10:05 13/10/2009

Nhiều ngành khoa học cơ bản "khát" sinh viên

Vũ Quỳnh

Thiếu tính dự báo trong tuyển sinh khiến nhiều ngành học rơi vào tình cảnh "khát" thí sinh

Đầu vào của các ngành khoa học cơ bản những năm gần đây có xu hướng giảm.
Đầu vào của các ngành khoa học cơ bản những năm gần đây có xu hướng giảm.
Sau khi nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3, nhiều trường đại học cho biết, một số ngành học của trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo.

Sinh viên không “mặn mà”

Mặc dù đã xét tuyển đến nguyện vọng 3 và điểm sàn cho nguyện vọng này không cao nhưng một số trường đại học vẫn rơi vào tình cảnh thiếu sinh viên.

Kết quả thống kê hồ sơ của một số trường đại học khu vực phía Nam và các trường khối dân lập cho thấy, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 3 chỉ đạt khoảng 1/2 chỉ tiêu xét tuyển.

Trao đổi với VnEconomy, bà Nguyễn Thị Thái Thuận, giảng viên trường Đại học Công Đoàn ( Hà Nội ) cho biết, hiện đang tồn tại một thực tế, trong khi các ngành tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh…đang hút thí sinh với số luợng lớn thì ngược lại có không ít ngành thí sinh không mấy "mặn mà" . Đặc biệt là ngành ngoại ngữ và các ngành khoa học cơ bản.

Một cán bộ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) cũng khẳng định, đầu vào của các ngành khoa học cơ bản những năm gần đây có xu hướng giảm,  nhiều ngành không tuyển đủ chỉ tiêu.

Cụ thể, tại trường Đại học Khoa học tự nhiên, tổng đầu vào của năm 2008 đạt 60%, năm 2009 chỉ đạt khoảng 50% ở nguyện vọng 1. Một số ngành như toán tin, toán cơ, khí tượng, địa chất, quản lý tài nguyên nhiều năm liền không tuyển đủ sinh viên ở nguyện vọng 2. Đặc biệt, ngành khí tượng thuộc khoa Địa chất chỉ đạt 7% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009.

Ông Nguyễn Quốc Hợp - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Văn Hiến cho biết, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào trường năm nay giảm 40% so với năm trước. Cũng theo ông Hợp, hiện chỉ có  các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, du lịch có sức “hút” thí sinh còn các ngành xã hội thì ngược lại.

Điển hình là ngành xã hội học trường này tuyển 60 chỉ tiêu nhưng hiện chỉ có không đến 20 thí sinh đăng ký; ngành tiếng Anh kinh thương được xem là một ngành nhiều triển vọng nhưng hiện vẫn còn đến 40 chỗ trống.

Tương tự, Đại học Hùng Vương thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2, 3 chủ yếu tập trung vào khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, còn các ngành như tiếng Nhật, tiếng Anh… rất ít thí sinh đăng ký.

Thậm chí, tại trường Đại học Việt Đức, một trong những trường được xây dựng theo chuẩn quốc tế, mục tiêu năm 2020 sẽ có mặt trong top 200 trường lớn nhất thế giới, song nhiều ngành học cũng đang trong tình trạng thiếu sinh viên.

Thiếu tính dự báo

Theo ông Vũ Văn Tích, Phó chủ nhiệm Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Hà Nội), nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là bản thân các ngành đó chưa biết cách tuyên truyền, "khoe" cái mình có, dẫn đến nhiều học sinh đã không biết đến nhu cầu tuyển sinh và nhu cầu việc làm thực tế của các ngành học này.

“Thực tế, nhiều học sinh, phụ huynh không biết học ngành này sẽ ra làm gì, trong khi học tài chính, kinh tế, công nghệ thông tin… ra trường thì họ biết được việc làm cụ thể của họ là gì”, ông Tích nói.

Ông Tích cũng khẳng định nhu cầu việc làm của các ngành khoa học cơ bản nói trên hiện rất lớn nhưng nguồn cung cho đến thời điểm hiện tại chưa đáp ứng được cầu. Ví dụ cụ thể mà ông Tích đưa ra là mỗi năm Bộ Tài nguyên Môi trường cần khoảng  1.000 cán bộ quản lý tài nguyên môi trường biển nhưng không thể có đủ nguồn..

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Hiểu, Đại học Sư phạm 1, ngoài việc những ngành này chưa biết cách “đánh bóng” mình, chưa thực sự hấp dẫn với thí sinh, thì thiếu tính dự báo trong nhu cầu đào tạo và việc làm là nguyên nhân cốt lõi. Ngoài ra, sự cấp phép thành lập quá nhiều trường đại học cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến những trường đại học không tên tuổi khó lòng thu hút sinh viên.

Trao đổi với báo chí, một cán bộ  Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, đang diễn ra thực tế tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đã vượt số thí sinh đỗ tốt nghiệp PTTH năm 2009.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2009, số thí sinh đỗ tốt nghiệp PTTH trên cả nước là hơn 872.000, trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của năm nay lên đến gần 1.000.000 thí sinh.