09:10 06/12/2007

Nhân vụ Samsung, nói chuyện tham nhũng bên Hàn

Kiều Oanh

Có thể nói, tới nay, Hàn Quốc đã phát mệt vì các vụ scandal tham nhũng trong các doanh nghiệp lớn của nước này

Cơ quan chức năng thu thập chứng cớ về quỹ đen tại Samsung.
Cơ quan chức năng thu thập chứng cớ về quỹ đen tại Samsung.
Đối với Choi Hae-Pyung, Giám đốc Green C&C Tech - một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Hàn Quốc, việc lãnh đạo doanh nghiệp của ông trong năm qua cũng giống như chèo lái một con thuyền qua hai cơn bão lớn.

Sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty Trung Quốc và việc đồng Won tăng giá khiến lợi nhuận công ty đã mỏng lại càng mỏng hơn. Tuy nhiên, đó đều là những thử thách mà ông Choi đã lường trước. Điều mà ông không thể dự báo là một vụ scandal.

Trong mấy tuần qua, người khổng lồ Samsung, tập đoàn được coi là “bầu sữa” đối với hàng ngàn nhà cung cấp linh kiện, trong đó có công ty Green C&C Tech của ông Choi, đã chao đảo vì những lời buộc tội tham nhũng. Tháng trước, Kim Yong-Chul, cựu luật sư trưởng của Samsung tố cáo tập đoàn này có một quỹ đen khổng lồ lên tới 217 triệu USD để phục vụ cho mục đích hối lộ.

Theo vị luật sư này, quỹ đen nói trên được lập ra bằng tiền của tập đoàn và ẩn dưới dạng cổ phiếu giả cũng như nằm trong các tài khoản ngân hàng đứng tên các quan chức tập đoàn, trong đó có chính vị luật sư này. Quỹ này được dùng để hối lộ các chính trị gia, cơ quan luật pháp và báo giới, và thậm chí được chi cho bộ sưu tập nghệ thuật của gia đình ông chủ tịch tập đoàn.

Mặc dù Samsung kịch liệt phản đối lời buộc tội này, nhiều người Hàn Quốc tỏ ra vô cùng lo ngại khi thấy tập đoàn vốn là niềm tự hào của họ về sức mạnh xuất khẩu của Hàn Quốc cũng như tiêu chuẩn toàn cầu về trách nhiệm doanh nghiệp, vẫn là “con tin” của “văn hóa tham nhũng”. Hiện các quan chức của Samsung bị cấm không được ra khỏi Hàn Quốc. Cơ quan chức năng liên tục tới kiểm tra các văn phòng của tập đoàn để tìm kiếm các dấu hiệu phạm tội.

Có thể nói, tới nay, Hàn Quốc đã phát mệt vì các vụ scandal tham nhũng trong các doanh nghiệp lớn của nước này. Tuy nhiên, do kinh tế Hàn Quốc vẫn phụ thuộc quá nặng nề vào một số ít các công ty lớn - được gọi là các chaebol - và ảnh hưởng của những “ông lớn” này là quá rộng, người Hàn Quốc lo sợ rằng, việc đối xử “nặng tay” với họ sẽ gây tổn thương đối với chính nền kinh tế nước này.

“Nếu Samsung bị đưa ra xét xử, chúng tôi sẽ bị sốc nặng. Nếu tập đoàn buộc phải cắt giảm đầu tư vì ảnh hưởng của vụ này, những công ty nhỏ như chúng tôi chắc sẽ bị đóng cửa hàng loạt”, Giám đốc Choi than thở.

Chính vì lẽ đó, người dân Hàn Quốc gần như đã quen với việc năm nào nước này cũng cũng chao đảo vì một vụ scandal liên quan tới một trong số các chaebol. Tuy nhiên, kết thúc của mỗi vụ đều là một mức án rất đỗi “nhẹ nhàng”, thường là án treo, cho các quan chức doanh nghiệp có dính líu. Thêm vào mức án “có như không” này là vài lời cảnh cáo từ tòa án rằng, lẽ ra, các quan chức vi phạm sẽ bị trừng phạt nặng tay hơn nếu trước đó, họ không có “những đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước”.

Bởi thế, sau mỗi vụ, tất cả các quan chức này đều trở lại với ghế cũ với vẻ hối hận và những khoản tài trợ lớn cho các tổ chức từ thiện. Rồi họ lại tiếp tục điều hành doanh nghiệp cho tới khi xảy ra vụ scandal tiếp theo. Do đó, nhiều người Hàn Quốc nhận định, chẳng có lý do thuyết phục nào cho thấy, sự việc lần này sẽ khác.

“Điều đáng ngại trong vụ này là mọi người vẫn thường coi Samsung là một trong những doanh nghiệp được quản lý tốt nhất ở Hàn Quốc. Bởi thế, mọi người sẽ đặt câu hỏi là liệu trên thực tế, mức độ tham nhũng ở các doanh nghiệp khác ở Hàn Quốc còn trầm trọng đến mức nào”, Tom Coyner, Chủ tịch công ty tư vấn quản lý Soft Landing Korea, nói.

20 năm trước đây, đương kim Chủ tịch Lee Kun-hee của Samsung tiếp quản tập đoàn này từ cha mình - ông Lee Byung-chull. Là một người có tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Lee đã đưa Samsung từ một hãng chuyên bắt chước các sản phẩm điện tử của Nhật Bản trở thành một tập đoàn hùng mạnh và cạnh tranh quyết liệt với Sony, Nokia và Philips trong các lĩnh vực điện thoại di động, máy tính và TV.

Trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Lee lên nắm quyền năm nay, Samsung không tổ chức hoạt động kỷ niệm nào. Ngoài vụ scandal hối lộ, còn có một đám mây đen khác đang đè lên Samsung. Kế hoạch đầy tham vọng của chủ tịch Lee trong việc chuyển giao ngôi vị lại cho con trai của ông là Jae Yong, giờ đây cũng nằm dưới sự theo dõi chặt chẽ của các cơ quan pháp luật và dư luận.

“Samsung là xương sống của kinh tế Hàn Quốc. Nếu Samsung rung chuyển, nền kinh tế Hàn Quốc cũng sẽ rung chuyển. Nếu Samsung làm được một điều gì đó, điều đó sẽ trở thành tiêu chuẩn. Nhưng Samsung không bao giờ có thể loại bỏ những thói hư tật xấu cố hữu của các chaebol”, Na Seong-lin, một nhà kinh tế tại Đại học Hanyang ở Seoul, nhận định.

Với 59 công ty con và 250.000 công nhân viên trên toàn cầu, Samsung - chaebol lớn nhất Hàn Quốc - có doanh số 160 tỷ USD vào năm 2006, chiếm hơn 1/5 GDP của nước này. Theo Giám đốc Choi, đời sống của hàng triệu người nữa cũng phụ thuộc vào Samsung. Năm ngoái, 70% trong doanh số 13 triệu USD của nhà máy của ông đến từ các chuyến hàng chuyển tới cho “đại gia” này.

Lee Ji-soon, một nhà kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng, ở Hàn Quốc hiện đang diễn ra một xu hướng chung là cải cách các doanh nghiệp lớn. Nhưng chuyên gia này cũng dự báo, trước mắt vẫn sẽ còn những vụ scandal doanh nghiệp, một khi các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong làm ăn nếu không chịu đút lót giới chức.

Nhiều chuyên gia đồng ý với quan điểm cho rằng, các quan chức chính trị độc đoán, hoạt động xét xử thiếu nhất quán, các quy định ít dựa trên thực tế mà dựa nhiều vào các cân nhắc chính trị chốc nhát, cũng như sự thiếu vắng của hoạt động lobby hợp pháp tại Hàn Quốc là những nhân tố buộc các doanh nghiệp ở nước này phải viện đến cách đưa hối lộ.

“Dù cho bản chất sự việc là thế nào đi chăng nữa, Samsung vẫn là công ty “sạch” nhất và cạnh tranh nhất mà Hàn Quốc có thể dựa vào trong bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn như hiện nay”, ông Choi nói. “Nếu Samsung bị tổn thương quá nhiều vì vụ này, điều đó đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ phạm sai lầm theo kiểu “ném chuột vỡ đồ”.

(Theo NYT)