Nhật Bản thành lập quỹ nghiên cứu 6G
Cuộc chạy đua nghiên cứu và phát triển mạng di động thế hệ mới 6G đang nóng lên trên toàn cầu, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc đều có kế hoạch đầu tư lớn ...
Nhật Bản đang thành lập một quỹ dành riêng hỗ trợ nghiên cứu mạng không dây thế hệ tiếp theo 6G khi nước này tìm cách thúc đẩy đầu tư tư nhân vào tiêu chuẩn mạng tương lai.
Theo báo Nikkei, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật sẽ dành 66,2 tỷ yên (450 triệu USD) trong ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa 2023. Được thành lập tại Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia, quỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G.
Công nghệ 6G hứa hẹn cung cấp tốc độ truyền thông nhanh hơn 10 lần so với tiêu chuẩn 5G hiện tại. Công nghệ này được cho là giảm tiêu thụ điện năng và có thể giúp thúc đẩy các nỗ lực khử cacbon. Dự kiến mạng 6G sẽ phát hành vào khoảng năm 2030.
Theo Bộ Truyền thông, Huawei của Trung Quốc, Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan kiểm soát hơn 70% thị trường toàn cầu đối với các trạm gốc di động.
Trong khi các công ty Nhật Bản đang cạnh tranh để sử dụng các trạm gốc này, các đối thủ nước ngoài hiện đang thống trị lĩnh vực này.
Nhật Bản có bí quyết công nghệ tiên tiến trong truyền thông quang học, dự kiến sẽ tạo thành xương sống của mạng 6G. Bằng cách hỗ trợ các nỗ lực R&D, chính phủ đang tìm cách củng cố lợi thế công nghệ của mình.
Cuộc chạy đua phát triển toàn cầu đang nóng dần lên. Liên minh châu Âu đang đầu tư 900 triệu euro (889 triệu USD) vào nghiên cứu và phát triển mạng di động thế hệ mới từ năm 2021 đến năm 2027. Đức đang đầu tư 700 triệu euro vào nghiên cứu của riêng mình, từ năm 2021 đến năm 2025, và Trung Quốc cũng có kế hoạch đẩy mạnh nghiên cứu.
Theo Nikkei đưa tin từ hồi tháng 3/2022, các công ty Nhật Bản như Toyota Motor, NEC và các công ty khác sẽ tham gia một nhóm do chính phủ hậu thuẫn để đề xuất các yêu cầu công nghệ đối với truyền thông không dây thế hệ thứ sáu. Dự kiến ra mắt vào những năm 2030, 6G sẽ cho phép các dịch vụ như lái xe hoàn toàn tự động và phẫu thuật từ xa yêu cầu truyền dữ liệu nhanh chóng, khối lượng lớn và độ trễ thấp.