10:35 17/02/2007

Nhịp cầu vàng đầu tư

Hà Linh thực hiện

Lý Tường Tuấn là hậu duệ đời thứ 36 của Hoàng tử Lý Long Tường, sang bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên từ 850 năm trước

Ông Lý Tường Tuấn.
Ông Lý Tường Tuấn.
Lý Tường Tuấn là hậu duệ đời thứ 36 của Hoàng tử Lý Long Tường, sang bờ biển phía Tây bán đảo Triều Tiên từ 850 năm trước.

Thực là cho tới hôm nay, ông vẫn ghi nhớ không quên lời cha dặn: “Con là con cháu của Việt Nam đấy nhé!”. Cuộc trò chuyện cuối năm được thực hiện tại Hà Nội vào một buổi sáng mùa đông giá buốt. Thực là lạ, chỉ sơ kiến tân giao nhưng qua câu chuyện tôi luôn nhận thấy trong ông đang tràn trề nhiệt huyết, đơn giản là vì những điều chúng tôi trao đổi diễn ra đúng vào ngày ông khai trương quỹ đầu tư đầu tiên của mình tại Việt Nam.

Tôi thực sự cảm động khi nghe ông quả quyết rằng ông đã chọn Việt Nam là nơi “đi nốt buổi chiều của cuộc đời mình”. Chính vì vậy, ông đã ấp ủ ý định đầu tư tại Việt Nam từ rất lâu. Mong muốn của ông là đưa mô hình ngân hàng đầu tư mà ông đã áp dụng thành công ở Hàn Quốc vào Việt Nam.

Vậy là đã 4 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên ông tới Việt Nam, cố hương của tổ tiên ông, cảm xúc của ông như thế nào sau mỗi lần trở lại đây?

4 năm qua tôi đến Việt Nam hơn 20 lần. Tôi có dịp tới nhiều nơi ở Việt Nam, lúc thì đi công tác, lúc thì đi du lịch. Trong những lần đó, một cảm xúc đan xen lẫn lộn, vừa xúc động bởi những tình cảm ấm áp của người dân dành cho dòng họ Lý vừa ngạc nhiên bởi những đổi thay phát triển của đất nước Việt Nam. Những ánh mắt, nụ cười, khung cảnh nơi đây toát lên sự bình yên thanh thản đến lạ. Một cái gì đó như níu kéo, hối thúc và cả bịn rịn...

Và trong lòng ông trào dâng cảm giác của một người con gốc Việt Nam đang sống xa Tổ quốc mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương?

Vâng. Tôi mong muốn được đóng góp sự nhiệt tình, tâm huyết và kiến thức của mình để có thể đầu tư vào Việt Nam, cũng như làm một cầu nối cho sự phát triển kinh tế giữa Việt Nam-Hàn Quốc về kỹ thuật cũng như về vốn và nhân lực giữa hai nước.

Tập đoàn tài chính mà ông làm chủ mang tên Golden Bridge, tức là “Cây cầu vàng”. Thực sự, tôi rất muốn biết ông định bắc cây cầu vàng vào thị trường đầu tư cho Việt Nam ở những lĩnh vực nào? Đâu là ưu tiên hoạt động của Golden Bridge?

Tôi có thể khẳng định rằng, điều cần thiết nhất đối với Việt Nam bây giờ là có nguồn vốn để tạo thêm công ăn việc làm cho một lực lượng lao động còn rất trẻ và được giáo dục rất cao của Việt Nam. Những lao động trẻ này đang hàng ngày ra trường và cần phải sử dụng đúng đắn, tránh lãng phí. Việt Nam cũng cần nhiều vốn về kỹ thuật, về tài chính, đặc biệt là để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam hiện đang phát sinh thêm khá nhiều chi phí phụ do cơ sở hạ tầng còn yếu kém...

Và theo hướng này, “Cây cầu vàng” của ông đã triển khai quỹ đầu tư đầu tiên tại Việt Nam?

Đúng vậy, Quỹ có tên gọi “Blue Ocean Fund” với tổng vốn huy động khoảng 19 triệu USD. Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào cổ phiếu các công ty niêm yết cũng như chuẩn bị niêm yết, cổ phiếu của các công ty phát hành lần đầu ra công chúng đang và có tiềm năng phát triển nhanh và các dự án phát triển bất động sản tại Việt Nam (toà nhà văn phòng, tổ hợp thương mại, chung cư, sân golf, và các khu resort...). Quỹ có thời hạn đầu tư là 5 năm, thuộc loại hình quỹ thành viên và là quỹ đóng. 

Tiềm năng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam rất lớn nhưng quy mô của quỹ lại chỉ ở mức khiêm tốn. Ông có nghĩ như vậy không?

Quy mô như vậy là do quỹ thử nghiệm thị trường. Với quy mô khiêm tốn, chúng tôi tập trung đầu tư vào các nhà đầu tư có tổ chức, gọi là quỹ thành viên.

Hiện nay, thị trường Việt Nam còn nhiều biến động trong môi trường đầu tư và chính sách đầu tư. Tình hình đầu tư và tài chính có tính ổn định chưa cao. Chính vì vậy trước khi đưa ra một chiến lược đầu tư có quy mô lớn, chúng tôi sẽ có một quỹ với quy mô nhỏ để thử nghiệm thị trường. Tôi đưa ra phán đoán rằng sau 3 tháng nữa, số tiền trong quỹ này sẽ được đầu tư hết.

Đối với Golden Bridge, chúng tôi luôn có phương châm phải tìm đối tượng đầu tư có quy mô lớn gấp 5 lần so với quỹ của mình để có thể đưa ra lựa chọn đúng nhất. Chính vì thế tôi có thể khẳng định rằng với quy mô Quỹ tuy nhỏ nhưng trong thời gian ngắn chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư ngay.

Dự kiến cuối tháng 3 năm nay, chúng tôi sẽ kết thúc việc đầu tư của quỹ đầu tư thứ nhất và quỹ thứ hai, thứ ba cũng sẽ ra mắt trong thời gian đó với quy mô khoảng 100 triệu USD.

Điều gì khiến ông tin rằng từ nay đến tháng ba tới, những quỹ lớn hơn của ông được thành lập sẽ hoạt động tốt hơn?

Lý do để đầu tư tiếp của quỹ nào cũng vậy. Đầu tiên là thị trường phải có tiềm năng. Chúng tôi phán đoán những hiệu ứng tích cực của thị trường thì mới đầu tư và cộng với yếu tố các nhà đầu tư muốn đầu tư thì chúng tôi thành lập Quỹ. Cho nên lần này chúng tôi thực hiện để rút kinh nghiệm cho lần sau. Quỹ đầu tư thứ hai, thứ ba sẽ có quy mô lớn hơn và đối tượng đầu tư sẽ được mở rộng hơn.

Những điểm chưa ổn định của thị trường đầu tư tài chính của Việt Nam là gì? Mê lực nào đã khiến ông quyết định đầu tư vào Việt Nam?

Giá bất động sản tại thị trường Hà Nội, Tp.HCM của Việt Nam vẫn chưa được ổn định. Việt Nam là nước đang đón nhận được luồng đầu tư nước ngoài rất nhiều nhưng giá bất động sản bị thổi phồng quá lớn so với thu nhập người dân. Hiện nay quá trình xây dựng đang được thúc đẩy nhanh và xúc tiến thêm tại các thành phố lớn.

Tôi tin rằng khi có lượng sản phẩm bất động sản được khai thác, phát triển nhiều hơn thì giá cả sẽ thay đổi rất mạnh. So với cách tính trung bình của các nước trên thế giới thì “cái quá nóng” của thị trường bất động sản Việt Nam đã đẩy giá tăng lên ít nhất hai lần.

Về chỉ số chứng khoán cũng rất biến động và có quá nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh hơn nửa thị trường. Hiện nay trên thị trường chỉ có trên 70 sản phẩm và công ty được niêm yết. Đây chính là một trong số những nguyên nhân đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực của thị trường tài chính Việt Nam.

Tôi thấy rằng so với giá trị thực trên sổ sách kế toán của một công ty thì giá trị thị trường của nó có những cổ phiếu tăng lên đến 40 lần. Đó là giá cổ phiếu quá lớn so với giá trị thực của công ty cũng như tính lãi suất của công ty. Tôi xin khẳng định là chỉ có một vài doanh nghiệp lớn, còn lại là không phải.

Tôi tin rằng với việc đẩy giá quá cao của cổ phiếu, sau khi thị trường Việt Nam được bão hoà bởi các công ty niêm yết khác xuất hiện, thì giá này chắc chắn sẽ giảm.

Chính vì thế tôi vẫn nhận thấy Việt Nam có chính sách đổi mới rất tốt và môi trường đầu tư tiềm năng. Nhưng chính vì tiềm năng như vậy nên trong giai đoạn ngắn hạn, chúng ta có thể nhìn thấy những thổi phồng giá trị thực của tài sản dẫn đến thiếu ổn định như vậy.

Nếu quỹ đầu tư thử không thành công thì ông còn có ý định đầu tư quỹ khác hay không?

Nếu như vậy thì quỹ sau sẽ giảm quy mô. Chúng tôi mong muốn đầu tư bằng quỹ đầu tư của mình là nguồn vốn gián tiếp nhưng chúng tôi cũng mong muốn được tham gia vào những lĩnh vực đầu tư cần vốn trực tiếp bằng việc quản lý các danh mục đầu tư kết hợp với nghiệp vụ quản lý.

Tôi sẽ cân nhắc rất nhiều để có thể đưa ra các sản phẩm và đối tượng để đầu tư, chủ yếu tập trung vào các công ty liên doanh có nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài mang tính kỹ thuật cao.

Ông đánh giá cả thị trường bất động sản và chứng khoán đều có những yếu tố bất ổn định trong khi các danh mục đầu tư của ông đều có những khoản mục tập trung vào những lĩnh vực đó. Như vậy, ông có đặt các nhà đầu tư vào quỹ của ông với sự rủi ro rất lớn?

Các quỹ được huy động ở trong nước Hàn Quốc chúng tôi có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, tức là quỹ công chúng nhưng đợt này chúng tôi chỉ huy động quỹ thành viên với các nhà đầu tư là các nhà đầu tư có tổ chức. Họ có khả năng về tài chính và kinh doanh để đối mặt với những mạo hiểm này.

Chính vì vậy, chúng tôi chủ định đưa ra mục tiêu của Quỹ là quỹ đầu tư thành viên. ở đâu cũng vậy, các nhà đầu tư có tổ chức sẽ có khả năng đối diện và đối phó với việc quản lý những rủi ro mạo hiểm cao hơn các nhà đầu tư cá nhân.

Tôi cũng nhận thấy đối với các quỹ đầu tư nước ngoài cũng vậy, xem xét và phán đoán để huy động Quỹ công chúng - tức là có các nhà đầu tư cá nhân - vẫn chưa là bước phù hợp, mà phù hợp với Việt Nam hiện nay chính là tập hợp các nhà đầu tư có tổ chức, có khả năng tài chính cũng như quản lý chính rủi ro của bản thân mình.

Thường rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn, ông đã sẵn sàng đối mặt với rủi ro như vậy chứng tỏ ông đánh giá tiềm năng thu lợi còn rất cao ở thị trường Việt Nam?

Câu hỏi của bạn rất chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi không đánh giá cao toàn bộ các sản phẩm liên quan đến cổ phiếu cũng như bất động sản ở Việt Nam mà chúng tôi đã phát hiện ra những đối tượng đầu tư có thể mang lại những lợi ích cao.

Ông có thể bật mí?

Nếu nói tên cụ thể tôi e rằng có thể ảnh hưởng tới thị trường cổ phiếu của Việt Nam, sẽ làm giá trị của nó tăng lên không đúng giá trị thực. Riêng nhà đầu tư cá nhân tại thị trường chứng khoán Việt Nam tôi có thể khẳng định tổng quát là chưa có đủ nền tảng cơ bản hiểu biết về thị trường chứng khoán. Tôi nhận thấy thị trường đi theo xu hướng của toàn bộ thị trường chứ không phải do phán đoán, phân tích của mỗi cá nhân.

Tất nhiên trong số đó vẫn nhìn thấy một số công ty có khả năng thực sự. Với những công ty này nếu được tăng quy mô vốn cùng với tái thiết hệ thống quản trị doanh nghiệp của họ sẽ tạo ra một công ty rất tốt cho thị trường chứng khoán.

Chúng ta có thể hình dung như sông Hồng hay Cửu Long có thể lấp lánh nhưng đó không phải là vàng. Nhìn bên ngoài có thể rất đẹp rất tốt nhưng không có nghĩa toàn bộ những cá thể trong đó sẽ tốt.