09:44 10/07/2007

Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước

Một số điểm mới trong Dự thảo Nghị định về giao, bán doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ

Mối quan tâm tới thị trường giao, bán doanh nghiệp có lẽ sẽ “nóng” lên cùng với việc các đối tượng doanh nghiệp thuộc diện bán cũng được mở rộng.
Mối quan tâm tới thị trường giao, bán doanh nghiệp có lẽ sẽ “nóng” lên cùng với việc các đối tượng doanh nghiệp thuộc diện bán cũng được mở rộng.
Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua toàn bộ hoặc một bộ phận doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ nếu như các doanh nghiệp đó thuộc danh mục ngành nghề, lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư 100% vốn theo hình thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp.

Việc mua bán này sẽ được thực hiện theo các quy trình thống nhất tại Dự thảo Nghị định về giao, bán doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (gọi tắt là Dự thảo) đang được soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi, mà không cần phải có quy chế riêng như yêu cầu hiện nay của Nghị định 80/2005/NĐ-CP về giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê công ty nhà nước.

Thực ra, việc mở rộng đối tượng của Dự thảo không phải là một điểm mới mang tính đột phá, bởi đây là cách để luật hoá các cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Song, điều quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cá nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tới đây sẽ có cơ hội như các doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân trong nước đối với các doanh nghiệp nhà nước trong diện giao, bán theo quy định của Dự thảo.

Mối quan tâm tới thị trường giao, bán doanh nghiệp có lẽ sẽ “nóng” lên cùng với việc các đối tượng doanh nghiệp thuộc diện bán cũng được mở rộng. Cụ thể, ngoài các công ty nhà nước, độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập của tổng công ty, Dự thảo đã mở rộng đối tượng tới cả các công ty và bộ phận của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Đồng thời, hình thức tách doanh nghiệp quy mô lớn thành các bộ phận để bán cũng được xem là tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vốn thuộc diện khó khăn trong hoạt động kinh doanh, không thể tiến hành cổ phần hoá. Như vậy, các doanh nghiệp đã chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên có thể trở thành đối tượng mua bán nếu hoạt động sau chuyển đổi không hiệu quả như mong muốn.

Tuy nhiên, những tranh luận đang dấy lên khi việc mở rộng đối tượng lại kèm theo điều kiện về việc doanh nghiệp không có lợi thế về đất đai. Có nghĩa là, các doanh nghiệp được xem là có lợi thế về đất đai sẽ bị loại khỏi danh mục các doanh nghiệp được phép giao, bán.

Tạo hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo (do Câu lạc bộ doanh nghiệp nhà nước tổ chức), nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp thuộc diện giao, bán có lẽ chỉ còn một lợi thế là đất đai để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thậm chí, ông Bùi Ngọc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu còn cho rằng, nếu loại trừ yếu tố này, có thể chẳng bao giờ bán nổi doanh nghiệp vốn yếu kém đến mức không thể cổ phần hoá. “Nếu các doanh nghiệp này không được bán, thì tình trạng doanh nghiệp không được cải thiện trong khi diện tích đất đó cũng không thể thu hồi”, ông Bảo nói.

Hơn nữa, việc xác định thế nào là không có lợi thế về đất đai lại không đơn giản. Ông Trần Tiến Cường, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo, cho biết, Ban soạn thảo đang đề nghị 3 tiêu chí để xác định không có lợi thế về đất của doanh nghiệp.

Đó là có diện tích mặt bằng không quá 100 m2 (mức cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quy định); không ở mặt các đường phố chính, thuộc khu trung tâm hoặc khu đất đã hoặc sẽ quy hoạch có thể tạo vị trí thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động kinh doanh; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc giá thuê đất ở vị trí tương tự trên thị trường không chênh lệch nhiều so với giá do UBND cấp tỉnh công bố hàng năm.

“Chúng tôi cho rằng, các tiêu chí này (gồm cả tiêu chí định lượng và định tính) dùng làm căn cứ để tham khảo khi quyết định giao, bán doanh nghiệp sẽ tránh hoặc hạn chế thất thoát do không đánh giá đúng giá trị đất đai khi bán”, ông Cương nói.

Song, sẽ cần phải làm rõ hơn vấn đề này khi không dễ trả lời thế nào là chênh lệch nhiều về giá, tại sao lại khống chế ở mức 100 m2… Đại diện Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng phản biện rằng, có những ngành nghề coi trọng đất mặt đường, song có những ngành nghề không cần vị trí đó. Và việc thực thi có thể sẽ vướng chỉ vì những câu hỏi khó này.

Ngoài ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng muốn đặt lại quan điểm về giao, bán doanh nghiệp. Theo đó, có lẽ cần phải có cách nhìn cải cách hơn trong hình thức chuyển loại hình doanh nghiệp này theo hướng gần với thị trường hơn.

“Tôi đã từng đi mua các loại doanh nghiệp thua lỗ, nên hiểu rằng, mỗi người tìm đến mua doanh nghiệp với ý đồ, kế hoạch kinh doanh riêng. Nếu vẫn cứ giao doanh nghiệp cho những người lao động vốn đã không giúp gì cho doanh nghiệp đó trong một thời gian dài, thì tình hình sẽ không thể cải thiện. Việc mua bán doanh nghiệp nên thực hiện theo phương thức đấu giá mà người lao động có thể là đối tượng ưu tiên xem xét”, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hoa quả 1 đề nghị.

Thậm chí, việc bán doanh nghiệp cũng được đề xuất theo hướng không giới hạn quy mô. Có nghĩa là, các doanh nghiệp thuộc diện giao, bán đều có thể trở thành hàng hoá nếu không thuộc diện Nhà nước nắm giữ.

Và việc chuyển đổi theo hình thức nào có lẽ cần phải trao quyền chủ động cho chính doanh nghiệp đó thay vì các quyết định hành chính từ trên xuống. Cách làm này có thể sẽ tiệm cận với hoạt động mua, bán doanh nghiệp trên thị trường hiện nay, nhưng có lẽ chưa được bàn tới trong Dự thảo.