10:16 24/11/2007

Nhà đầu tư tầm cỡ của phố Wall

Minh Tuấn

Tại Wall Street, loạt chương trình đầu tư vào nhiều doanh nghiệp NYSE,Yum! Brands... được Kenneth Langone tiến hành thành công

Kenneth G. Langone trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới với số tài sản cá nhân khoảng 1,1 tỷ USD.
Kenneth G. Langone trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới với số tài sản cá nhân khoảng 1,1 tỷ USD.
Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt của Mỹ với muôn vàn khó khăn đan xen, không ít những cơ hội đầu tư thì chỉ những doanh nhân thực sự tài năng mới có thể vươn tới đỉnh vinh quang của sự nghiệp. Và Kenneth G. Langone là một trong số những mẫu doanh nhân như vậy.

Sau đúng 5 thập kỷ trên thương trường, tới năm 2007, Kenneth G. Langone trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới với số tài sản cá nhân khoảng 1,1 tỷ USD, xếp thứ 689 trong bản danh sách do Tạp chí Forbes bầu chọn.

Tại phố Wall Street nổi tiếng thế giới, hàng loạt chương trình đầu tư từ nhỏ tới lớn vào nhiều doanh nghiệp New York Stock Exchange, Yum! Brands... được Kenneth Langone tiến hành thành công. Đặc biệt, đảm nhiệm vai trò cung cấp tài chính, Kenneth Langone chính là một trong những nhân tố quyết định sự ra đời của Tập đoàn bán lẻ Home Depot.

Hiện nay, với tổng thu nhập 90,837 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 5,761 tỷ USD, sử dụng 355.000 nhân công, tầm hoạt động lan tỏa từ 50 bang của Mỹ sang cả Canada, Mêhicô, Trung Quốc, Home Depot hàng năm mang lại cho Kenneth Langone những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Tinh thần cần cù, sáng tạo

Kenneth Langone sinh năm 1935 trong một gia đình người Italia nhập cư tại Thành phố Roslyn Heights, New York, cách Manhattan khoảng 20 dặm về phía Đông. Bố Kenneth Langone làm nghề thợ hàn quanh năm vất vả. Với nguồn thu nhập ít ỏi của mình, ông đã phải làm việc cật lực để nuôi sống gia đình. Còn mẹ của Kenneth Langone, trước đó chỉ là một người nội trợ nhưng do hoàn cảnh cuộc sống gia đình khó khăn cũng phải xin vào làm nhân viên bồi bàn tại quán cà phê gần nhà để kiếm tiền phụ giúp chồng và cho con ăn học.

Mong muốn lớn nhất của bố mẹ Kenneth Langone là làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho cậu có điều kiện đi học, thoát khỏi cảnh khó khăn của cuộc sống sau này. Chứng kiến những vất vả của bố mẹ, Kenneth Langone ý thức được cần phải cố gắng vươn lên bằng con đường học tập. Thậm chí, không cần phải có sự chỉ bảo của bố mẹ, Kenneth Langone tự mình kiếm tiền bằng cách mua một số đồ dùng lặt vặt sau đó mang đi bán rong để kiếm lời.

Công việc bán hàng rong không có gì đặc biệt nhưng Kenneth Langone lại luôn cảm thấy tự tin với những gì đã làm được. Những năm học phổ thông, kinh tế gia đình khó khăn đến mức những dụng cụ học tập bình thường cũng thiếu cộng thêm phải vừa học vừa đi bán hàng nhưng kết quả học tập của Kenneth Langone luôn đạt rất cao.

Tốt nghiệp trung học, Kenneth Langone thi đỗ ngay vào Khoa kinh tế tại trường Đại học Bucknell University. Với mong muốn cho con được tiếp tục theo học đại học, bố mẹ Kenneth Langone phải quyết định bán ngôi nhà đang ở đi và chuyển sang một ngôi nhà nhỏ hơn lấy tiền đóng học cho con.

Trong những năm tháng học đại học, ngoài giờ học trên lớp, Kenneth Langone dành trọn thời gian nghỉ của mình, kể cả ngày chủ nhật để đi làm thêm. Theo như lời kể của chính Kenneth Langone thì ông đã từng làm nhân viên phục vụ trong quán trà và thậm chí là nhân viên bán hàng tại cửa hiệu bán thịt lợn.

Năm 1957, sau 3 năm rưỡi học tại Đại học Bucknell University, Kenneth Langone tốt nghiệp với kết quả trung bình đạt loại giỏi. Kenneth Langone dự định sẽ tìm việc làm để kiếm tiền tiếp tục học chương trình sau đại học, tuy nhiên, theo luật nghĩa vụ quân sự Kenneth Langone đã phải nhập ngũ và trải qua hai năm huấn luyện.

Trong thời gian quân ngũ, thu nhập chỉ có đúng một khoản phụ cấp ít ỏi của người lính hàng tháng vậy mà cho tới khi xuất ngũ, nhờ ý thức tiết kiệm tới mức hà tằn hà tiện của mình, Kenneth Langone vẫn dành dụm được một khoản tiền nho nhỏ. Trở về địa phương, Kenneth Langone được nhận vào làm nhân viên làm việc cả ngày tại Công ty bảo hiểm Equitable Life Assurance Company với mức lương khá cao.

Bằng tinh thần cầu tiến, Kenneth Langone tiếp tục thi đỗ vào học chương trình MBA của trường New York University. Do chương trình học diễn ra vào bốn buổi tối trong tuần nên ban ngày Kenneth Langone vẫn có đủ thời gian làm việc tại công ty. Kenneth Langone chính là thành viên đầu tiên trong gia đình hoàn thành được chương trình MBA.

Thành công và thất bại trong đầu tư

Năm 1961, tốt nghiệp loại ưu chương trình MBA, đây có thể coi là thời kỳ hưng thịnh của phố Wall, các loại hình đầu tư bùng phát cùng với sự tham gia của hàng loạt những doanh nghiệp danh tiếng hàng đầu thế giới đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với Kenneth Langone. Rất tự tin và có phần táo bạo, Kenneth Langone quyết định chọn đây là điểm khởi nghiệp.

Kenneth Langone ngay lập tức được nhận vào làm việc cho Công ty môi giới R. W. Pressprich & Co., Inc. Đây là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực môi giới và đang đạt mức tăng trưởng cao. Được làm đúng chuyên ngành đào tạo cộng thêm tinh thần nhiệt tình với công việc, Kenneth Langone nhanh chóng bắt nhịp được với các hoạt động của công ty.

Thông qua những sáng kiến mang lại nhiều khoản lợi lớn cho công ty, Kenneth Langone được đề bạt lên vị trí Phó giám đốc điều hành của R. W. Pressprich & Co., Inc. Ở vị trí chuyên phụ trách mảng tài chính cho toàn bộ doanh nghiệp, Kenneth Langone sử dụng hệ thống truyền dữ liệu điện tử của Ross Perot để thực hiện thành công các phiên đấu giá phát hành cổ phiếu cho công ty. Năm 1968, với hiệu quả khai thác cao, hệ thống này đã được Ross Perot chuyển nhượng cho hãng xe hơi General Motors.

Trên con đường chinh phục đỉnh vinh quang, Kenneth Langone từng phải trải qua những bài học thất bại. Đó là trường hợp sau khi rời R. W. Pressprich & Co., Inc, Kenneth Langone được mời tới đảm nhiệm vị trí quản lý người quản lý kiêm nhà đầu tư vào doanh nghiệp tài chính Stirling Homex Corp. Doanh nghiệp này thuộc quyền sở hữu của anh em Stirling.

Kenneth Langone bắt đầu công việc bằng tất cả lòng nhiệt tình cũng như những kinh nghiệm của bản thân, tuy nhiên, do sự hợp tác thiếu tính nghiêm túc của anh em Stirling, hầu hết các chương trình hợp tác và thu hút đầu tư của doanh nghiệp do Kenneth Langone khởi sướng đều bị đổ vỡ. Đây có thể coi là một trong những thất bại nặng nề nhất trong sự nghiệp của Kenneth Langone.

Từ sự kiện đó, Kenneth Langone đã rút ra được bài học kinh nghiệm, một triết lí sâu sắc cho những thương vụ sau này: “Vấn đề then chốt đối với một chương trình đầu tư vào ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính là các nguyên tắc phải được đạt lên trước những khái niệm và phải đặc biệt chú ý tới các con số ước định trong các bản hợp đồng”. Rời Stirling Homex Corp, Kenneth Langone quyết định nghiên cứu khả năng của một số doanh nghiệp và dồn tất cả các khoản tài chính vào đầu tư.

Rút ra được những bài học quý báu trước đây, trước khởi động các chương trình đầu tư, Kenneth Langone đều dành một khoảng thời gian để nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ về các doanh nghiệp. Trong những năm sau đó, hàng loạt các chương trình đầu tư thành công đã được Kenneth Langone tiến hành thành công. Đầu tiên là chương trình đầu tư vào doanh nghiệp môi giới đầu tư ngân hàng Park Avenue và doanh nghiệp Invemed Associates.

Đối với 2 doanh nghiệp này, bên cạnh những khoản tài chính lớn, trên cương vị là một trong những thành viên trong ban lãnh đạo, Kenneth Langone còn đưa ra được những kế hoạch phát triển và khai thác thị trường sang nhiều lĩnh vực khác nhau từ lĩnh vực y tế, cung cấp trang thiết bị y tế cho tới lĩnh vực hàng dệt may. Một mạng lưới các bạn hàng quen thuộc nhanh chóng được thiết lập như Ivac, Eli Lily & Co, Unifi...

Cùng với thành công chung của doanh nghiệp, Kenneth Langone vừa khẳng định được vị trí là nhà điều hành chiến lược không thể thiếu của doanh nghiệp vừa thu được những khoản lợi nhuận hàng triệu USD.

Đồng sáng lập Tập đoàn bán lẻ Home Depot

Phát hiện thấy lĩnh vực bán lẻ đang có những triển vọng phát triển rất lớn, trong những năm nửa cuối thập niên 70, Kenneth Langone tính ngay tới việc dồn vốn tìm đối tác thành lập lên một doanh nghiệp bán lẻ. Năm 1978, giữ vai trò là người cung cấp vốn chủ yếu, Kenneth Langone cùng với Bernie Marcus, Arthur Blank, Ron Brill, Pat Farrah thành lập lên Công ty Home Depot đặt tại Atlanta, Georgia, Mỹ.

Trên cơ sở hàng loạt những kho chứa hàng lớn cùng những trang thiết bị bốc dỡ hàng hiện đại, Home Depot vừa đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ gửi và bốc dỡ hàng của rất nhiều các doanh nghiệp vừa trở thành một đầu mối trung tâm bán lẻ lớn tại Mỹ. Theo thời gian, quy mô của doanh nghiệp ngày một lớn, lĩnh vực hoạt động ngày càng đa dạng từ cung cấp dịch vụ lưu trữ hàng, bán lẻ các loại đồ ăn nhanh đến xăng dầu...

Hiện nay, Home Depot đã xây dựng được một mạng lưới các chi nhánh hoạt động tại 50 bang trên nước Mỹ. Hoạt động theo khẩu hiệu “bạn làm, chúng tôi giúp”, tính tới năm 2006, tổng thu nhập là 90,837 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 5,761 tỷ USD và sử dụng 355.000 nhân công, Home Depot trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ tại Mỹ.

Trên đà phát triển bùng nổ, thương hiệu Home Depot vươn ra một số quốc gia trong và ngoài khu vực châu Mỹ như Canada, Mêhicô, Trung Quốc và đảo Guam. Riêng tại Canađa, chi nhánh Home Depot Canada thiết lập được một mạng lưới 159 đầu mối phân phối sản phẩm, sử dụng 30.000 nhân công và là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của hãng bán lẻ bản địa Rona và Lowe's.

Nhằm mục đích quảng cáo cho thương hiệu, Kenneth Langone còn giúp Home Depot ký kết được nhiều bản hợp đồng tài trợ cho các câu lạc bộ bóng đá của Mỹ như Los Angeles Galaxy, Chivas USA, Los Angeles Riptide... Đặc biệt, là các chương trình tài trợ kinh phí, dụng cụ thể thao cho các đội tuyển tham dự nhiều kỳ Thế vận hội Olympic của Mỹ và Canada. Là một trong những cổ đông lớn nhất và cũng là một thành viên trong ban lãnh đạo, trên đà phát triển mạnh của tập đoàn, hàng năm Kenneth Langone được hưởng nhiều khoản lợi nhuận lớn từ Home Depot.

Bên cạnh hàng loạt những chương trình đầu tư kinh doanh, với tài năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lí và marketing của mình, Kenneth Langone còn được mời đảm nhiệm không ít chức vụ quan trọng cho nhiều công ty, tập đoàn kinh tế và cả các trường đại học danh tiếng tại Mỹ. Trong đó phải kể tới vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ChoicePoint, General Electric, New York Stock Exchange, Unifi, Yum! Brands. Thành viên ban giám hiệu của nhiều trường như Bucknell University, New York University, Stern School of Business...

Là một người luôn coi trọng học vấn, trong suốt chặng đường kinh doanh của mình, Kenneth Langone luôn dành nhiều tình cảm cũng như những khoản tài chính lớn cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Từ số tài sản cá nhân trị giá hơn 1 tỷ USD, Kenneth Langone xây dựng lên quỹ học bổng The Langone Program đặt tại trường New York University.

Thông qua The Langone Program, Kenneth Langone từng tài trợ cho trường khoản tiền khổng lồ 6,5 triệu USD để xây dựng lên nhiều chương trình học chuyên sâu về kinh tế, cung cấp được hàng nghìn xuất học bổng cho sinh viên.

Bằng những đóng góp to lớn đó, Kenneth Langone đã vinh dự được nhận Huân chương Albert Gallatin Medal danh giá nhất của trường New York University năm 1999.