09:19 15/11/2013

Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 60% công ty niêm yết

Nguyễn Hoàng

Nội dung dự thảo mới nhất đã hoàn tất và trình lên Thủ tướng, room tối đa cho khối ngoại có thể lên tới 60%

Thị trường chứng khoán đang cần những động lực mới. Việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những thay đổi quan trọng.
Thị trường chứng khoán đang cần những động lực mới. Việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài là một trong những thay đổi quan trọng.
Theo nội dung dự thảo mới nhất đã hoàn tất và trình lên Thủ tướng, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 60% số cổ phiếu có quyền biểu quyết ở một số công ty niêm yết.

Một quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hôm 14/11 cho biết dự thảo Quyết định về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg) đã hoàn tất và trình lên Thủ tướng. Có nhiều thay đổi trong dự thảo lần này so với trước đây. Dự thảo mới nhất có 5 nội dung quan trọng liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng nói chung và công ty niêm yết nói riêng, đã được Ủy ban Chứng khoán và các thành viên thị trường thảo luận và nhất trí cao.

Thay đổi đáng chú ý nhất là trong một số trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu lên tới 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty niêm yết. Các dự thảo trước đây chỉ quy định mức sở hữu này đối với đối tác chiến lược của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp trong trường hợp nói trên sẽ phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như: có nhu cầu huy động vốn tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, phương án tăng vốn thông qua phát hành hoặc điều chỉnh sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được Đại hội cổ đông thông qua, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không thuộc diện pháp luật cấm về hạn chế sở hữu nước ngoài, không vi phạm cam kết quốc tế.

Điểm mới thứ hai của dự thảo là quy định nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nắm giữ tối đa 49% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong công ty đại chúng. Nội dung này trước đây quy định là 49% trên vốn điều lệ.

Thứ ba, đối với cổ phiếu không có quyền biểu quyết, nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn khi nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết, miễn là nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua và không cần biểu quyết.

Thứ tư, với chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu sở hữu 100%. Trước đây đối với quỹ đóng, quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49%. Trong dự thảo lần này, không chỉ áp dụng với chứng chỉ quỹ đóng mà mở rộng đối với cả chứng chỉ quỹ mở, quỹ ETF... Trong trường hợp các quỹ có tỉ lệ sở hữu của nước ngoài trên 49% thì được hiểu là nhà đầu tư nước ngoài và phải chịu sự điều chỉnh của luật.

Thứ năm, tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mua nắm giữ công ty chứng khoán tại Việt Nam đến 100% vốn điều lệ, thay vì quy định hiện nay là tối đa 49% và 100%. Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, điều này được hiểu là tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mua nắm giữ công ty chứng khoán tại Việt Nam đến 100% vốn điều lệ, nghĩa là được phép sở hữu cả trên 49% và dưới 100% vốn điều lệ. 

Như vậy sau nhiều lần sửa đổi, tham khảo ý kiến, dự thảo đã đi đến gần chặng đường cuối và đã được trình lên cấp cao nhất. Theo đánh giá của các thành viên thị trường, những thay đổi nói trên mang tinh thần cởi mở, sẽ có lợi cho tất cả các bên tham gia thị trường. 

Nếu các nội dung của Quyết định được ban hành như dự thảo mới nhất, sẽ có tác động mạnh tới thị trường chứng khoán ở những khía cạnh như: tăng thanh khoản, mở ra điều kiện thành lập cho các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ mở thu hút dòng vốn nước ngoà thuận lợi hơn, từ đó dễ huy động vốn từ nước ngoài hơn, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp theo hướng có nhiều nhà đầu tư tổ chức, thêm đất sống cho công ty quản lý quỹ...