Nhân rộng mô hình trải nghiệm giải pháp canh tác công nghệ cao
Qua Chương trình này, Đạm Cà Mau mong muốn giúp bà con trải nghiệm bộ sản phẩm chất lượng cao, nắm vững quy trình bón phân
Sau hơn 9 tháng triển khai Chương trình trải nghiệm giải pháp canh tác với phân bón ứng dụng công nghệ tại 142 hợp tác xã và gần 80 hộ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC (mã chứng khoán DCM) đã mang lại những tín hiệu vui cho nhà nông ở khu vực phía Nam.
Qua Chương trình này, Đạm Cà Mau mong muốn giúp bà con trải nghiệm bộ sản phẩm chất lượng cao, nắm vững quy trình bón phân, dần dần thay thế thói quen bón phân chưa hợp lý, so sánh thực tế hiệu quả từ mô hình này với tập quán canh tác trước nay, từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm cho sản xuất nông nghiệp.
Điều này đã thể hiện rõ nét thành công bước đầu từ phía nhà nông ở khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến miền Đông Nam Bộ. Bà con đã trải nghiệm trên nhiều loại cây trồng như lúa, cây ăn trái, rau màu, cây công nghiệp,… và đâu đâu chúng tôi cũng ghi nhận sự đánh giá tích cực từ phía người nông dân cũng như các cấp chính quyền địa phương.
Chương trình được triển khai từ tháng 4/2018 với mô hình thực tế áp dụng là tại các hợp tác xã nông nghiệp rồi triển khai rộng rãi ra đến các xã viên lẫn bà con nông dân lân cận.
Khi tham gia chương trình này, Công ty Đạm Cà Mau cung cấp trọn bộ phân bón Đạm Cà Mau cho nông dân và xã viên trong hợp tác xã với lượng bón vừa đủ cho từng giai đoạn trong suốt mùa vụ, bao gồm các sản phẩm điển hình như: N.Humate+TE 28-5, N46.Plus, NPK 16-16-8+13S+TE, DAP Cà Mau, Kali Cà Mau. Không chỉ mang dòng sản phẩm chất lượng cao đến tận tay bà con nông dân, công ty còn cử đội cán bộ, kỹ thuật viên đến tận đồng ruộng để hướng dẫn, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác cũ, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân hiệu quả.
Với việc làm thiết thực, hiệu quả đó, nhiều nhà nông, lãnh đạo các hợp tác xã đánh giá cao mô hình này. Điển hình như Ông Tô Thành Mong - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thới Tân, huyện Thới Lai, Tp.Cần Thơ đã xây dựng được lòng tin nơi bà con.
Ông Tô Thành Mong chia sẻ: "Ban đầu thuyết phục xã viên cũng khó khăn lắm nhưng rồi mọi việc cũng đã vào nề nếp, các thành viên và bà con nông dân tại địa phương dần tin tưởng và làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên Công ty Đạm Cà Mau. Hiện hợp tác xã sản xuất lúa giống chất lượng cao hơn và từ dòng sản phẩm Đạm Cà Mau giúp nhà nông nơi đây an tâm sản xuất".
Thực tế chứng minh, sau gần 1 năm triển khai chương trình trải nghiệm giải pháp canh tác với phân bón ứng dụng công nghệ, nhiều mô hình trồng lúa và cây ăn trái tại các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ…
Ban lãnh đạo hợp tác xã, bà con nông dân và cán bộ kỹ thuật Công ty Đạm Cà Mau đã tổ chức họp nhóm nông dân để công bố kết quả trình diễn. Nhận xét của nông dân trực tiếp sử dụng sản phẩm cho thấy, màu xanh bền, lá bóng mượt, bộ rễ phát triển mạnh, hạn chế đổ ngã, năng suất cao hơn trên tất cả các loại cây trồng.
Để có được kết quả tích cực như vậy, bên cạnh việc nỗ lực cải tiến cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững của lãnh đạo chính quyền địa phương và tâm huyết của các xã viên, chương trình đã giải quyết được bài toán lớn quan trọng nhất của tất cả các dự án sản xuất đó chính là đầu ra của sản phẩm. Các đơn vị thu mua lớn đã chủ động tham gia cố vấn tiêu chuẩn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong diện tích canh tác của chương trình.
Qua những thành công đó, có thể khẳng định rằng: Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và tập quán canh tác từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học độc hại thiếu kiểm soát sang sử dụng các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm phân hữu cơ sinh học.
Sau hơn 3 tháng gieo trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, mô hình trồng lúa chất lượng cao đạt kết quả tương đối tốt tại nhiều hợp tác xã. Cây lúa sinh trưởng và phát triển đồng đều, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu, đất đai ở địa phương. Thân cây cứng, đẻ nhánh khỏe, tập trung, chống đổ tốt. Bông lúa to, hạt mẩy, bình quân một bông lúa đạt trên 120 hạt, trong đó số hạt chắc chiếm trên 96%; năng suất đạt trên 65 tạ/ha.
Mô hình trải nghiệm canh tác lúa đã góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân, nhất là đối với các khâu gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và định hướng về thị trường tiêu thụ ổn định. Đồng thời giúp người nông dân biết cách lựa chọn các loại phân bón chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường và hiệu quả kinh tế cao.