23:43 16/05/2008

Nhiều ngân hàng khẳng định khả năng thanh khoản

Minh Đức

Thông tin từ một số lãnh đạo ngân hàng thương mại khẳng định khả năng thanh khoản vẫn đảm bảo an toàn

Giao dịch tại Sacombank.
Giao dịch tại Sacombank.
Thông tin từ một số lãnh đạo ngân hàng thương mại khẳng định khả năng thanh khoản vẫn đảm bảo an toàn.

Trong tuần này, lãi suất trên thị trường ngân hàng bước vào đợt biến động mới, tập trung ở loại hình không kỳ hạn hoặc tiền gửi qua đêm.

Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông điệp tăng cường hỗ trợ thanh khoản cho những thành viên khó khăn thông qua tái cấp vốn và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày.

Những diễn biến trên khiến thị trường xuất hiện một số lo ngại nhất định về khả năng thanh khoản của một số thành viên trong hệ thống; nhất là trong bối cảnh cầu vốn đang diễn ra khá căng thẳng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), khả năng mất thanh khoản tại các ngân hàng có chiến lược phát triển bền vững hiện nay là không đáng quan ngại như trước.

Ông Thành cho biết, theo chuẩn mực thanh toán hiện nay, khả năng thanh toán của các ngân hàng được tính bằng công thức tổng tài sản có đến hạn/tổng tài sản nợ đến hạn; đối với thời hạn thanh toán trong vòng 1 tuần thì tỷ lệ này chỉ cần bằng 1 lần, trong vòng 1 tháng là 0,25 lần.

Riêng tại Sacombank, tỷ số trên lần lượt là 2,4 lần đối với tuần và 0,95 lần đối với tháng, ở mức cao và đảm bảo an toàn chung của hệ thống. Tại một số ngân hàng khác, theo ông Thành, mặt bằng chung là 1,7 lần đối với tuần và 0,75 lần đối với tháng.

Về câu chuyện thanh khoản hiện nay, lãnh đạo một số ngân hàng khác cũng cho biết khả năng thanh toán của ngân hàng mình vẫn đảm bảo an toàn với các hình thức dự phòng và nguồn vốn hiện có.

Theo ông Phạm Anh Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), thanh khoản của ngân hàng thời điểm này không bị thiếu hụt. Thậm chí SCB hiện còn có số dư tiền gửi gần 2.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo ổn định nguồn vốn.

Tại Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê khẳng định nguồn vốn khả dụng hiện vẫn khá ổn định. Ngoài ra ngân hàng này còn có dự phòng từ nguồn dự trữ giấy tờ có giá để đảm bảo khả năng thanh khoản, thông qua thị trường mở trong trường hợp cần thiết…

Điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận

Tuy nhiên, trước thực tế “căng vốn” hiện nay, nhiều ngân hàng cũng đã xem xét lại cơ cấu của hoạt động tín dụng, siết lại một số lĩnh vực cho vay như đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Mặt khác, việc siết lại dư nợ cũng nằm trong định hướng tuân thủ tỷ lệ 30% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm nay.

Và trước bối cảnh khó khăn chung của hoạt động ngân hàng năm nay, nhiều thành viên cũng đã lần lượt xem xét điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận để phù hợp với tình hình mới.

“Với Sacombank, chúng tôi đã xác định chủ trương hy sinh một phần mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận để chống lạm phát, thay đổi mục tiêu từ tăng tốc nhanh, hiệu quả đến tập trung cao nhất cho mục tiêu an toàn trong các mặt hoạt động như thanh khoản, quản lý rủi ro, tăng trưởng tín dụng… để đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững dài hạn”, ông Thành nói.

Ngoài ra, một số lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh của ngành đang có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn do bối cảnh thị trường và tác động chung của kinh tế thế giới.

Hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2008, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận vẫn có thể đạt đến con số nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2007; Ngân hàng Á châu (ACB) xây dựng kế hoạch lợi nhuận 2.500 tỷ đồng; Sacombank dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng…

Và ở thời điểm này, có một nguồn vốn mới ít được đề cập tới thời gian qua là một số ngân hàng thương mại đang có thêm thuận lợi được “tích lũy” từ trước đó nhờ một khối lượng lớn công trái giáo dục năm 2003 đáo hạn.

Tổng giá trị của 2 đợt phát hành trong năm 2003, kỳ hạn 5 năm, là 5.300 tỷ đồng, bắt đầu thực hiện thanh toán từ ngày 5/5 vừa qua với lãi suất lên tới 68%/5 năm. Đây là một nguồn vốn về trực tiếp một số ngân hàng thương mại cũng như là một mục tiêu để thu hút.

Điển hình như với Sacombank, ngân hàng này đang có bội thu với tỷ lệ 68% của 300 tỷ đồng đầu tư vào đợt phát hành công trái giáo dục nói trên. Theo ông Thành, đây được xem như là khoản dự trữ thanh khoản cấp 2, nay đã đến kỳ lĩnh lãi với lãi suất 40% cho 5 năm, cộng với chính sách bù trượt giá là 28%, ngân hàng được hưởng 68% lãi suất.