09:49 25/11/2008

Nhạc trưởng thời kinh tế lạm phát

Trách nhiệm chính trong thiết kế giúp Chính phủ các chương trình phát triển kinh tế hàng năm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trách nhiệm chính trong thiết kế giúp Chính phủ các chương trình phát triển kinh tế hàng năm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trách nhiệm chính trong thiết kế giúp Chính phủ các chương trình phát triển kinh tế hàng năm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
“Đến hôm nay có thể nói, mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát đã được thực hiện. Nhận định như thế không chủ quan, mà là thực tế. Còn không dám nhận định như thế, mà tiếp tục kiềm chế lạm phát thì chết”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét sau đúng bảy tháng ký ban hành tám nhóm biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng để có được chương trình này là cả một câu chuyện.

Đầu quý 1 năm nay, một số thành viên của Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Họ có lý do: nền kinh tế Việt Nam bùng nổ trong năm 2007, một năm sau khi gia nhập WTO, và đà tăng trưởng này cần phải duy trì cho năm 2008.

Tuy vậy, những tín hiệu xấu đã xuất hiện. Nhập siêu của quý 1 bằng cả năm trước, lãi suất ngân hàng thấp hơn nhiều so với tốc độ lạm phát, tỷ giá biến động… Nhận diện những khó khăn đó để thay đổi các mục tiêu kinh tế trong bối cảnh tâm lý lạc quan ngự trị là một vấn đề lớn.

“Lúc đó xuất hiện câu hỏi, đã cần đặt mục tiêu chống lạm phát chưa, hay vẫn duy trì ưu tiên cho tăng trưởng là cả vấn đề khó khăn”, Thủ tướng nhớ lại khi ông gặp quan chức ngành kế hoạch cuối tuần trước.

Trách nhiệm chính trong thiết kế giúp Chính phủ các chương trình phát triển kinh tế hàng năm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc phối hợp thông tin của bộ này với các cơ quan khác, nhất là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nhiều khi “không thông suốt”, “không nhịp nhàng” và “yếu” - như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận, dẫn đến nhận diện không đúng nền kinh tế.

Cho đến tháng 3 năm nay, bộ này mới nhận được số liệu về tổng phương tiện thanh toán và dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2007, nguyên nhân chính gây lạm phát cao, từ Ngân hàng Nhà nước.

Số liệu này làm Thủ tướng “giật mình” như điều trần của ông Phúc trước Quốc hội hồi tháng Năm.

Lúc đó xuất hiện luồng ý kiến cấp cao: nên chuyển chức năng thiết kế các chương trình phát triển kinh tế xã hội về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Nếu vậy, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giảm đi rất nhiều, sau khi tiến hành phân cấp cấp phép đầu tư triệt để hồi tháng 10/2006. Có tin Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước “không dám nhận” sứ mệnh này.

Trong bối cảnh đó, nhóm chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư âm thầm thiết kế bản dự thảo về tám nhóm giải pháp tổng thể kiềm chế lạm phát, bao gồm các chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khoá, giảm nhập siêu...

Bản dự thảo này, sau khi được các bộ góp ý, và được Bộ Chính trị, Quốc hội nhất trí cao, đã được Thủ tướng ký ban hành ngày 17/4. Một thành viên trong ban soạn thảo nhận xét, nếu chương trình ban hành chậm thêm hai tháng, thì tình hình kinh tế hiện nay “chưa biết thế nào”.

Như để ghi nhận điều này, Thủ tướng đã xác nhận lại chức năng của bộ là “tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước” trong Nghị định số 116 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ này, ban hành ngày 14/11 vừa qua.

Ông Phúc cho biết, bộ sẽ cố gắng phát huy vai trò này. Hiện tại, bộ đang chuẩn bị đề án đối phó với xu hướng suy giảm kinh tế trong năm tới để trình Chính phủ trong phiên họp cuối tháng này. Một trong những biện pháp chủ chốt của đề án này sẽ tập trung vào kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Tư Giang (SGTT)