12:59 27/01/2008

Nhân lực ngành đóng tàu mất cân bằng lớn

Dũng Hiếu

Ngành đóng tàu đang đối mặt với nỗi lo nhân lực khi hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 40-60% yêu cầu

Hàng năm tính cả các cơ sở đào tạo từ bậc nghề trung cấp đến đại học, cao đẳng mới chỉ cung cấp được khoảng 600-700 kỹ sư và khoảng 2.000-3.000 công nhân thuộc các ngành nghề gắn liền với công nghiệp đóng tàu.
Hàng năm tính cả các cơ sở đào tạo từ bậc nghề trung cấp đến đại học, cao đẳng mới chỉ cung cấp được khoảng 600-700 kỹ sư và khoảng 2.000-3.000 công nhân thuộc các ngành nghề gắn liền với công nghiệp đóng tàu.
Các trường đại học, cao đẳng đào tạo nhân lực ngành đóng tàu phải phấn đấu tới hết năm 2008, sang đầu năm 2009, mỗi trường phải ký được ít nhất một thỏa thuận về việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên. Với sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ không còn phải than phiền về chất lượng sinh viên nữa.

Đây là mục tiêu cụ thể mà Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đặt ra cho các trường đại học, cao đẳng tại hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực ngành đóng tàu theo nhu cầu xã hội vừa được tổ chức tại Hải Phòng.

Bất cập

Theo Bộ Công Thương, với mục tiêu của Việt Nam năm 2020 sẽ trở thành cường quốc về đóng tàu đứng thứ 4 thế giới. Thế nhưng trước mắt, ngành này lại đang đối mặt với nỗi lo nhân lực khi hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 40-60% yêu cầu.

Hàng năm tính cả các cơ sở đào tạo từ bậc nghề trung cấp đến đại học, cao đẳng mới chỉ cung cấp được khoảng 600-700 kỹ sư và khoảng 2.000-3.000 công nhân thuộc các ngành nghề gắn liền với công nghiệp đóng tàu.

Hiện nay, ngành công nghiệp đóng tàu đang phát triển, các công ty đóng tàu có nhu cầu tuyển dụng lực lượng lao động phục vụ cho công việc này. Thế nhưng nhiều công ty đã không tìm ra nguồn. Đơn cử như Công ty Đóng tàu Hạ Long, năm 2007, cần khoảng 150 đến 200 kỹ sư ngành vỏ tàu và máy tàu thủy, song chỉ tuyển được khoảng 30 kỹ sư.

Theo ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, do sinh viên mới ra trường còn quá nặng về lý thuyết nên doanh nghiệp phải mất một khoảng thời gian từ vài tháng cho đến vài năm để đào tạo lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long, nguyên nhân vẫn là do đội ngũ giảng viên chất lượng chưa cao; điều kiện và môi trường học tập không thuận tiện cho việc thực hành; giáo trình cũ, không cập nhật. Do đó, dẫn đến hậu quả đào tạo không đạt chuẩn, không theo nhu cầu xã hội.

Một vấn đề nữa đang đặt ra cho ngành đóng tàu, hiện ngành đang đứng trước bài toán mất cân đối nhân lực giữa các vùng miền. Sinh viên ra trường cũng chỉ tập trung ở một số địa phương kinh tế biển đang phát triển, còn các khu công nghiệp ở miền Trung như Dung Quất (Quảng Ngãi) lại đỏ mắt đăng tin tuyển dụng mà không có nhân lực.

Cần xây dựng lại chương trình đào tạo

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các bộ, ban, ngành liên quan cần ngồi lại với nhau để xây dựng một chương trình đào tạo nhân lực ngành đóng tàu, rà soát lại quy hoạch các trường, xây dựng các trọng điểm. Hàng năm, sẽ có các hội nghị tổng kết đánh giá để tăng mối liên kết giữa các bên liên quan nhằm tạo hiệu quả giáo dục và hiệu quả sử dụng cao nhất.

Ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, ở các nước phát triển, người ta không còn đóng tàu mà chuyển sang cho các nước đang và chậm phát triển, vì chi phí lao động tại đây rẻ hơn. Họ chỉ tập trung cho nghiên cứu, đào tạo. Do đó, đội ngũ giảng viên và công nghệ của họ sẽ dư thừa.

“Chúng ta có thể thuê công nghệ của họ, thuê giảng viên và cả giáo trình của họ để lấy cơ sở học tập, thực hành. Thậm chí, nếu trình độ ngoại ngữ của ta kém, chúng ta sẵn sàng thuê phiên dịch để có được chất lượng dạy và học cao nhất”, ông nói.

Được biết, cả nước có hơn 5.700 sinh viên đang theo học hệ chính quy thuộc 6 trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành đóng tàu. Ngành đào tạo đóng tàu phấn đấu tới năm 2015 sẽ đạt 50% và 2020 đạt 75% sinh viên tốt nghiệp đại học có khả năng chuyên môn và trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Đến năm 2010, cung cấp hàng năm khoảng 700-1.000 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành có liên quan tới đóng tàu, năm 2015 là 2.000 sinh viên.

Tại hội thảo, 22 thỏa thuận đào tạo nhân lực cho ngành đóng tàu đã được ký kết giữa 7 trường đại học, cao đẳng và các tổng công ty, tập đoàn, công ty, nhà máy... Giai đoạn 2008-2010 sẽ thành lập một Ban điều phối liên ngành (Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông Vận tải, Tập đoàn Vinashin) điều hành chung hoạt động đào tạo, sử dụng nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; trang thông tin điện tử về vấn đề này cũng được xây dựng.