09:40 23/10/2007

“Nhu cầu vốn cho ngành hàng hải rất lớn”

Hoàng Xuân

Nội dung cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Nhuận, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải

"Maritime Bank sẽ tích cực nâng cao nâng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, phù hợp với nhu cầu của ngành hàng hải."
"Maritime Bank sẽ tích cực nâng cao nâng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, phù hợp với nhu cầu của ngành hàng hải."
Nội dung cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Nhuận, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải.

Ông đánh giá như thế nào về dịch vụ hàng hải và hậu cần thương mại của Việt Nam hiện nay để từ đó có chiến lược tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này?

Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ: sau khi hoàn thành giai đoạn cải tạo mở rộng, nâng cấp 10 cảng trọng điểm là Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Sài Gòn, Cần Thơ, Thị Vải, Dung Quất sẽ tiến hành xây dựng các cảng nước sâu tại 3 vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và miền Trung và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Từ đây, theo tính toán sơ bộ, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển giai đoạn 2005 - 2010 là rất lớn (khoảng gần 60.000 tỷ đồng). Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cần khoảng 51.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển ngành, trong đó 33.700 tỷ đồng phát triển đội tàu, 13.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản, còn lại đầu tư trang thiết bị và các dự án khác.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành hàng hải hiện nay ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước. Vận tải biển cả nước mới đạt năng lực 3,6 triệu DWT, bằng 18% tổng năng lực vận tải biển, đội tàu thì già cũ và lạc hậu, còn cảng biển hầu hết đã hết công suất.

Mặt khác, xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 50% GDP và nhập khẩu cũng chiếm trên 50% GDP. Nhưng đến nay năng lực đội tàu và cảng biển không đáp ứng được.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) nhận thấy tiềm năng và nhu cầu vốn cho ngành hàng hải là rất lớn. Hiện nay dư nợ của Maritime Bank cấp cho ngành hàng hải mới đạt gần 800 tỷ đồng, chiếm khoảng 17% trong tổng dư nợ và gần 1,5% nhu cầu của ngành.

Vì vậy, trong thời gian tới Maritime Bank sẽ tích cực nâng cao nâng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, phù hợp với nhu cầu của ngành hàng hải.

Đặc biệt, Maritime Bank sẽ phát huy tối đa các nghiệp vụ truyền thống vốn là thế mạnh của ngân hàng như tham gia tài trợ vốn đối ứng và làm đầu mối thu xếp vốn cho các dự án đóng mới và mua tàu đã qua sử dụng.

Ngoài ra, Maritime Bank sẽ tham gia tài trợ một phần vốn cho các dự án cảng biển của Cục Hàng hải Việt Nam để đảm bảo dư nợ tín dụng trung dài hạn ổn định và an toàn.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong cuộc đua khá ngoạn mục về mở rộng mạng lưới chi nhánh, cạnh tranh về lãi suất và các dịch vụ... Ngân hàng hàng hải sẽ đi theo hướng nào?

Theo tôi, việc mở rộng mạng lưới, tăng quy mô hoạt động là việc làm tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Không lâu nữa các ngân hàng nước ngoài sẽ ồ ạt vào Việt Nam với nhiều ưu thế rất nổi bật về công nghệ, cơ sở vật chất, chất lượng sản phẩm dịch vụ...

Vì vậy, để giữ vững thị phần của mình, các ngân hàng trong nước không có con đường nào khác là phải gấp rút mở rộng mạng lưới giao dịch và phát triển các sản phẩm dịch vụ. Riêng về lãi suất, tôi cho rằng việc điều chỉnh lãi suất phụ thuộc vào tình hình cung cầu trên thị trường, nhưng phải được tiến hành trên cơ sở đảm bảo lợi nhuận cho cả ngân hàng và khách hàng.

Hiện nay, chúng tôi đang tập trung mở rộng mạng lưới giao dịch ở những địa bàn trọng điểm, đặc biệt ở các địa điểm có nhiều khách hàng chiến lược của Maritime Bank như các doanh nghiệp thuộc ngành bưu chính viễn thông, hàng không, hàng hải, bảo hiểm... để có khả năng phát triển các dịch vụ ngân hàng, tuy nhiên phải phù hợp với khả năng quản lý của ngân hàng.

Các doanh nghiệp đang quan tâm đến những dịch vụ chất lượng từ các ngân hàng. Để đáp ứng được yêu cầu này, trong thời gian tới Maritime Bank đã và đang có những chuẩn bị gì?

Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, ngay từ những ngày đầu thành lập Maritime Bank đã chú trọng vào công tác đầu tư và xây dựng một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin dựa trên các nền tảng của một ngân hàng hiện đại.

Việc chuyển đổi từ hệ thống hạ tầng thông tin nghiệp vụ ngân hàng phân tán sang hệ thống quản lý tập trung, cho phép thực hiện các giao dịch trực tuyến, tức thời (real-time, on-line) tại trụ sở chính trong năm 2002-2003 đã đánh dấu sự thành công trong việc tổ chức một hệ thống nghiệp vụ chuẩn mực dựa trên hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, giúp cho Maritime Bank chủ động trong công tác điều hành quản lý hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống, như xây dựng và lập kế hoạch, giám sát chặt chẽ các hoạt động tại các chi nhánh, điểm giao dịch trên toàn quốc, hỗ trợ đắc lực trong công tác hoạch định chính sách và phản ứng linh hoạt với các thay đổi của thị trường.

Hiện nay, Maritime Bank đang là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất tại Việt Nam được lựa chọn tham gia giai đoạn 2 của dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán do WB tài trợ. Với kết quả triển khai dự án này, chúng tôi sẽ hoàn thiện trang bị một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.

Đây chính là cơ sở để Maritime Bank tăng cường khả năng điều hành hoạt động của Ngân hàng thông qua hệ thống thông tin quản lý và phát triển các sản phẩm dịch vụ theo chuẩn mực quốc tế.

Hệ thống thanh toán online (trực tuyến) của chúng tôi đang hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của khách hàng trên toàn hệ thống, và kết nối thông suốt với Hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia đảm bảo phục vụ thanh toán tức thời các giao dịch liên ngân hàng trên toàn quốc.

Ngân hàng cũng vừa chính thức phát hành thẻ Maritime Bank Card và tham gia liên minh thẻ bao gồm 15 ngân hàng.