ban hành một Nghị định về phòng chống rửa tiền, tuy nhiên Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận nghị định này như ở mức luật. Vì vậy, đến nay các ngân hàng của Việt Nam vẫn chưa thể lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Hoa Kỳ. Theo ông Kế, đó là những rào cản về mặt kỹ thuật.

Bức xúc cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng, “câu chuyện cũ” được các nhà đầu tư bàn lại với nhiều vấn đề mới phát sinh. Việc nhanh chóng nâng cấp các cơ sở hạ tầng quan trọng trong tương lai được các nhà đầu tư thúc giục. Sự quá tải cảng biển đang là mối đe dọa với các nhà đầu tư tại Việt Nam, chính vì vậy việc nâng cấp tuyến đường đến cảng là rất cấp bách, ông Paul Hoogwaerts thuộc Tiểu ban cảng biển khuyến nghị.

Các chuyên gia của nhóm cơ sở hạ tầng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết giải quyết các vấn đề tồn đọng gây trở ngại cho các đơn vị khai thác cảng Cái Mép, bao gồm việc xây dựng cầu đường, nạo vét lòng sông để đón tàu lớn tải trọng khoảng 8.000 container trở lên. Việc này sẽ kết nối trực tiếp Việt Nam đến châu Âu và Hoa Kỳ.

Đại diện của Bộ Giao thông Vận tải cho biết: tách gói cầu đường dẫn đến cảng Cái Mép thành gói nhỏ để làm trước. Về vấn đề phân luồng, Bộ cũng đang chỉ đạo chủ đầu tư chỉnh lại tiến độ để đưa gói thầu luồng đấu thầu sớm hơn, dự kiến đến 2009 gói thấu luồng sẽ làm xong.

Đồng tình với các kiến nghị của nhà đầu tư về tốc độ triển khai dự án chậm, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết lãnh đạo Bộ đang chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ của các dự án này.