15:28 08/03/2008

Nhìn lại quan hệ kinh tế Việt - Đức

Thùy Linh

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 5 dự án tại Đức với tổng vốn đầu tư 4,87 triệu USD

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 6/3, trong chuyến thăm chính thức CHLB Đức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 6/3, trong chuyến thăm chính thức CHLB Đức.
Tiếp theo chuyến thăm Vương quốc Anh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã bắt đầu chuyến thăm chính thức CHLB Đức theo lời mời của Thủ tướng nước này Angela Merkel từ ngày 6 đến 8/3.

Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại sứ Đức tại Việt Nam Rolf Peter Gottfried Schulze nhận xét: “Hiếm có chuyến thăm cấp cao nào tới Đức lại được sắp xếp một chương trình phong phú, đa dạng đến vậy với rất nhiều cuộc gặp gỡ. Điều đó chứng tỏ Đức rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam”.

Trên thực tế, Đức đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Tính đến 31/12/2007, Cộng hòa Liên bang Đức có 98 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 545,9 triệu USD, vốn thực hiện đạt trên 161,3 triệu USD (chiếm 30% tổng vốn đầu tư đăng ký), đứng thứ 19/81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Quy mô bình quân vốn đầu tư cho một dự án là 5,57 triệu USD/dự án, tương đối thấp so với các nước khác (British West Indies là 85 triệu USD/dự án, British Virgin Islands là 22,9 triệu USD/dự án, Singapore là 19,77 triệu USD/dự án, Pháp là 12,6 triệu USD/dự án)...

Thế mạnh đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp

Hầu hết các dự án của Đức tập trung trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, với 55 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 430,276 triệu USD, chiếm 56% về số dự án và 79% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ với 39 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 96,3 triệu USD, chiếm 40% về số dự án và 18% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ có 4 dự án với tổng vốn đầu tư 19,3 triệu USD, là lĩnh vực chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư Đức.

Vốn đầu tư của Đức tập trung vào hình thức 100% vốn nước ngoài có 68 dự án với tổng vốn đầu tư 289,99 triệu USD, chiếm 53% tổng đăng vốn đầu tư ký; liên doanh với 24 dự án có tổng vốn đầu tư 252,3 triệu USD, chiếm 46% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh có 5 dự án với tổng vốn đầu tư 3,1 triệu USD.

Đức có dự án đầu tư trên 22 tỉnh, thành phố cả nước, nhưng cũng giống như các nước khác, hầu hết các dự án của Đức tập trung ở những thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển. Chỉ tính riêng 4 tỉnh, thành phố là Tp.HCM, Đồng Nai, Hà Nội và Bình Dương đã có 67 dự án đầu tư của Đức với tổng vốn đầu tư 318,749 triệu USD, chiếm 68% về số dự án và 58% tổng vốn đầu tư đăng ký; các tỉnh, thành phố còn lại chỉ thu hút được số ít dự án với tổng vốn đầu tư không đáng kể.

Nhìn chung, các dự án của Đức đầu tư tại Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, phù hợp với lợi thế Đức là một trong các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh ở châu Âu, trong đó phải kể đến dự án của Industriewerk Schaffler Ina-Ingenieurdienst Gmbh trong lĩnh vực sản xuất, lắp đặt, bảo trì ổ bi với số vốn đăng ký là 116 triệu USD; Amata power LTD với dự án xây dựng nhà máy điện cho Khu công nghiệp Amata vốn đầu tư 110 triệu USD; DaimlerChrysler với dự án xây dựng nhà máy sản xuất ôtô Mercedes tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư là 70 triệu USD; Công ty TNHH B.Braun trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế với tổng số vốn đầu tư 30,9 triệu USD.

Đầu tư của Việt Nam sang Đức

Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 5 dự án tại Đức với tổng vốn đầu tư 4,87 triệu USD.

Đó là: dự án kinh doanh thương mại, dịch vụ của Công ty Nam Bằng có tổng vốn đầu tư 1,34 triệu USD, mục tiêu kinh doanh thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà trẻ, thư viện, xúc tiến thương mại; dự án Trung tâm tư vấn - Hỗ trợ hàng Việt Nam tại Đức có tổng vốn đầu tư 400 nghìn USD với mục tiêu cho thuê mặt bằng, cửa hàng và tư vấn thương mại; dự án Công ty TNHH Royal SaiGon có tổng vốn đầu tư 100 nghìn USD, với mục tiêu kinh doanh nhà hàng Việt Nam, tiếp thị và bán tour du lịch; dự án Công ty Liên doanh Nhà Việt có tổng vốn đầu tư 2,74 triệu USD với mục tiêu xây dựng dịch vụ nhà hàng, dịch vụ lưu trú, dịch vụ môi giới xuất nhập khẩu; dự án Công ty TNHH Tiền Phong có tổng vốn đầu tư 90 nghìn USD với mục tiêu sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ.

Tuy các dự án đầu tư không nhiều và tổng vốn đầu tư chưa cao nhưng đã thể hiện quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đây sẽ là những công ty mở đầu cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Đức và EU.

Địa điểm đầu tư lí tưởng

Đại sứ Rolf Peter Gottfried Schulze cho biết: chỉ trong một thời gian ngắn khi mới nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông đã có dịp đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp Đức và được chứng kiến nhiều doanh nghiệp Đức chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư lý tưởng.

Việc thành lập Khu công nghiệp Đức tại Hải Phòng, dự án hợp tác đóng tàu giữa Tập đoàn tàu thuỷ Việt Nam và Tập đoàn đóng tàu Đức là những minh chứng cho sự hợp tác đó.

Ông Jan Noether, Trưởng đại diện Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Đức, mà đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp rất tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức.

Giá trị về đầu tư và thương mại của hai nước ngày càng tăng, đã có thêm nhiều doanh nghiệp Đức đầu tư và làm ăn tại Việt Nam với số lượng dự án ngày càng nhiều.

Theo thống kê của Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, hiện có khoảng trên 350 các tập đoàn, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp Đức làm ăn trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam. Trong đó các doanh nghiệp tập trung nhiều tại hai thành phố lớn là Hà Nội (phía Bắc) và Tp.HCM (phía Nam).

Theo ông Jan Noether, từ khi Việt Nam ban hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư chung, đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Đức nói riêng đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng Việt Nam. “Ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi nhận thấy thế mạnh của nền công nghiệp mới chỉ dừng lại chủ yếu ở một số lĩnh vực giày dép, dệt may, chế biến và xuất khẩu gạo, điện và điện tử. Các ngành này thực sự có thế mạnh và đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước và nước ngoài”, ông Trưởng đại diện nói thêm.

Ông Jan Noether khẳng định trong thời gian tới, các doanh nghiệp Đức sẽ tăng cường tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, chế biến công nghiệp, chế biến thực phẩm và điện tử. Bởi lẽ các doanh nghiệp Đức đánh giá Việt Nam là quốc gia với dân số trẻ, khát khao lao động và tình hình chính trị ở Việt Nam ổn định.

Ông Trưởng đại diện Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cũng cho biết có khá nhiều doanh nghiệp Đức đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc và nay muốn mở rộng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam bởi muốn giảm thiểu rủi ro. Đó là ưu thế của Việt Nam và cũng là mong muốn chung của cộng đồng doanh nghiệp Đức khi xác định đầu tư vào bất cứ quốc gia nào.

Phó thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam vừa diễn ra trước chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 3 ngày rằng Chính phủ Đức luôn nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt Nam cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam tới các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của Đức. Thực tế, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức cũng đã tháp tùng ông sang nghiên cứu và khảo sát thị trường Việt Nam, trong đó có tập đoàn hoá chất lớn nhất thế giới BASF.