10:05 12/10/2007

“Nhập khẩu dầu sẽ ngày càng tăng”

Đức Long

Theo ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí, lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới

"Năm 2007 này, PetroVietnam dự kiến mua 1 triệu tấn dầu thô từ nước ngoài, nhưng chắc chắn là không thể đạt được".
"Năm 2007 này, PetroVietnam dự kiến mua 1 triệu tấn dầu thô từ nước ngoài, nhưng chắc chắn là không thể đạt được".
Theo ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí, lượng dầu thô nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới.

Thưa ông, ngành dệt may vừa vươn lên thế chỗ dầu khí trở thành lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Có đáng lo ngại không khi Tập đoàn dầu khí lại quá chú trọng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ngoài “chuyên môn” của mình là dầu và khí?

Trong 9 tháng đầu năm 2007, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng PetroVietnam vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, các chỉ tiêu kế hoạch về tài chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về doanh thu và nộp ngân sách Nhà nước. Doanh thu toàn Tập đoàn đã đạt 143.100 tỷ đồng (85% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước); nộp ngân sách Nhà nước 56.900 tỷ đồng (95,2% kế hoạch năm).

PetroVietnam chúc mừng sự tiến bộ của ngành dệt may cũng như nhiều ngành kinh tế khác trong tăng trưởng xuất khẩu. Sự thành công đó đồng thời cũng thúc đẩy chúng tôi phát triển hiệu quả và mạnh mẽ hơn theo định hướng trở thành một Tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.

Một Tập đoàn kinh tế với tiềm lực vốn, tài chính dồi dào sẽ có đủ thực lực để đầu tư phát triển ngành dầu khí lớn mạnh. Minh chứng cho điều này có thể thấy rõ ở mức vốn hóa nhiều công ty thành viên tăng lên hàng chục lần sau khi bán đấu giá cổ phần, cũng như niềm tin vào sự thành công của đợt IPO sắp tới của Công ty Cổ phần Tài chính dầu khí PVFC...

Điều đáng lo ngại là dù Tập đoàn có những thành công trong đổi mới doanh nghiệp như vậy, nhưng nhiều dự án lớn và trọng điểm quốc gia được Nhà nước giao làm chủ đầu tư, trong đó có Dự án lọc dầu Dung Quất lại đang bị chậm tiến độ. Xin ông cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này?

Trước hết, tôi khẳng định là các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí, trong đó có Dự án Dung Quất không bị chậm tiến độ so với kế hoạch của năm 2007 này. Hầu hết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đều được tháo gỡ kịp thời, vì vậy tiến độ triển khai đã được cải thiện so với những năm trước.

Trong chuyến công tác tại công trường Dung Quất vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu PetroVietnam phối hợp với Tổng thầu EPC dồn tiến độ để khắc phục, bù tiến độ chậm trước đây để lại. Do đây là dự án theo hình thức Tổng thầu EPC, nên việc thuê các nhà thầu phụ là toàn quyền của nhà thầu chính, vì vậy không thể can thiệp đến chuyện loại bỏ các nhà thầu phụ kém năng lực.

Phía chúng tôi sẽ tác động đến việc đẩy nhanh tiến độ thông qua các biện pháp hỗ trợ nhà thầu chính, trong đó có việc tính toán bù đắp chi phí để họ không bị thiệt hại, trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia đặt lên hàng đầu. Việc bù đắp chi phí (do giá thành vật tư, thiết bị tăng mạnh trong thời gian vừa qua) nếu không đạt được thỏa thuận giữa hai bên, sẽ thuê tư vấn nước ngoài để đưa ra trọng tài quốc tế xem xét.

Đối với dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, việc đàm phán với các đối tác nước ngoài cũng đã gặp nhiều khó khăn khách quan, đặc biệt là do chi phí tăng cao.

Chúng tôi đã dự kiến hai phương án để trình Chính phủ, trong đó nghiêng về phương án 2: thứ nhất là tiếp tục đàm phán với đối tác nước ngoài; thứ hai là tự đầu tư trong nước. Cả hai yếu tố cần thiết cho phương án 2 đều đã hội tụ được là vốn và nguồn cung dầu thô: đã tìm được 5 cổ đông chiến lược trong nước và 2 đối tác nước ngoài cung cấp dầu thô trong vòng 30 năm.

Từ xuất khẩu dầu thô chuyển sang nhập khẩu, trong diễn biến khan hiếm dài hạn về nhiên liệu của thế giới, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó cạnh tranh được với các đối thủ, thưa ông?

Trong hợp tác đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí, Việt Nam có nhiều thuận lợi từ quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, với Liên bang Nga và các nước SNG cũ, các nước châu Phi, châu Mỹ.

Năm 2007 này, PetroVietnam dự kiến mua 1 triệu tấn dầu thô từ nước ngoài, nhưng chắc chắn là không thể đạt được, trong đó có những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan như đặt cọc, chuyển tiền sang nước ngoài. Trong một thời gian dài nữa, lượng dầu thô khai thác trong nước sẽ được duy trì ở mức khoảng 18 – 20 triệu tấn/năm, và các dự án lọc dầu mới phải dùng nhiên liệu nhập khẩu, vì vậy lượng dầu thô nhập khẩu sẽ ngày càng tăng.

Nhập khẩu khí cũng đã được tính tới để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp cũng như có đối trọng trong đàm phán mua bán khí. Để thực hiện tốt chiến lược này, cần sớm sửa đổi luật, cơ chế đầu tư ra nước ngoài nói chung và đối với dầu khí nói riêng.

Trong 9 tháng đầu năm, PetroVietnam đã ký được 6 hợp đồng dầu khí mới ở nước ngoài (1 dự án qua đấu thầu, 5 dự án qua đàm phán trực tiếp), đưa tổng số các dự án thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn ở nước ngoài lên 13 đề án; đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Kazakstan, Myanmar, Tunisia, Indonesia, Angola, Iran, Nga, Azerbaizan, Belarusia...