09:51 28/12/2007

Nhân lực tài chính: Nhà trường và doanh nghiệp bắt tay

Lý Hà

Theo ước tính, hiện ngành ngân hàng đang thiếu lượng nhân lực khoảng 30.000 người

Một trong những bất cập lớn nhất của nhân lực tài chính - ngân hàng là sự hạn chế về cả số lượng và chất lượng.
Một trong những bất cập lớn nhất của nhân lực tài chính - ngân hàng là sự hạn chế về cả số lượng và chất lượng.
Theo ước tính, hiện ngành ngân hàng đang thiếu lượng nhân lực khoảng 30.000 người. Dự kiến số lượng chi nhánh của các ngân hàng cổ phần sẽ tăng gấp đôi trong 2 năm tới và như vậy nhân sự cũng phải tăng tương ứng trong giai đoạn 2007-2010.

Đây là con số và dự báo được đưa ra tại hội thảo quốc gia “Đào tạo nhân lực tài chính - ngân hàng theo nhu cầu xã hội” được liên bộ Giáo dục Đào tạo, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội ngày 27/12/2007.

Tại buổi hội thảo này, đã diễn ra lễ ký kết 44 văn bản thoả thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và giữa 6 trường đại học, 2 học viện, 1 trường cao đẳng với 15 ngân hàng và 17 doanh nghiệp.

Theo đánh giá, ngành tài chính - ngân hàng luôn là ngành xương sống của nền kinh tế. Ở Việt Nam lĩnh vực tài chính ngân hàng đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, những bất cập của lĩnh vực này cũng đang trở thành rào cản lớn cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Một trong những bất cập lớn nhất là sự hạn chế về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Hiện Việt Nam có khoảng 300.000 doanh nghiệp, dự kiến đến năm 2010 số lượng các doanh nghiệp sẽ tăng lên khoảng 500.000.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có đến hơn 95% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mà còn về năng lực quản trị tài chính, nhất là đối với các khoản vay, nguồn vốn vay dưới dạng đầu tư bên ngoài.

Phần lớn lãnh đạo và nhân viên của các doanh nghiệp này chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của hệ thống tài chính - kế toán, chưa có báo cáo đầy đủ, minh bạch về tài chính. Nhiều doanh nghiệp mới thành lập, không đáp ứng yêu cầu của hệ thống tài chính - kế toán, thiếu hiểu biết về tài chính, nhân viên không có đủ kiến thức về tài chính, dẫn đến không giám sát được tình hình tài chính và chức năng kế toán của doanh nghiệp mình.

Theo dự kiến đến năm 2010, nhu cầu nguồn nhân lực của các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá khoảng 13.500 người, trong đó lĩnh vực chứng khoán là 5.000 người, bảo hiểm là 3.000 người, kiểm toán là 5.000; lĩnh vực thẩm định giá là 500 người.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long, với sự phát triển này đang đặt ra yêu cầu bức thiết đối với ngành giáo dục đại học nói chung và ngành giáo dục đại học trong lĩnh vực tài chính nói riêng về nhu cầu nguồn lực làm công tác tài chính có trình độ và chất lượng; chủ động liên kết, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, các cơ quan sử dụng lao động để xây dựng, thực hiện chương trình đảm bảo chất lượng.