16:01 22/07/2008

Nhập khẩu muối: "Ba điểm bất hợp lý"

Nguyễn Huyền

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nói về những bất hợp lý xung quanh việc Việt Nam phải nhập khẩu muối

Năm nay, Việt Nam phải nhập khẩu đến 50% lượng muối ăn để phục vụ nhu cầu trong nước
Năm nay, Việt Nam phải nhập khẩu đến 50% lượng muối ăn để phục vụ nhu cầu trong nước
Ông Nguyễn Thanh Bế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nói về những bất hợp lý xung quanh việc Việt Nam phải nhập khẩu muối.

Năm nay, Việt Nam phải nhập khẩu đến 50% lượng muối ăn để phục vụ nhu cầu trong nước. Đây được xem là một nghịch lý chưa từng có. Đối với Bạc Liêu một tỉnh có diện tích sản xuất muối ăn thuộc diện lớn khu vực ĐBSCL, ông suy nghĩ gì về quyết định cho nhập khẩu muối ăn?

Điều kiện sản xuất muối của Việt Nam nói chung và của Bạc Liêu nói riêng còn rất lớn, nếu chúng ta có quy hoạch, có định hướng tốt thì vẫn có thể mở rộng vùng sản xuất muối để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước kể cả nhu cầu xuất khẩu.

Riêng muối của Bạc Liêu đã được một số nước nhập khẩu đánh giá là có chất lượng cao nhất trong cả nước về muối thực phẩm, Nhật là quốc gia nhập khẩu muối thực phẩm của Bạc Liêu. Trong khi đó, chúng ta lại đi nhập khẩu muối ăn của nước ngoài thì tôi cho rằng đây là một việc làm không hợp lý.

Ông có thể nói rõ những cái không hợp lý đó như thế nào?

Thứ nhất, điều kiện sản xuất muối ăn của chúng ta là rất lớn tại sao chúng ta không đầu tư cho sản xuất, không quy hoạch, không định hướng để mở rộng diện tích tăng sản lượng muối ăn lên mà phải đi nhập khẩu. Nếu làm tốt khâu quy hoạch chúng ta sẽ trở thành nước xuất khẩu muối.

Thứ hai, tôi nghĩ nếu sản xuất trong nước thì giá thành muối thực phẩm sẽ tốt hơn, lại vừa giải quyết được công ăn việc làm, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng muối của người dân trong nước và quan trọng hơn là giải quyết được thu nhập cho diêm dân.

Thứ ba, chúng ta không phải sử dụng nguồn ngoại tệ trong nước cho việc nhập khẩu muối, một mặt hàng mà Việt Nam thừa khả năng sản xuất.

Có ý kiến cho rằng, thiếu muối ăn là do thiếu quy hoạch sản xuất và do tình trạng sản xuất tự phát kéo dài nên đưa đến chuyện nhập khẩu muối như hiện nay? Để hạn chế việc nhập khẩu đến 50% lượng muối ăn, theo ông trước mắt chúng ta cần làm gì?

Tôi đề nghị quy hoạch cho ngành muối cần phải xác định cho rõ, nhu cầu tiêu thụ muối thực phẩm trong nước trước mắt cũng như lâu dài là bao nhiêu. Quy hoạch mỗi tỉnh cần có bao nhiêu ngàn hecta để sản xuất muối và có quy hoạch cụ thể, như vậy thì sản lượng muối sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được.

Trước đây tỉnh Bạc Liêu quy hoạch diện tích sản xuất muối lên đến 5.000 ha, nhưng do ảnh hưởng mấy năm muối được mùa mất giá, đến nay chỉ còn khoảng 2.000 ha. Năm nay giá muối lên cao, năm tới diện tích sản xuất muối của tỉnh có thể tăng nhiều.

Để hạn chế nhập khẩu muối ăn, trước mắt cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phải xác định nhu cầu tổng thể về muối thực phẩm cho trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời xác định vùng sản xuất muối rồi quy hoạch diện tích sản xuất muối của mỗi tỉnh, trên cơ sở đó có đầu tư thỏa đáng thì diêm dân sẽ sản xuất.

Là một tỉnh có kinh nghiệm về sản xuất muối, Bạc Liêu có đề nghị gì về việc quy hoạch sản xuất, về thu nhập của diêm dân và về việc nhập khẩu muối của nhà nước?

Vì đời sống của diêm dân phụ thuộc phần lớn vào giá cả thị trường, do đó, chúng ta quy hoạch sao cho sản lượng muối ăn không bị dư thừa như mấy năm trước đây làm cho giá muối rơi quá thấp. Vì vậy quy hoạch phải gắn với thị trường tiêu thụ và cơ chế điều hành của nhà nước. Nếu những năm sản lượng muối dư thừa thì chúng ta cần có cơ chế dự trữ để giữ giá muối không hạ, giúp cho đời sống của diêm dân ổn định.

Như vậy họ mới trụ được lâu dài với nghề, diêm dân có trụ được thì ngành muối mới phát triển. Riêng đối với giá muối như năm nay, thu nhập của người sản xuất muối khá tốt so với một số ngành sản xuất khác. So với trồng lúa hoặc nuôi tôm thì thu nhập của diêm dân cũng tương đương, nhưng nếu so với những năm trước do giá muối quá thấp, nhiều người không bám theo được nên đã bỏ nghề.

Cho đến nay, Bạc Liêu cũng chưa có chính thức đề nghị gì với Chính phủ. Mấy năm qua diêm dân sản xuất tự phát theo yêu cầu của thị trường, năm nào giá muối tăng cao thì họ mở rộng diện tích, năm nào muối rớt giá thì diện tích sản xuất muối bị thu hẹp lại.

Do vậy, theo tôi, để ngành sản xuất muối đi vào ổn định rất cần có vai trò đầu mối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quy hoạch, điều phối sản xuất để hài hòa giữa cung và cầu thì mới có thể giải quyết được.

Đối với nghề sản xuất muối ở Bạc Liêu gần như hoàn toàn tự phát. Mặc dù tỉnh có quy hoạch nhưng những năm giá muối rớt mạnh, bà con không giữ quy hoạch. Có quy hoạch nhưng không đầu tư cũng không tài trợ giá cho bà con, cho nên những năm muối rớt giá, bà con bỏ nghề chuyển sang nuôi tôm.