14:36 08/05/2008

Nhìn lại hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng thương mại

Minh Đức

Thị trường chứng khoán suy giảm kéo dài; nhiều nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thua lỗ

Chiếm tỷ trong lớn trong nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng là chứng khoán nợ, khá an toàn như trái phiếu, tìn phiếu...
Chiếm tỷ trong lớn trong nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng là chứng khoán nợ, khá an toàn như trái phiếu, tìn phiếu...
Thị trường chứng khoán suy giảm kéo dài; nhiều nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thua lỗ. Tâm điểm lo ngại lúc này là hoạt động đầu tư chứng khoán của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.

Những ngày qua, nhiều nhà đầu tư, cổ đông giật mình khi tiếp xúc với những con số quá lớn được tổng hợp từ báo cáo tài chính năm 2007 của một số ngân hàng thương mại về hoạt động đầu tư chứng khoán.

Một thống kê cho thấy dẫn đầu trong khối ngân hàng về hoạt động này là Ngân hàng Á châu, khi tổng trị giá danh mục đầu tư chứng khoán là 9.636 tỷ đồng; tiếp theo Ngân hàng Kỹ thương Techcombank 6.842 tỷ đồng, Ngân hàng Đông Nam Á là 3.968 tỷ đồng, Ngân hàng An Bình gần 3.600 tỷ đồng, Ngân hàng Hàng hải 2.169 tỷ đồng, Ngân hàng Ngoài quốc doanh là 1.678 tỷ đồng…

Đó là những con số được tính ở thời điểm cuối năm 2007. Và nay, khi giá hầu hết cổ phiếu trên sàn niêm yết, cũng như trên thị trường tự do (OTC), đã giảm phổ biến 50%, thậm chí mạnh hơn, làm nảy sinh những lo ngại về khả năng thua lỗ lớn của các ngân hàng, ứng với lượng vốn đầu tư nói trên.

Nếu tính theo “định lượng” trên, với mức giảm 50% của giá chứng khoán, thì khoản lỗ của mỗi thành viên nói trên có thể lên đến cả nghìn tỷ đồng, có thể gạt hẳn mức lợi nhuận của cả năm 2007 tạo dựng được.

Có nhận định cho rằng các ngân hàng đã đổ lượng tiền trên là quá nhiều vào “tự doanh” chứng khoán dẫn đến khả năng lỗ nặng sau những đợt giảm giá kéo dài.

Chưa nói đến sự chính xác và cơ sở thực tế của những suy tính, lo ngại trên, mà ở đây cho thấy một phần còn thiếu của các ngân hàng thương mại trong việc công bố, cập nhật thông tin cụ thể về các khoản đầu tư và mức lỗ - lãi theo từng thời điểm nhạy cảm của thị trường (dù đó là những chênh lệch “ảo” vì chưa cụ thể bán ra) với cổ đông và nhà đầu tư.

Trước hết, nhìn lại tổng hợp trên, đối chiếu với quy định tại Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 19/4/2005 về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có thể thấy ngay vốn lưu động của hầu hết những ngân hàng trên chỉ khoảng từ 2.500 – 3.000 tỷ đồng nhưng lại đầu tư từ 3.000 tỷ đồng cho tới trên 9.000 tỷ đồng vào chứng khoán vốn. Như vậy, đây là một hiện tượng bất thường.

Sự "bất thường" đó xuất phát từ cách nhìn đánh gộp khái niệm chứng khoán là cổ phiếu trên thị trường có mức giảm tới 50% từ đầu năm đến nay với sự tách biệt về bản chất của chứng khoán nợ và chứng khoán vốn trong tổng vốn đầu tư của ngân hàng, theo hạch toán, kế toán mà Ngân hàng Nhà nước quy định (ứng với các tài khoản 141 và 142).

Trong lượng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của mỗi thành viên nói trên, chiếm phần lớn là chứng khoán nợ (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi của tổ chức tín dụng…), chờ đáo hạn hoặc có thể bán. Và đáng chú ý là lỗ - lãi của khoản đầu tư vào đây được tính theo % lãi suất, không căn theo thị giá để có thể lỗ tới 50% như đầu tư cổ phiếu (chứng khoán vốn).

Như vậy, cách nhìn đánh gộp như trên là chưa chuẩn xác.

* Từ bài báo “Rủi ro trong kinh doanh tài chính”, VIB Bank có ý kiến phản hồi như sau:

“Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, và theo kết quả kiểm toán của Deloitte, chứng khoán đầu tư bao gồm chứng khoán Nợ và chứng khoán Vốn. Chứng khoán Nợ bao gồm các loại giấy tờ có giá, trái phiếu và tín phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng TMCP Quốc doanh.

Theo danh mục này, tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu và tín phiếu của Chính phủ và vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh của VIB Bank là 99,37%. Việc duy trì danh mục đầu tư này nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản và hưởng lãi suất cố định của các ngân hàng thương mại và không chịu ảnh hưởng của biến động giá trên thị trường chứng khoán. Phần còn lại là chứng khoán Vốn chiếm tỷ lệ 0,63%”.