Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2008
Kinh tế Việt Nam năm 2008 sẽ đi vào lịch sử như một năm có nhiều biến động gay go nhưng cuối cùng đã “hạ cánh mềm”
Kinh tế Việt Nam năm 2008 sẽ đi vào lịch sử như một năm có nhiều biến động gay go nhưng cuối cùng đã “hạ cánh mềm”.
Có thể chia năm 2008 về mặt kinh tế ra ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc trưng về mục tiêu và chính sách kinh tế khá rõ nét.
Giai đoạn 1: Cỗ xe kinh tế phi nước đại và ủ bệnh
Từ cuối năm 2007, trong giai đoạn chuẩn bị và thông qua kế hoạch kinh tế xã hội năm 2008, đến tháng 3/2008, chính sách kinh tế được chi phối bởi mục tiêu tăng trưởng GDP 9%, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm năm sớm (chỉ trong ba năm), vượt ngưỡng nước có thu nhập trung bình ngay trong năm 2008...
Mặc dù đã có những cảnh báo sớm từ cuối năm 2007 về chất lượng tăng trưởng thấp, chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm sút, song quyết tâm của Chính phủ rõ ràng là phải đạt được những thành tựu ấn tượng, vượt lên trên tất cả các thời kỳ trước đây.
Ý chí và mục tiêu đó được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và các nhà ngoại giao qua những lời ca tụng không ngớt về những thành tựu nổi bật của Việt Nam, về vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế (thành viên WTO, lần đầu tiên được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc...) và về dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp và gián tiếp ào ạt đổ vào trong nước.
Trước những thay đổi mạnh mẽ về luồng vốn, tác động từ bên ngoài như vậy, lẽ ra phải thực hiện ngay những cải cách cơ cấu và thể chế cần thiết để nâng cao năng lực giám sát, quản lý các lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính theo hướng mở rộng công khai minh bạch, mở rộng sự tham gia giám sát của các nhà khoa học, hiệp hội chuyên môn trong quá trình chuẩn bị quyết định, soạn thảo chính sách.
Song, trên thực tế Chính phủ đã dồn dập triển khai các biện pháp và các công trình để đạt các mục tiêu đề ra: việc phân cấp (về nguyên tắc là đúng đắn và cần thiết) quá mức cho chính quyền địa phương cấp tỉnh về đầu tư (trong nước và ngoài nước), việc cấp đất, mở khu công nghiệp... đã tạo ra những chồng chéo và dư thừa đáng lo ngại về quá nhiều công trình đầu tư vào sân golf, bất động sản, nhà máy thép, nhà máy lọc dầu lớn nhỏ.
Hệ quả là bên cạnh sự năng động và tăng nhanh về số lượng, các quyết định hàng tỉ Đô la Mỹ ở các địa phương, tập đoàn kinh tế, liên quan đến năng lượng, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ở tầm kinh tế quốc dân, rất hệ trọng cho quốc kế dân sinh đã được quyết định một cách nhanh chóng, thiếu sự thẩm định cần thiết của các chuyên gia, hội đồng thẩm định có chuyên môn ở các bộ, ngành và thiếu sự tham gia của các tổ chức quần chúng.
Trong thời gian ngắn đã có trên 200 trường đại học và cao đẳng được thành lập là một trường hợp cũng nằm trong xu hướng này. Tình trạng này đã nhanh chóng làm trầm trọng thêm những mất cân đối về điện, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực...
Việc mở rộng thủ đô Hà Nội - đòi hỏi một lượng vốn đầu tư khổng lồ và năng lực quản lý đô thị rất cao - gây nhiều tranh cãi, cuối cùng cũng đã được thông qua trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế đang đối mặt với nhiều mất cân đối.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước vốn được lập như là một thí điểm (thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh trong một thời gian quá dài) đã nhanh chóng tranh thủ sự lỏng lẻo về giám sát và quản lý của các cơ quan nhà nước để đồng loạt “làm thật”: đa dạng hóa đầu tư sang các lĩnh vực “thời thượng” như chứng khoán, đầu tư tài chính, bất động sản, thậm chí cả tham gia lập các ngân hàng thương mại.
Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn các tập đoàn lại đua nhau thành lập nhiều công ty con, công ty cháu, công ty liên kết nhanh đến như vậy. Tương tự, các công ty đầu tư tài chính, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán cũng xuất hiện một cách ồ ạt như thế.
Báo chí hàng ngày đưa tin về những công trình thế kỷ lớn, nhỏ mới được ký kết hoặc khởi công, những phi vụ mua sắm kỷ lục máy móc, trang thiết bị được mô tả như bản thân việc mua sắm đã là một thành công kinh tế lớn rồi. Trong không khí phấn khích chung đó, tiêu dùng cá nhân cũng bùng phát với việc nhập khẩu máy bay, ôtô sang trọng.
Điều tất yếu phải đến đã đến là cung tín dụng tiếp tục tăng trên 50%, lạm phát tăng vọt lên 25%, nhập siêu vượt quá mức an toàn, thị trường chứng khoán sụt giảm kỷ lục, bong bóng thị trường bất động sản bị vỡ, hay theo lời một bộ trưởng là những diễn biến đáng “giật mình”.
Giai đoạn 2: Cỗ xe kinh tế bị thắng gấp và phát bệnh
Từ tháng 3/2008, Chính phủ đã đột ngột đổi chiều, cỗ xe kinh tế đang phi nước đại bị thắng gấp bằng tất cả các phương tiện kỹ thuật cho phép nhằm mục tiêu ưu tiên mới là kiềm chế lạm phát.
Lãi suất cơ bản được nâng lên, dự trữ bắt buộc với lãi suất rất thấp được áp đặt, tín phiếu bắt buộc được phân bổ, biện pháp hạn chế tín dụng “hà khắc” được áp đặt lên các ngân hàng thương mại, cắt giảm đầu tư... Tất cả biện pháp này gây ra gánh nặng lớn cho các ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dường như tiêu chuẩn của hành động là cường độ của các biện pháp phải thể hiện tính quyết liệt kiềm chế lạm phát chứ không cần xét đến tác động tới kinh tế hay doanh nghiệp. Vải thiều Lục Ngạn chín rụng mà không có người mua vì thiếu tín dụng, cá ba sa đồng bằng sông Cửu Long rớt giá, lúa bội thu bị ứ đọng vì mua không kịp... là những hiệu ứng phụ đã xuất hiện, gây ra không ít tổn thất cho nông dân. Hoạt động xây dựng bị đình đốn và giảm sút nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này không còn hoạt động.
Để giải quyết, thay vì sử dụng các công cụ của cơ chế thị trường, các quyết định hành chính đã được ưu tiên sử dụng với độ trễ về thời gian và có giới hạn về đối tượng tham gia (như chỉ thị tăng cường mua lúa, cá...), chỉ có thể hạn chế chứ không bù đắp được thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.
Các quan hệ thị trường bị thu hẹp rõ rệt bởi sự can thiệp hành chính, đặc biệt là các quyết định về tăng, giảm thuế nhập khẩu, về hạn ngạch, về giá xăng dầu... liên tục được đưa ra (có thời kỳ đạt tốc độ bình quân sáu quyết định lớn, nhỏ một tuần).
Các quyết định đó đều được đưa ra mà không hề có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp, của các chuyên gia ngoài hệ thống của bộ, không ít trường hợp bộ này cũng không tham khảo ý kiến bộ khác (như giữa Bộ Tài chính và Công Thương hay Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Y tế và Giao thông...).
Doanh nghiệp luôn đối mặt với những bất ngờ từ các phía và không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không đủ sức vượt qua gánh nặng quá sức về tín dụng, lãi suất, giá cả, biến động thị trường… đã “lịm dần”. Tình huống này làm nảy nở hoạt động của các loại “cò” lớn nhỏ chạy chọt quyết định này, xin miếng đất kia...
Các quan hệ thân quen trở nên mạnh hơn cơ chế thị trường. Các quyết định thiếu căn cứ thực tiễn như cấm xe ba gác, cấm bán hàng rong ở các thành phố lớn trong khi số nông dân mất đất không có việc làm tăng lên, quyết định hạn chế lái xe vì ngực lép, nhẹ cân tỏ ra bất khả thi, gây xôn xao dư luận.
Ở nông thôn, việc “thu hồi đất theo quy hoạch” làm cho người dân nơm nớp lo sợ thì ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM nạn kẹt xe, lô cốt thu hẹp đường giao thông tràn lan, úng lụt, ô nhiễm môi trường làm giảm sút rõ rệt chất lượng cuộc sống của người dân. Người bệnh, học sinh đối mặt với những chi phí thực tế “bất thành văn” và trước nguy cơ đe dọa mạng sống của người thân và lợi ích của con em, người dân đều phải chấp nhận hy sinh.
Tính bất đối xứng thông tin của thị trường độc quyền như điện, nước, xăng dầu đã lan sang y tế, giáo dục càng gây thiệt hại cho người dân và tạo ra đặc quyền đặc lợi cho những ai nắm phương tiện trong tay. Trong khi đa số người dân khó khăn hơn trong cuộc sống thì một thiểu số lại giàu lên nhanh chóng và khoảng cách giàu nghèo càng mở rộng hơn. Khó khăn cho người này lại là cơ hội cho người khác nắm được phương tiện và chớp được cơ hội, phất lên làm giàu chủ yếu bằng nhà đất, đặc quyền.
Cơ hội to lớn của dân tộc đã không được tận dụng để đem lại thu nhập cho tất cả, mà lại xảy ra cảnh “nước chảy chỗ trũng”, một số ít người giàu quá nhanh trong khi thu nhập thực tế của đa số người dân và chất lượng cuộc sống giảm rõ rệt.
Việc phát hiện ra các vụ hủy hoại môi trường động trời như Vedan lại dẫn đến những lúng túng trong xử lý giữa các cơ quan có thẩm quyền của bộ và tỉnh. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng được soạn thảo khá đồ sộ, song gặp khó khăn trong khâu triển khai và kết quả không đáp ứng sự mong đợi của người dân. Đặc biệt, đã không có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tố cáo và tham gia chống tham nhũng nên sự hưởng ứng của quần chúng bị hạn chế.
Giai đoạn 3: Tập trung chữa bệnh
Bắt đầu từ quí 3/2008, một sự cộng hưởng ngoài ý muốn giữa hiệu lực của các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã xuất hiện. Giá hàng loạt nguyên vật liệu trên thế giới giảm mạnh khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần và chỉ số giá của hai tháng 10 và 11 lần lượt giảm thấp hơn tháng trước.
Trong khi đó, xuất khẩu giảm cả về kim ngạch lẫn khối lượng, đối mặt với những khó khăn dồn dập từ các nước nhập khẩu (về tín dụng, khả năng thanh toán, sức mua, giảm giá). Nhiều doanh nghiệp đã phải giãn thợ, giảm công suất, thu nhập của người lao động càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, các tập đoàn tiếp tục được bơm thêm tín dụng từ vốn vay nước ngoài được Nhà nước bảo lãnh như Vinashin được vay 20.000 tỉ đồng trong khi chỉ một phần mười số vốn đó đã có thể cứu cả ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa qua cơn hoạn nạn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm và đầy biến động, tín dụng bị thu hẹp, số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đã xuống mức thấp nhất và khó có thể đạt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa trong hai năm nữa vào năm 2010.
Triển vọng kinh tế năm 2009 còn khó khăn hơn năm 2008. Các khó khăn kinh tế sẽ chuyển thành các vấn nạn xã hội, vấn đề duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động sẽ trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
Việc rút ra các bài học một cách nghiêm túc từ tư tưởng chỉ đạo đến các chính sách kinh tế là rất cần thiết để vượt qua những khó khăn gấp bội trong khi lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã suy giảm rất nhiều.
Lê Đăng Doanh (TBKTSG)
Có thể chia năm 2008 về mặt kinh tế ra ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc trưng về mục tiêu và chính sách kinh tế khá rõ nét.
Giai đoạn 1: Cỗ xe kinh tế phi nước đại và ủ bệnh
Từ cuối năm 2007, trong giai đoạn chuẩn bị và thông qua kế hoạch kinh tế xã hội năm 2008, đến tháng 3/2008, chính sách kinh tế được chi phối bởi mục tiêu tăng trưởng GDP 9%, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm năm sớm (chỉ trong ba năm), vượt ngưỡng nước có thu nhập trung bình ngay trong năm 2008...
Mặc dù đã có những cảnh báo sớm từ cuối năm 2007 về chất lượng tăng trưởng thấp, chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm sút, song quyết tâm của Chính phủ rõ ràng là phải đạt được những thành tựu ấn tượng, vượt lên trên tất cả các thời kỳ trước đây.
Ý chí và mục tiêu đó được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và các nhà ngoại giao qua những lời ca tụng không ngớt về những thành tựu nổi bật của Việt Nam, về vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế (thành viên WTO, lần đầu tiên được bầu là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc...) và về dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp và gián tiếp ào ạt đổ vào trong nước.
Trước những thay đổi mạnh mẽ về luồng vốn, tác động từ bên ngoài như vậy, lẽ ra phải thực hiện ngay những cải cách cơ cấu và thể chế cần thiết để nâng cao năng lực giám sát, quản lý các lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính theo hướng mở rộng công khai minh bạch, mở rộng sự tham gia giám sát của các nhà khoa học, hiệp hội chuyên môn trong quá trình chuẩn bị quyết định, soạn thảo chính sách.
Song, trên thực tế Chính phủ đã dồn dập triển khai các biện pháp và các công trình để đạt các mục tiêu đề ra: việc phân cấp (về nguyên tắc là đúng đắn và cần thiết) quá mức cho chính quyền địa phương cấp tỉnh về đầu tư (trong nước và ngoài nước), việc cấp đất, mở khu công nghiệp... đã tạo ra những chồng chéo và dư thừa đáng lo ngại về quá nhiều công trình đầu tư vào sân golf, bất động sản, nhà máy thép, nhà máy lọc dầu lớn nhỏ.
Hệ quả là bên cạnh sự năng động và tăng nhanh về số lượng, các quyết định hàng tỉ Đô la Mỹ ở các địa phương, tập đoàn kinh tế, liên quan đến năng lượng, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ở tầm kinh tế quốc dân, rất hệ trọng cho quốc kế dân sinh đã được quyết định một cách nhanh chóng, thiếu sự thẩm định cần thiết của các chuyên gia, hội đồng thẩm định có chuyên môn ở các bộ, ngành và thiếu sự tham gia của các tổ chức quần chúng.
Trong thời gian ngắn đã có trên 200 trường đại học và cao đẳng được thành lập là một trường hợp cũng nằm trong xu hướng này. Tình trạng này đã nhanh chóng làm trầm trọng thêm những mất cân đối về điện, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực...
Việc mở rộng thủ đô Hà Nội - đòi hỏi một lượng vốn đầu tư khổng lồ và năng lực quản lý đô thị rất cao - gây nhiều tranh cãi, cuối cùng cũng đã được thông qua trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế đang đối mặt với nhiều mất cân đối.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước vốn được lập như là một thí điểm (thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh trong một thời gian quá dài) đã nhanh chóng tranh thủ sự lỏng lẻo về giám sát và quản lý của các cơ quan nhà nước để đồng loạt “làm thật”: đa dạng hóa đầu tư sang các lĩnh vực “thời thượng” như chứng khoán, đầu tư tài chính, bất động sản, thậm chí cả tham gia lập các ngân hàng thương mại.
Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn các tập đoàn lại đua nhau thành lập nhiều công ty con, công ty cháu, công ty liên kết nhanh đến như vậy. Tương tự, các công ty đầu tư tài chính, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán cũng xuất hiện một cách ồ ạt như thế.
Báo chí hàng ngày đưa tin về những công trình thế kỷ lớn, nhỏ mới được ký kết hoặc khởi công, những phi vụ mua sắm kỷ lục máy móc, trang thiết bị được mô tả như bản thân việc mua sắm đã là một thành công kinh tế lớn rồi. Trong không khí phấn khích chung đó, tiêu dùng cá nhân cũng bùng phát với việc nhập khẩu máy bay, ôtô sang trọng.
Điều tất yếu phải đến đã đến là cung tín dụng tiếp tục tăng trên 50%, lạm phát tăng vọt lên 25%, nhập siêu vượt quá mức an toàn, thị trường chứng khoán sụt giảm kỷ lục, bong bóng thị trường bất động sản bị vỡ, hay theo lời một bộ trưởng là những diễn biến đáng “giật mình”.
Giai đoạn 2: Cỗ xe kinh tế bị thắng gấp và phát bệnh
Từ tháng 3/2008, Chính phủ đã đột ngột đổi chiều, cỗ xe kinh tế đang phi nước đại bị thắng gấp bằng tất cả các phương tiện kỹ thuật cho phép nhằm mục tiêu ưu tiên mới là kiềm chế lạm phát.
Lãi suất cơ bản được nâng lên, dự trữ bắt buộc với lãi suất rất thấp được áp đặt, tín phiếu bắt buộc được phân bổ, biện pháp hạn chế tín dụng “hà khắc” được áp đặt lên các ngân hàng thương mại, cắt giảm đầu tư... Tất cả biện pháp này gây ra gánh nặng lớn cho các ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dường như tiêu chuẩn của hành động là cường độ của các biện pháp phải thể hiện tính quyết liệt kiềm chế lạm phát chứ không cần xét đến tác động tới kinh tế hay doanh nghiệp. Vải thiều Lục Ngạn chín rụng mà không có người mua vì thiếu tín dụng, cá ba sa đồng bằng sông Cửu Long rớt giá, lúa bội thu bị ứ đọng vì mua không kịp... là những hiệu ứng phụ đã xuất hiện, gây ra không ít tổn thất cho nông dân. Hoạt động xây dựng bị đình đốn và giảm sút nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này không còn hoạt động.
Để giải quyết, thay vì sử dụng các công cụ của cơ chế thị trường, các quyết định hành chính đã được ưu tiên sử dụng với độ trễ về thời gian và có giới hạn về đối tượng tham gia (như chỉ thị tăng cường mua lúa, cá...), chỉ có thể hạn chế chứ không bù đắp được thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân.
Các quan hệ thị trường bị thu hẹp rõ rệt bởi sự can thiệp hành chính, đặc biệt là các quyết định về tăng, giảm thuế nhập khẩu, về hạn ngạch, về giá xăng dầu... liên tục được đưa ra (có thời kỳ đạt tốc độ bình quân sáu quyết định lớn, nhỏ một tuần).
Các quyết định đó đều được đưa ra mà không hề có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp, của các chuyên gia ngoài hệ thống của bộ, không ít trường hợp bộ này cũng không tham khảo ý kiến bộ khác (như giữa Bộ Tài chính và Công Thương hay Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Y tế và Giao thông...).
Doanh nghiệp luôn đối mặt với những bất ngờ từ các phía và không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không đủ sức vượt qua gánh nặng quá sức về tín dụng, lãi suất, giá cả, biến động thị trường… đã “lịm dần”. Tình huống này làm nảy nở hoạt động của các loại “cò” lớn nhỏ chạy chọt quyết định này, xin miếng đất kia...
Các quan hệ thân quen trở nên mạnh hơn cơ chế thị trường. Các quyết định thiếu căn cứ thực tiễn như cấm xe ba gác, cấm bán hàng rong ở các thành phố lớn trong khi số nông dân mất đất không có việc làm tăng lên, quyết định hạn chế lái xe vì ngực lép, nhẹ cân tỏ ra bất khả thi, gây xôn xao dư luận.
Ở nông thôn, việc “thu hồi đất theo quy hoạch” làm cho người dân nơm nớp lo sợ thì ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM nạn kẹt xe, lô cốt thu hẹp đường giao thông tràn lan, úng lụt, ô nhiễm môi trường làm giảm sút rõ rệt chất lượng cuộc sống của người dân. Người bệnh, học sinh đối mặt với những chi phí thực tế “bất thành văn” và trước nguy cơ đe dọa mạng sống của người thân và lợi ích của con em, người dân đều phải chấp nhận hy sinh.
Tính bất đối xứng thông tin của thị trường độc quyền như điện, nước, xăng dầu đã lan sang y tế, giáo dục càng gây thiệt hại cho người dân và tạo ra đặc quyền đặc lợi cho những ai nắm phương tiện trong tay. Trong khi đa số người dân khó khăn hơn trong cuộc sống thì một thiểu số lại giàu lên nhanh chóng và khoảng cách giàu nghèo càng mở rộng hơn. Khó khăn cho người này lại là cơ hội cho người khác nắm được phương tiện và chớp được cơ hội, phất lên làm giàu chủ yếu bằng nhà đất, đặc quyền.
Cơ hội to lớn của dân tộc đã không được tận dụng để đem lại thu nhập cho tất cả, mà lại xảy ra cảnh “nước chảy chỗ trũng”, một số ít người giàu quá nhanh trong khi thu nhập thực tế của đa số người dân và chất lượng cuộc sống giảm rõ rệt.
Việc phát hiện ra các vụ hủy hoại môi trường động trời như Vedan lại dẫn đến những lúng túng trong xử lý giữa các cơ quan có thẩm quyền của bộ và tỉnh. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng được soạn thảo khá đồ sộ, song gặp khó khăn trong khâu triển khai và kết quả không đáp ứng sự mong đợi của người dân. Đặc biệt, đã không có các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tố cáo và tham gia chống tham nhũng nên sự hưởng ứng của quần chúng bị hạn chế.
Giai đoạn 3: Tập trung chữa bệnh
Bắt đầu từ quí 3/2008, một sự cộng hưởng ngoài ý muốn giữa hiệu lực của các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã xuất hiện. Giá hàng loạt nguyên vật liệu trên thế giới giảm mạnh khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần và chỉ số giá của hai tháng 10 và 11 lần lượt giảm thấp hơn tháng trước.
Trong khi đó, xuất khẩu giảm cả về kim ngạch lẫn khối lượng, đối mặt với những khó khăn dồn dập từ các nước nhập khẩu (về tín dụng, khả năng thanh toán, sức mua, giảm giá). Nhiều doanh nghiệp đã phải giãn thợ, giảm công suất, thu nhập của người lao động càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, các tập đoàn tiếp tục được bơm thêm tín dụng từ vốn vay nước ngoài được Nhà nước bảo lãnh như Vinashin được vay 20.000 tỉ đồng trong khi chỉ một phần mười số vốn đó đã có thể cứu cả ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa qua cơn hoạn nạn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm và đầy biến động, tín dụng bị thu hẹp, số doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa đã xuống mức thấp nhất và khó có thể đạt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa trong hai năm nữa vào năm 2010.
Triển vọng kinh tế năm 2009 còn khó khăn hơn năm 2008. Các khó khăn kinh tế sẽ chuyển thành các vấn nạn xã hội, vấn đề duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động sẽ trở thành nhiệm vụ hàng đầu.
Việc rút ra các bài học một cách nghiêm túc từ tư tưởng chỉ đạo đến các chính sách kinh tế là rất cần thiết để vượt qua những khó khăn gấp bội trong khi lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã suy giảm rất nhiều.
Lê Đăng Doanh (TBKTSG)