10:13 15/04/2009

Nhạy cảm lãi suất cơ bản

Dương Ngọc

Lãi suất cũng là một loại giá (giá vốn), là một công cụ quan trọng có tác động đến lạm phát

Giao dịch tại Vietcombank - Ảnh: Việt Tuấn.
Giao dịch tại Vietcombank - Ảnh: Việt Tuấn.
Lãi suất cũng là một loại giá (giá vốn), là một công cụ quan trọng có tác động đến lạm phát.

Điều hành lãi suất có hai cơ chế: cơ chế lãi suất thỏa thuận (tự do hóa lãi suất) và điều hành thông qua lãi suất cơ bản. Hiện có hai vấn đề liên quan đến lãi suất cơ bản, đó là có nên duy trì lãi suất cơ bản không và có nên hạ lãi suất cơ bản xuống nữa không?

Lãi suất cơ bản hay tự do hóa lãi suất?

Gần đây, xuất hiện hai loại ý kiến liên quan đến lãi suất cơ bản. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên duy trì cơ chế điều hành lãi suất cơ bản, mà nên thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận (tự do hóa lãi suất), với lý do tạo sự chủ động xác lập lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay cho các ngân hàng thương mại theo cơ chế thị trường.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần phải duy trì cơ chế điều hành bằng lãi suất cơ bản. Người viết nghiêng về loại ý kiến thứ hai, với một số lý do chủ yếu sau đây.

Trong lĩnh vực lãi suất, “bàn tay vô hình” của thị trường là tự do hóa lãi suất, là để cho thị trường tự điều tiết, gần như không có sự can thiệp của “bàn tay hữu hình” của Nhà nước.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu phát tác, những nước lâu nay nhấn mạnh đến “bàn tay vô hình” của thị trường, đã bắt đầu nhận ra phải có sự can thiệp của Nhà nước; để giải cứu và kích thích kinh tế, cứu thị trường, khi “bàn tay vô hình” bị thương tật.

Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị Thượng đỉnh G20 mới đây là thống nhất phải có sự điều tiết mới đối với hệ thống tài chính.

Nhiều nước đã sử dụng công cụ “lãi suất cơ bản” một cách đắc lực và hữu hiệu. Điển hình là Mỹ, vào năm 2001, sau 10 năm tăng trưởng liên tục, kinh tế Mỹ bước vào khủng hoảng chu kỳ, cộng hưởng với sự kiện 11/9, nên tăng trưởng đã bị sụt giảm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục hạ lãi suất cơ bản từ 6,75% xuống còn 1% để các ngân hàng thương mại đẩy vốn ra kích thích tăng trưởng kinh tế. Khi lãi suất giảm, tiền vốn đẩy ra nhiều, lạm phát tăng, thì lãi suất cơ bản lại liên tục được đẩy từ 1% lên 5,5% để kiềm chế lạm phát.

Khi lãi suất tăng, những khoản đầu tư (đặc biệt là đầu tư vào nhà đất) được vay với lãi suất thấp trước đó làm cho bong bóng bị xì hơi, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính suy giảm kinh tế, FED lại liên tục hạ lãi suất cơ bản xuống 0-0,25%, tới mức không còn chỗ để hạ được nữa, đồng thời liên tiếp tung ra gói tài chính khổng lồ để giải cứu và kích thích kinh tế.

Nhiều chuyên gia đã dự đoán, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi, tuy chậm hơn và khi kinh tế phục hồi thì khả năng lạm phát sẽ quay trở lại.

Việt Nam đã đưa ra lãi suất cơ bản, sau 28 tháng không thay đổi (ở mức 8,25%) và gần như chỉ để “trưng bày”, gần như không được các ngân hàng thương mại coi là chuẩn để định ra lãi suất chung; từ tháng 5/2008 đã được Ngân hàng Nhà nước chính thức sử dụng làm công cụ chủ yếu điều hành lãi suất trên thị trường tiền tệ.

Khi lạm phát được chặn lại, đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế, lãi suất cơ bản đã được liên tục cắt giảm và đã được giữ ở mức 7% trong mấy tháng nay.

4 lý do chưa nên hạ lãi suất cơ bản

Người viết cho rằng chưa nên hạ lãi suất cơ bản vào thời điểm hiện nay còn bởi một số lý do.

Một là, việc hạ lãi suất sẽ tác động xấu đến các ngân hàng thương mại, mà sự ổn định của hệ thống ngân hàng là điểm cốt tử của nền kinh tế.

Hai là, lạm phát của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm ẩn do hiệu quả đầu tư thấp và giảm (hệ số ICOR năm 2007 là 5,4 lần, năm 2008 lên 6,9 lần, khả năng năm nay còn cao hơn); năng suất lao động còn thấp.

Từ cuối năm ngoái, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa được nới lỏng. Từ đầu năm, với Quyết định 131/QĐ- TTg về hỗ trợ lãi suất 4% cho vay vốn lưu động với kỳ hạn 8 tháng, tính đến nay kéo một lượng vốn lớn trên 202 nghìn tỷ đồng từ ngân hàng ra lưu thông và sẽ tăng mạnh trong quý 2 này; mới đây với Quyết định 443/QĐ- TTg về hỗ trợ lãi suất 4% cho vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng với thời hạn 24 tháng.

Việc điều chỉnh lương và trợ cấp theo Nghị định 33, 34/NĐ- CP, tuy chỉ là sự bù đắp trượt giá và số đối tượng chỉ chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng với tổng số tiền không nhỏ; trong khi tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP cao gấp trên 1,5 lần năm trước,...

Ba là, trên thế giới, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại với ba nguyên nhân. Lãi suất của các nước đều đã xuống ở mức khá thấp. Một lượng tiền khổng lồ từ các gói tài chính của các nước được đưa ra để giải cứu và kích thích kinh tế. Nhu cầu sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng trở lại khi cuộc khủng hoảng chạm đáy, vượt dốc đi lên và phục hồi.

Bốn là, lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh so với đỉnh điểm, hiện không còn đủ hấp dẫn để hút tiền từ lưu thông về. Nếu hạ lãi suất cơ bản xuống nữa thì các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất tiết kiệm, dẫn đến đồng tiền sẽ không được gửi vào ngân hàng mà được đưa vào các kênh khác, tạo nên các cơn sốt nóng, lạnh của kênh này...