09:21 16/08/2013

Nhà nước sẽ trực tiếp giám sát nhiều công trình quan trọng

Từ Nguyên

Cơ quan quản lý chỉ có nhiệm vụ kiểm tra chứ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình

Trong quá trình kiểm tra, nếu cơ quan quản lý phát hiện sai phạm, thiếu 
sót của chủ đầu tư, nhà thầu khiến công trình có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro,
 không đảm bảo an toàn…sẽ tiến hành xử lý và khắc phục kịp thời, thậm 
chí là yêu cầu dừng dự án.
Trong quá trình kiểm tra, nếu cơ quan quản lý phát hiện sai phạm, thiếu sót của chủ đầu tư, nhà thầu khiến công trình có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, không đảm bảo an toàn…sẽ tiến hành xử lý và khắc phục kịp thời, thậm chí là yêu cầu dừng dự án.
Từ ngày 9/9 tới, cơ quan quản lý sẽ trực tiếp giám định chất lượng nhiều công trình dự án xây dựng, giao thông quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng.

Đó là nội dung quan trọng của Thông tư 10/2013 hướng dẫn các quy định của Nghị định 15/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành, có hiệu lực từ 9/9/2013.

Tại buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu về thông tư nói trên, chiều 15/8, Cục phó Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ông Ngô Lâm cho biết, trước khi có Nghị định 15/CP và Thông tư 10/BXD, chủ yếu việc giám sát, giám định chất lượng công trình xây dựng do chủ đầu tư và nhà thầu tự thực hiện, thông qua thuê tư vấn giám sát độc lập…

Tuy nhiên, kể từ 9/9 tới, phần lớn những hoạt động trên sẽ có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

Thông tư này quy định chi tiết việc kiểm tra, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng; phân định rõ về trách nhiệm của các chủ thể tham gia dự án cũng như quy định chi tiết về thủ tục nghiệm thu, phân cấp công trình phục vụ công tác quản lý chất lượng, phân cấp sự cố, xử lý vi phạm…

Với những quy định trên, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiến hành nhiều hoạt động kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành dự án, công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng cấp 3 trở lên, công trình có ảnh hưởng đến an toàn của cộng đồng…

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Giám định Nhà nước, thông tư cũng quy định rõ số lần kiểm tra đối với từng loại công trình nhằm hạn chế tối đa các thủ tục và phiền hà cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đối với công trình cấp đặc biệt, tối đa chỉ 4 lần kiểm tra, giám định, công trình cấp 1 là 3 lần…

Cơ quan quản lý cũng chỉ giám sát, kiểm tra một số khâu quan trọng như thiết kế, thi công các hạng mục quan trọng của công trình, nghiệm thu bàn giao..

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, nếu cơ quan quản lý phát hiện sai phạm, thiếu sót của chủ đầu tư, nhà thầu khiến công trình có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, không đảm bảo an toàn… sẽ tiến hành xử lý và khắc phục kịp thời, thậm chí là yêu cầu dừng dự án.

“Đây là một thủ tục nhưng là thủ tục cần thiết để đảm bảo an toàn chất lượng cho các công trình xây dựng lớn, công trình quan trọng”, ông Lâm nói.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy, liệu sự ra đời của Thông tư 10/BXD có giám sát và phát hiện được các sai phạm của chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các dự án, công trình xây dựng, qua đó có thể loại bỏ được các công trình kém chất lượng, đại diện Cục Giám định cho rằng, sự ra đời của Nghị định 15/CP và Thông tư 10/BXD là một sự hoàn thiện về quy định quản lý chất lượng các công trình, đặc biệt là đã có cơ sở để làm rõ được trách nhiệm của các bên liên quan.

“Tôi cho rằng, đây là cơ cở, là điều kiện để đảm bảo nâng cao chất lượng công trình vì nó sẽ hạn chế được khiếm khuyết của các dự án, công trình xây dựng”, ông Lâm nói.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, chất lượng công trình đều do các bên tham gia như chủ đầu tư, nhà thầu chịu trách nhiệm, bởi tất cả đều có thời hạn bảo hành, tuỳ theo từng loại công trình. Cơ quan quản lý chỉ có nhiệm vụ kiểm tra chứ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, kể cả sau khi đưa vào sử dụng mà xảy ra sự cố.