10:54 01/04/2008

Nhảy việc thời “bão giá”

Ra chợ, giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh; về nhà trọ, chủ nhà thông báo lên giá phòng, nhiều công nhân nhảy việc

Một số lao động tự tìm đến một công ty nộp hồ sơ xin việc.
Một số lao động tự tìm đến một công ty nộp hồ sơ xin việc.
Ra chợ, giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh; về nhà trọ, chủ nhà thông báo: “Từ tháng sau lên giá phòng, không bao tiền nước, không hỗ trợ tiền điện...”.

Dương, công nhân Công ty Cheng Neng, băn khoăn rồi nhìn vào túi lương cạn nhanh vì “bão giá” và tính đến... nhảy việc.

Và đó không phải là tình cảnh cá biệt hiện nay của nhiều lao động trẻ, công nhân ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Tp.HCM.

Săn lương thời tăng giá

Nguyễn Thị M., công nhân công ty may mặc C (Khu công nghiệp Sóng Thần), đã làm được bốn năm với mức lương cơ bản trên 1,4 triệu đồng. Nhưng một buổi đi làm về, thấy Công ty D tuyển lao động có tay nghề với mức lương cơ bản trên 1,6 triệu đồng, M. nảy sinh ý nghĩ đổi việc. Hôm trước nộp hồ sơ thì ngay hôm sau Công ty D đã mời ký hợp đồng. Chị M. cho biết: “Phải chuyển việc chứ chúng tôi không thể sống được khi tổng mức thu nhập quá thấp”.

Những ngày này hàng trăm công nhân vẫn đến cổng các công ty ở Khu công nghiệp Sóng Thần, Đồng An, Việt Hương, VSIP... xem thông tin tuyển dụng. Hàng loạt bảng thông báo chế độ đãi ngộ công nhân của các công ty khát lao động treo đầy các tuyến đường.

Bạn Nguyễn Thị Thanh cho hay: “Trước đây mình làm Công ty C ở Khu công nghiệp Đồng An. Hằng tháng, cả lương và tiền tăng ca chưa đến 1,1 triệu đồng, sống chật vật lắm”. Còn Phan Thanh Linh, công nhân Công ty P, chia sẻ âu lo: “Ở công ty cũ lương cơ bản 1,2 triệu đồng/tháng nhưng lại không tăng ca mà chỉ làm giờ hành chính. Hôm trước mình đã nộp hồ sơ ở một công ty khác thường xuyên tăng ca nên có điều kiện tăng thêm thu nhập”.

Thực tế hiện nay công nhân nhảy việc không còn là hiện tượng lạ, nhảy việc vì nhiều lý do khác nhau: cơ hội làm việc tốt hơn, vì người quản lý hay cáu gắt, vì mức lương của công ty sau quá hấp dẫn...

Sau gần ba ngày chạy so sánh chế độ giữa các công ty, anh Phan Thiện lật tờ giấy đắn đo để chuyển việc: “Công ty thể thao AL ngoài mức lương căn bản 930.000 - 980.000 đồng còn có tiền chuyên cần, quà tặng 8-3; Công ty Ch tuyển cả công nhân không có tay nghề để đào tạo và sau một tháng thử việc có công việc ổn định với thu nhập hơn 1,4 triệu đồng. Đã thế còn phục vụ ăn miễn phí, cơ hội đào tạo phát triển và thăng tiến, tăng lương hằng năm, môi trường làm việc sạch đẹp, an toàn và lành mạnh. Công ty Việt Nam thu nhập tối thiểu 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng...”.

Níu chân người lao động

Theo nhiều trung tâm giới thiệu việc làm ở Bình Dương, Đồng Nai, hiện nay công nhân phổ thông đang thiếu nặng, trong khi số công nhân nhảy việc cũng khá lớn, nhất là trong thời “bão giá”. Có công ty có gần 1.000 công nhân xin nghỉ việc. Giám đốc một công ty ở Khu công nghiệp Đồng An cho biết: xu hướng này được xác định là do những lời “chiêu dụ” hấp dẫn hơn từ các công ty cạnh tranh và do nhu cầu thu nhập của mỗi người.

Trước thực trạng thiếu hụt lao động, hàng loạt doanh nghiệp đã sẵn sàng trả phí cho công nhân nào giới thiệu được công nhân vào làm việc ở công ty. Ở Công ty E thuộc Khu công nghiệp Sóng Thần 1 thông báo: Sẽ trả cho công nhân 100.000 đồng nếu giới thiệu được một người lao động có tay nghề và 50.000 đồng cho lao động chưa qua đào tạo.

Khuyến khích như thế nhưng mấy tháng qua công ty vẫn không thể tuyển đủ lao động. Không ít doanh nghiệp đã tính đến việc nâng lương cho công nhân mới ngang bằng với công nhân cũ. Song đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt cuộc đình công, lãn công trong tháng qua vì... tăng lương không công bằng.

Bên cạnh đó, không ít trường hợp nhảy việc do “đứng núi này trông núi nọ”. Chỉ cần thấy ở đâu đó có công việc đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn thì họ sẵn sàng “nhảy”, mà điều nay đang trở thành xu hướng và ý nghĩ chung của nhiều công nhân thế hệ 8X.