15:57 21/09/2010

Nhật Bản đơn độc trong cuộc chiến hạ nhiệt tỷ giá

An Huy

Thực tế đã cho thấy, nỗ lực đơn phương của một quốc gia trong việc tăng hoặc giảm giá đồng nội tệ có thể phản tác dụng

Nhật Bản đang phải đương đầu với vấn nạn giảm phát.
Nhật Bản đang phải đương đầu với vấn nạn giảm phát.
Giữa tuần trước, Chính phủ Nhật đã khiến thị trường ngoại hối bất ngờ khi lần đầu tiên sau 6 năm có động thái can thiệp nhằm giảm nhiệt tỷ giá đồng nội tệ.

Giới phân tích cho rằng, nỗ lực này của Tokyo có thể mới chỉ là bước đi đầu tiên trong một cuộc chiến đơn thương độc mã kéo dài, bởi các nước đối tác thương mại đều không muốn hỗ trợ Nhật Bản trong vấn đề tỷ giá.

Bộ Tài chính Nhật quyết định dùng đồng Yên để mua vào USD, theo đó kéo tỷ giá Yên/USD giảm xuống, sau khi tỷ giá đồng tiền này đạt mức cao nhất trong 15 năm. Tỷ giá nội tệ cao bị xem là “cơn ác mộng” đối với nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của Nhật Bản, vì xói mòn lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật.

Kết quả của động thái can thiệp trên là mức giảm 2% của tỷ giá Yên/USD trong tuần trước. Tuy nhiên, trong ngày đầu tuần hôm qua và hôm nay, đồng Yên lại rục rịch tăng giá. Sáng nay (21/9) tại thị trường Tokyo, tỷ giá Yên là 85,60 Yên/USD, so với mức 85,69 Yên/USD đóng cửa hôm qua và mức 85,86 Yên/USD đóng cửa tuần trước  tại New York.

Đồng Yên leo thang mạnh thời gian qua là do giới đầu tư toàn cầu xem đây là một kênh đầu tư có độ an toàn cao trong bối cảnh kinh tế thế giới bấp bênh. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới thấp hơn từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, đặc biệt là tại Mỹ, đã làm giảm khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất ở quốc gia khác với lãi suất của Nhật Bản.

Vì thế, giới đầu tư cũng không còn mặn mà như xưa với việc vay đồng Yên để đầu tư vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn - hoạt động từng giúp duy trì tỷ giá đồng Yên ở mức thấp trong suốt thập kỷ qua.

New York Times cho rằng, việc Nhật Bản một mình can thiệp vào thị trường ngoại hối khó có thể tạo ra được sự giảm giá kéo dài của đồng Yên. Giá trị giao dịch ngoại hối toàn cầu đã gia tăng mạnh trong những năm gần đây, khiến việc một chính phủ đơn độc can thiệp vào thị trường ngoại hối khó có khả năng chống chọi được với các xu hướng của thị trường.

Kinh nghiệm của Thụy Sỹ năm nay cho thấy, nỗ lực đơn phương của một quốc gia trong việc tăng giảm giá đồng nội tệ sẽ không phát huy tác dụng như mong muốn, thậm chí là phản tác dụng.

Tương tự như Yên Nhật, đồng Franc Thụy Sỹ cũng được giới đầu tư xem là một “vịnh tránh bão” và vì thế đã tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có bất ổn. Tháng này, đồng Franc Thụy Sỹ đã đạt mức tỷ giá kỷ lục so với Euro.

Để giảm giá đồng nội tệ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Thụy Sỹ đã bán ra đồng Franc, mua vào đồng Euro, bổ sung vào dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) đã thua lỗ hơn 14 tỷ Franc (tương đương 14 tỷ USD) do đồng Euro mất giá. Vì lý do này, Thụy Sỹ đã chấm dứt những nỗ lực can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Hãng tin BBC cũng đưa ra thêm một số dẫn chứng về thất bại của các quốc gia khác trong việc đơn lẻ can thiệp vào thị trường ngoại hối. Năm ngoái, nước Nga được cho là đã tung ra 210 tỷ USD, để duy trì mức tỷ giá 41 Rúp so với rổ ngoại tệ gồm USD và Euro. Tuy nhiên, hiện nay, mức tỷ giá đang là 34,86 Rúp so với rổ ngoại tệ này.

Một ví dụ không thể không nhắc tới là vào năm 1992, nước Anh đã nỗ lực mua vào nhiều tỷ Bảng mỗi ngày nhằm bảo vệ địa vị của đồng nội tệ trước sự “tỏa sáng” của đồng Mark Đức. Tuy nhiên, giới đầu cơ tiền tệ toàn cầu vẫn ồ ạt bán ra đồng Bảng, khiến tỷ giá đồng tiền này lao dốc thảm hại.

Một nhà giao dịch tiền tệ khi đó còn ít tên tuổi - nay là tỷ phú nổi tiếng George Soros - được cho là đã bỏ túi cả tỷ USD nhờ bán khống đồng Bảng, còn nước Anh thì hứng chịu một thất bại cay đắng.

Cũng theo BBC, bản thân Nhật Bản cũng đã thất bại khi can thiệp vào thị trường ngoại hối cách đây 6 năm. Khi đó đồng Yên vẫn tăng giá, bất chấp Tokyo mua vào đồng USD suốt 15 tháng ròng rã.

“Chính phủ Nhật cần hành động thật nhanh và thật mạnh, vì khi thời gian trôi đi, tác động của tuyên bố can thiệp vào thị trường sẽ nhạt dần. Để việc can thiệp này thực sự có hiệu quả, cần phải có sự phối hợp toàn cầu”, ông David Bloomber, một chuyên gia của hãng nghiên cứu FX Strategy Research, phát biểu với New York Times.

Theo nhà kinh tế học Nouriel Roubini, lịch sử đã cho thấy, sự phối hợp hành động giữa các ngân hàng trung ương có tác dụng tốt hơn hành động đơn phương. Nhưng ông cho rằng, điều này sẽ không xảy ra trừ phi có sự tham gia của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Bên cạnh đó, sự phối hợp đó còn là điều khó xảy ra vì một lẽ, động thái can thiệp của Nhật Bản lại đi ngược với xu hướng gần đây của các nền kinh tế lớn là tránh thao túng thị trường và để thị trường quyết định tỷ giá các đồng tiền. Chẳng hạn, nước Mỹ đã và đang gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ, vì đồng Nhân dân tệ bị cho là đang được định giá thấp hơn giá trị thực so với USD.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan không phải là người có chủ trương can thiệp thị trường ngoại hối, khác với đối thủ Ichiro Ozawa của ông trong cuộc đua giành ghế Chủ tịch đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền diễn ra hồi tuần trước.

Bởi thế, khi ông Kan giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này, thị trường đã hầu như không còn kỳ vọng ở khả năng Tokyo can thiệp nhằm giảm tỷ giá đồng Yên. Tuy vậy, ông Kan đã bất ngờ hành động, cho thấy những áp lực căng thẳng trong việc cần phải hỗ trợ các nhà xuất khẩu và nền kinh tế.

Ngoài ra, các quốc gia khác cũng không muốn ủng hộ những nỗ lực của Nhật Bản, vì muốn duy trì tỷ giá đồng tiền của họ ở mức thấp nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Ngay sau khi Tokyo can thiệp vào thị trường, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu đã lên tiếng chỉ trích động thái trên của Chính phủ Nhật.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, Thủ tướng Luxembourg kiêm Chủ tịch nhóm bộ trưởng bộ tài chính khối các nước dùng đồng Euro (Eurozone), ông Jean-Claude Juncker, ngày 16/9 đề nghị Tokyo chấm dứt việc “đơn phương can thiệp” vào thị trường tiền tệ.

Trước đó, vào ngày 15/9, Hạ nghị sỹ Mỹ Sander Levin cho rằng, hành động của Nhật Bản là “gây xáo trộn”, còn Thượng nghị sỹ Christopher Dodd thì nhận định, với cách làm như vậy, Tokyo đã vi phạm các thỏa thuận quốc tế.

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Yoshihiko Noda đã lên tiếng bảo vệ lập trường của Chính phủ Nhật. “Tôi nhận thức được thái độ của các bên trong vấn đề này. Nhưng với tình trạng giảm phát, nền kinh tế của chúng tôi đang suy yếu và không phải là điều phù hợp nếu đồng Yên duy trì tỷ giá cao trong một thời gian dài”, ông Noda phát biểu hôm 16/9.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đồng Yên giảm giá sau khi Tokyo can thiệp thị trường chẳng qua là do các nhà đầu tư bán ra đồng tiền này với kỳ vọng Chính phủ Nhật sẽ có thêm các biện pháp nhằm kiểm soát tỷ giá. Giới giao dịch tiền tệ ước tính, số tiền mà Bộ Tài chính Nhật bơm ra thị trường trong đợt đầu để mua USD là vào khoảng 300 - 500 tỷ Yên (tương đương 3,5 - 5,8 tỷ USD).

Theo các nhà phân tích, ít có khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) cân bằng động thái bơm tiền của Bộ Tài chính nước này bằng cách hút tiền về thông qua các nghiệp vụ thị trường mở, bởi lẽ, giảm phát thay vì lạm phát đang là một gánh nặng của Nhật Bản.