23:53 05/08/2008

Nhiên liệu sinh học đang được chú ý

Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 đặt ra mục tiêu đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước

Nhiên liệu sinh học đã có chỗ đứng vững chắc hơn. Trong ảnh là một trạm xăng có cung cấp nhiên liệu sinh học tại Mỹ.
Nhiên liệu sinh học đã có chỗ đứng vững chắc hơn. Trong ảnh là một trạm xăng có cung cấp nhiên liệu sinh học tại Mỹ.
Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu truyền thống ngày càng cạn kiệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng và đang quan tâm nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Phát biểu tại một hội thảo về phát triển nhiên liệu sinh học trong nông nghiệp tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng trong tương lai không xa, nguồn dầu thô sẽ cạn kiệt, các nguồn năng lượng truyền thống như điện, nước không đủ cung cấp, than đá cũng giảm, năng lượng hạt nhân không đủ cho nhu cầu lớn. Khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy giá dầu lên cao và Việt Nam không thể nhập khẩu nhiều hơn 15-17 triệu tấn/năm.

Cũng như nhiều quốc gia khác, việc sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gas sinh học đang là những giải pháp đang được áp dụng tại Việt Nam. nhưng sản lượng còn thấp và qui mô không lớn.

Trong khi đó, tiềm năng để phát triển nhiên liện sinh học tại Việt Nam hiện vẫn còn khá lớn với nhiều loại cây trồng có thể làm nguyên liệu như mía, sắn, tảo, cây cọc rào, dầu ve... Ngoài ra, còn một lượng khá lớn phụ phẩm có thể sản xuất nhiên liệu thay thế xăng dầu như hạt cao su, mỡ cá, dầu mỡ đã qua sử dụng.

Trong số này, cây cọc rào (jatropha) có nguồn gốc từ Nam Mỹ đã được di thực vào Việt Nam khá lâu, hàm lượng dầu sinh học cao, thích ứng với nhiều vùng sinh thái ở Việt Nam. Dầu ép từ hạt jatropha có ưu điểm tính chất hoá-lý rất thích hợp để làm bio-diesel.

Thừa nhận những lợi ích kinh tế và môi trường của việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây lương thực và các cây trồng khác nhưng nhiều đại biểu tham gia hội thảo cũng bày tỏ lo ngại về việc đảm bảo chính sách an ninh lương thực trong bối cảnh diện tích đất canh tác đang bị thu hẹp, và Việt Nam hiện vẫn đang phải nhập khẩu một số lương thực như ngô.

Tại hội thảo do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách Nông nghiệp và Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp tổ chức này, nhiều đại biểu khác cũng nhấn mạnh đến một chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học với mức chi phí thấp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, giảm tối thiểu hỗ trợ của nhà nước và coi sinh học như các năng lượng khác.

Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt từ tháng 11/2007 nhằm phát triển dạng năng lượng tái tạo mới này thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Một trong những mục tiêu của đề án đạt sản lượng ethanol và dầu thực vật khoảng 250 ngàn tấn, đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước vào năm 2015.

(Theo TTXVN)