16:57 22/06/2007

Nhân lực kiểm toán “vỗ cánh” bay

Ngân hàng, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư... là những bến đậu mới của kiểm toán viên

Được đào tạo cơ bản về tài chính, các kiểm toán viên nhanh chóng thích hợp trong môi trường chứng khoán.
Được đào tạo cơ bản về tài chính, các kiểm toán viên nhanh chóng thích hợp trong môi trường chứng khoán.
Ông là thành viên ban giám đốc một công ty kiểm toán tên tuổi. Một hôm nhân viên cũ của ông, nay đang làm việc tại một công ty chứng khoán gọi điện hỏi thăm.

Lần thứ nhất anh ta nói chuyện chứng khoán. Lần hai mời ông mở tài khoản giao dịch ở công ty nếu có nhu cầu mua bán cổ phiếu. Lần ba ông được hỏi liệu có ý định chuyển sang làm việc ở lĩnh vực chứng khoán với chức danh giám đốc?

“Thật hết biết. Tụi nó chuyển đi, thỉnh thoảng gọi điện về dụ dỗ những nhân viên còn lại của công ty đã đành. Nay đến mình nó cũng không tha” - ông than thở, rồi nói tiếp: “Kiểm toán đang bị “rút ruột”. Nhân sự kiểm toán khủng hoảng nghiêm trọng!”.

Đàn thiên nga bay đi!

Năm 1994 Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học Tp.HCM tuyển chọn được 14 sinh viên giỏi của khoa Kế toán, Đại học Kinh tế Tp.HCM vào làm. Từ đào tạo tại chỗ cho quen việc, đến tham gia các khóa huấn luyện của nước ngoài, công ty thậm chí gửi các nhân viên đó tham gia dự án đào tạo do Liên hiệp châu Âu tài trợ. Một số người được đưa đi nâng cao kiến thức ở nước ngoài.

Trở về, họ làm việc cho công ty một số năm, đúng như cam kết, nhưng bây giờ thì chẳng còn ai. “Cả đàn thiên nga đã bay mất” - một vị lãnh đạo công ty nói.

Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học Tp.HCM không phải là doanh nghiệp duy nhất bị mất nhân viên. Hầu hết các công ty kiểm toán đều trong tình trạng tương tự. Một công ty kiểm toán khác có 25-30 kiểm toán viên từ năm 2000. Năm nào cũng có 5-10 người thi đậu chứng chỉ, trở thành kiểm toán viên.

Lẽ ra số kiểm toán viên phải tăng gấp đôi, gấp ba. Nhưng không. Đến năm 2007, công ty vẫn chỉ có 25-30 kiểm toán viên. Cứ đào tạo được người mới, thì người cũ giàu kinh nghiệm bị “dụ” đi mất.

Ngân hàng, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư... là những bến đậu mới của kiểm toán viên. Được đào tạo cơ bản về tài chính, các kiểm toán viên nhanh chóng thích hợp trong môi trường chứng khoán. Phần lớn họ còn trẻ, nhưng đã có kinh nghiệm làm việc 3-4 năm trong kiểm toán, nên chứng khoán không quá khó khăn.

Hơn nữa, làm việc ở các công ty chứng khoán giúp họ nắm bắt thông tin nhanh, họ có thể tham gia đầu tư dưới tên người khác. Ngoài ra ở công ty chứng khoán họ được cất nhắc vị trí, thu nhập cao hơn khi công tác tại doanh nghiệp kiểm toán. Ông Nguyễn Quốc Chiến, Phó giám đốc Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học, cho biết: “Nhân viên của tôi cứ qua công ty chứng khoán là làm trưởng, phó phòng hết”.

Năm, sáu năm trước có hiện tượng kiểm toán viên nội địa sang đầu quân cho công ty kiểm toán nước ngoài. Các công ty kiểm toán nước ngoài ở Việt Nam không bị hạn chế bởi quỹ lương. Có doanh nghiệp sử dụng đến 80% doanh thu làm quỹ lương. Kết quả kinh doanh họ lỗ, nhưng nhân viên có thu nhập rất cao. Trong khi đó các công ty kiểm toán trong nước, đặc biệt các công ty quốc doanh đều làm ăn có lãi, nhưng thu nhập của nhân viên thấp.

Nguyên do là Bộ Tài chính khống chế quỹ lương của các đơn vị này tối đa chỉ bằng 36% doanh thu (ở Tp.HCM là 40% doanh thu). Lương thấp, công ty kiểm toán trong nước không giữ được người.

Tuy nhiên bây giờ, các công ty kiểm toán nước ngoài cũng phải “tranh đấu” với các định chế tài chính khác để giữ nhân viên. Các quỹ đầu tư và các công ty quản lý quỹ mới ra đời dám trả lương cao hơn nhiều công ty kiểm toán nước ngoài để có nhân viên giỏi. Cuộc “tranh giành” chất xám kiểm toán đang bước sang một trang mới khá khốc liệt.

Khoảng trống ở giữa

Hiện trạng phổ biến ở các công ty kiểm toán hiện nay là lớp kiểm toán viên đầu đàn, phần lớn qua tuổi 40, có thâm niên hàng chục năm trong nghề, không nỡ bỏ đi. Họ ở lại, gắn bó gầy dựng công ty phát triển.

Nhưng lớp kế thừa họ không có. Lớp kiểm toán viên ở giữa này chính là những người sung sức, có năng lực, nhưng luôn chuyển đi làm nơi khác, để lại khoảng trống hụt hẫng. Các doanh nghiệp tuyển dụng lớp trẻ, chủ yếu vừa ra trường, đào tạo tiếp và truyền kinh nghiệm cho những người này. Lớp trẻ khá sòng phẳng, họ làm việc cho công ty đủ ba năm như cam kết. Khi hết ba năm, đủ lông đủ cánh, họ lại bay đi.

Theo Bộ Tài chính, đến 31/12/2006 cả nước có 888 người có chứng chỉ kiểm toán viên. Đến nay có khoảng trên 1.000 người. Nhưng chỉ 50% số này làm việc trong lĩnh vực kiểm toán. Do nhu cầu kinh tế, các công ty kiểm toán thành lập mới nhiều, song số lượng kiểm toán viên tăng không tương ứng. Thế là nảy sinh nhiều người cho mượn chứng chỉ kiểm toán viên để thành lập công ty (theo quy định một công ty phải có ít nhất ba kiểm toán viên), nhưng họ không có mặt ở công ty đó. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng kiểm toán.

Đế đối phó với nguy cơ bị “rút ruột” ngày càng mạnh, các công ty kiểm toán đang tự gồng mình. Hàng năm, quí 1 là mùa kiểm toán. Các công ty lớn, đủ khả năng kiểm toán các doanh nghiệp niêm yết, phát hành cổ phiếu, tổ chức tín dụng (hiện chỉ khoảng 10 công ty) chỉ nhận chừng 30 khách hàng/đơn vị. Đây là những doanh nghiệp sẵn sàng trả phí cao để đổi lấy chất lượng kiểm toán tương ứng. Nhờ đó các công ty kiểm toán tăng doanh thu và có điều kiện cải thiện thu nhập cho nhân viên. Ngoài ra ở những thời điểm nhàn rỗi trong năm, các công ty tập trung cho đào tạo, huấn luyện. Họ cũng coi trọng các dịch vụ cộng thêm vào thu nhập cho nhân viên như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi...

Song một yếu tố quan trọng ảnh hưởng quyết định đến việc hạn chế “chảy máu chất xám” trong kiểm toán chính là cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp. Có lẽ với mô hình công ty TNHH hiện nay, Nhà nước cần tạo một cơ chế thoáng về lương cho các doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam.