09:31 20/12/2007

Nhập khẩu thép phế “tắc” vì luật?

Nguyễn Mạnh

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thép phế đang "lao đao" vì những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường

Do giá quặng sắt cao, nên việc sử dụng thép phế để luyện thép trong lò điện trở nên vô cùng quan trọng.
Do giá quặng sắt cao, nên việc sử dụng thép phế để luyện thép trong lò điện trở nên vô cùng quan trọng.
Giá quặng sắt hiện nay, so với giá năm 2005 đã tăng gấp 3 lần, và dự kiến năm 2008, giá quặng sẽ còn tăng thêm 30% so với năm 2007.

Do giá quặng sắt cao, nên việc sử dụng thép phế để luyện thép trong lò điện trở nên vô cùng quan trọng, nó vừa có ý nghĩa làm sạch môi trường, tái sinh kim loại đã qua sử dụng, vừa có ý nghĩa kinh tế to lớn. Tất cả các nước trên thế giới đều coi thép đã qua sử dụng là nguồn nguyên liệu cho luyện thép chứ không phải là phế thải.

Thế nhưng, trong suốt 3 tháng qua, gần 7.000 tấn thép phế liệu dạng lon, đồ hộp kim loại ép thành khối chứa trong các container với trị giá 2,5 triệu USD do 5 công ty là Công ty Kim khí Tp.HCM, Công ty TNHH Anh Trang, Thép Techmart, Công ty Cổ phần Hòa Phát và Thép Đình Vũ (Hải Phòng) nhập khẩu từ nước ngoài về để cung cấp cho các nhà máy làm nguyên liệu phôi thép đã bị “tắc lại” tại cảng Hải Phòng và cảng Tp.HCM vì lý do vi phạm quy định Luật Bảo vệ môi trường.

Thép phế đang “tắc” ở cảng

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Hiệp hội Thép đã nhận được công văn của một số công ty phản ánh họ đang gặp ách tắc do việc nhập khẩu thép phế liệu (thép mỏng và các loại đồ hộp thu hồi, được đóng thành bánh và được chứa trong các container mà lâu nay các công ty đã nhập nhiều lần và sản xuất có hiệu quả) đang bị giữ lại ở cảng Hải Phòng và cảng Tp.HCM với số lượng 200 container trên 6.685 tấn thép phế. Thời gian lưu giữ đã 3 tháng, vì không được phép thông quan.

Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương yêu cầu tái xuất và phạt hành chính vì cho rằng việc nhập lô hàng này đã vi phạm điều 43 Luật Bảo vệ môi trường “do có tình trạng gỉ nước, có mùi hôi”, trong khi đó, chứng thư giám định của Vinacontrol thì kết luận có thể chấp nhận vì “hàng không có khả năng gây ô nhiễm môi trường, không phải là chất thải nguy hại”, “hàng đã được xử lý để làm nguyên liệu, nhưng chưa được làm sạch hoàn toàn” còn lẫn ít tạp chất “với tỷ lệ nhỏ”.

Tại khoản 2 điều 43 - Luật Bảo vệ môi trường có quy định: Tổ chức cá nhân có đủ các điều kiện sau đây mới được phép nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất: Có kho bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu nhập khẩu bảo đảm các điều kiện về môi trường trong quá trình lưu giữ phế liệu nhập khẩu. Có đủ năng lực xử lý các tạp chất đi kèm với phế liệu nhập khẩu. Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu đạt tiêu chuẩn môi trường và phải được làm sạch.

Tuy nhiên, cụm từ “làm sạch” phế liệu ở điều 43 trên thực tế lại chưa được định nghĩa rõ thế nào là làm sạch và yêu cầu sạch đến mức độ nào. Như vậy, cách hiểu khác nhau về một điều luật giữa các cơ quan chức năng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cần có quy định cụ thể hơn

Đến ngày 21/11/2007, Bộ Công Thương có công văn số 3173 gửi Bộ TNMT và Tổng cục Hải quan, trong đó, nhấn mạnh: “Hiện nay, giá phôi thép và nguyên liệu phục vụ sản xuất đang ở mức cao, giá chào giao dịch phôi thép khoảng 600 – 610 USD/tấn, giá thép phế cũng tăng cao gần 400 USD/tấn và khan hiếm trên thị trường thế giới.

Những năm gần đây, do lượng thép phế trong nước giảm nhiều, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại phải chủ động tìm nguồn hàng và nhập khẩu một lượng lớn thép phế phục vụ sản xuất phôi thép để đáp ứng nhu cầu thép xây dựng cho thị trường trong nước. Đối với loại phế liệu trên, các nước trên thế giới đều sử dụng ép bánh và nấu lại, không rửa sạch cặn hộp trước khi ép.

Với đặc thù trên và do việc liên hệ để tái xuất phế liệu khó khăn và cần phải có thời gian, hàng bị giữ ở kho kéo dài ngày sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi việc sản xuất phôi thép để phục vụ cho nhu cầu thép xây dựng trong nước lại đang rất cần. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị các quý cơ quan khẩn trương xem xét giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Tép Việt Nam để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Yến, đại diện cơ quan giám định Tp.HCM, nhận định: tại điểm a, mục 1 quy định phế liệu được “làm sạch”, nhưng trong tất cả các văn bản đều không có quy định cụ thể thế nào là “làm sạch”, đo đếm ra làm sao, tỷ lệ tạp chất như thế nào? Chúng tôi đồng tình với một số quan điểm, đó là: sạch không có nghĩa là bắt buộc không có các chất bám dính, phế liệu thì đương nhiên phải có tạp chất, không thể sạch hoàn toàn được. Quan trọng là ở đây là phế liệu không được có các chất, vật phẩm...thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Lô hàng mà các cơ quan quản lý nhận xét có “mùi hôi khó chịu”. Đây là một thực tế vì phế liệu đóng trong container kín, sau thời gian vận hành dài ngày, khi mở ra sẽ có mùi hôi. Trên thực tế cũng chưa có văn bản nào hoặc tiêu chuẩn nào quy định mức độ hôi như thế nào là không đạt tiêu chuẩn. Về việc nhập thép phế liệu để sản xuất phôi thép trong Luật Bo vệ môi trường đã được xây dựng trên quan điểm: “sắt phế liệu là chất phế thải”, trong khi trên thế giới đều coi sắt thép phế thải là nguyên liệu.

Chính vì quan điểm đó đã dẫn đến những quy định không rõ ràng về khái niệm “làm sạch, tạp chất, mùi hôi” dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau giữa các cơ quan và đơn vị đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, theo kết quả của cơ quan giám định thì “Lô hàng có thể đưa vào sử dụng để nấu luyện thu hồi thép phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường”, tức là khẳng định lô hàng này có thể đưa vào để nấu luyện thu hồi thép nếu các doanh nghiệp có đủ điều kiện và tuân thủ về bảo quản, nấu luyện, sử dụng phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cơ quan giám định cũng đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm và khẩn trương các lô hàng đã nhập về theo hướng hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Nếu tiếp tục để lâu sẽ gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, càng để hàng tồn lâu, không kịp thời đưa vào xử lý và nấu luyện càng có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, trong vấn đề nhập khẩu thép phế liệu cần nhìn theo hướng cân đối một cách hợp lý giữa phát triển ngành thép, bình ổn thị trường thép và công tác bảo vệ môi trường.